Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của người Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam…
Hòa Bình hiện có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 101 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng (41 di tích cấp Quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh) và hơn 100 di tích chưa xếp hạng.
Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều có những bản sắc riêng biệt. Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú.
Trong đời sống văn hóa, đồng bào vẫn lưu giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình; cùng với bảo tồn và lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... Chính điều đó đã tạo nên sự đa văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho Hòa Bình.
Diễn xướng cồng chiêng.
Tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, tỉnh Hòa Bình giới thiệu với bạn bè, du khách trong và ngoài nước trích đoạn Lễ hội Xuống đồng Mường Vang (huyện Lạc Sơn) với các nội dung: Nghi thức cúng, lễ vật; nghi thức rước lễ; nghi thức xuống đồng; nghi thức mời cơm; vào hội…
Đây là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hoà Bình, gắn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ.
Đồng thời là hoạt động văn hoá - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hoà Bình mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm, bản. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi trình, nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng có.
Có lịch sử lâu đời, lễ hội xuống đồng của người Mường Hòa Bình là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hoá, lịch sử. Trải qua nhiều thế hệ khác nhau, tuy có những lúc thăng trầm nhưng đến nay, lễ hội này đã được cộng đồng dân tộc Mường khôi phục ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Lễ hội phản ánh nhiều khía cạnh lịch sử ở các vùng Mường lớn xưa ở Hòa Bình.
Rượu cần của người Mường Hòa Bình.
Qua lễ hội và những di tích gắn với lễ hội có thể tìm hiểu được một phần quan trọng của lịch sử địa phương trong tập quán, phong tục của người Mường với những nghi trình, nghi thức, chứa đựng trong đó nhiều di sản văn hoá có giá trị. Đặc biệt, lễ hội trở thành hoạt động văn hoá, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Hòa Bình trong mỗi dịp Xuân về.
Đến với lễ hội để hoà mình vào không khí linh thiêng của phần lễ và sự náo nhiệt của phần hội, người dân Mường như được gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, ấm no nơi bản Mường, là dịp để trai gái bản Mường làm quen và tìm hiểu tâm tình qua những câu hát đúp giao duyên, thường rang, bộ mẹng…
Cùng với điểm nhấn trích đoạn Lễ hội Xuống đồng Mường Vang, đến với Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, Hòa Bình còn giúp du khách có thêm những trải nghiệm thú vị, kiến thức về văn hoá dân tộc Mường qua gian trưng bày giới thiệu các bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở… Các nghệ nhân người Mường sẽ trình diễn chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc; giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất các nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, không gian văn hoá ẩm thực người Mường Hòa Bình sẽ giới thiệu những món ăn đặc trưng, đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn như rượu cần, cơm lam, cỗ lá… Những món ăn đã góp phần làm nên những giá trị đặc sắc của văn hoá vật chất của người Mường nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Giúp các thế hệ sau khi soi vào những giá trị nhân văn đó và cảm nhận được nếp sống, cách nghĩ, tâm hồn, phong tục tập quán và truyền thống của ông cha thật tự nhiên, dung dị nhưng lại mang đậm nét bản sắc văn hoá riêng biệt, không thể nhầm lẫn về ẩm thực xứ Mường Hòa Bình.
(ST)