Khắp Thái (hát Thái hay hát dân ca Thái) là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian được truyền từ đời này sang đời khác bởi nó gần gũi, bình dị, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, ca ngợi nét đẹp trong cuộc sống. Chính vì vậy, dân ca Thái có sức sống trường tồn và ngày càng được bảo tồn, phát huy.
Những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã khôi phục và mở được hàng chục lớp truyền dạy dân ca Thái cho thế hệ trẻ và các hộ làm du lịch cộng đồng để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Là học viên lớp dân ca Thái thứ 2 mở trong năm 2022, chị Lò Thị Thích - bản Đường, xã Hạnh Sơn cho biết: "Mình tham gia học lớp dân ca Thái từ tháng 10/2022 đến nay, thường học vào các buổi tối tại nhà nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng. Trước đó, mình cũng đã biết hát dân ca Thái nhưng chưa hiểu sâu về cách thể hiện theo làn điệu và cũng hát được rất ít bài. Tham gia lớp này, mình học được nhiều bài hát hơn, kể cả bài hát lời dân gian cũng như lời các bài hát mới”.
Cũng là học viên của lớp dân ca Thái, anh Đồng Văn Đại - phường Tân An chia sẻ: "Mình thì cũng đã biết hát nhưng hát chưa hay, có làn điệu hát chưa đúng. Từ khi tham gia lớp học, mình học nhanh hơn, hiểu được ý nghĩa của các bài hát nên thể hiện phù hợp với bối cảnh hơn, hát hay hơn, truyền cảm hơn rất nhiều. Mình tham gia học cũng là muốn có thể sau này truyền dạy lại cho các bạn trẻ yêu thích khắp Thái như mình”.
Những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã mở được hàng chục lớp truyền dạy dân ca Thái và các nhạc cụ văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Người truyền dạy đều là những Nghệ nhân Ưu tú như ông Lò Văn Biến, bà Điêu Thị Xiêng, bà Hoàng Thị Văn và những người am hiểu, đam mê văn hóa Thái như anh Lê Thanh Tùng, chị Đinh Thị Tom... Riêng năm 2022, thị xã mở 2 lớp truyền dạy dân ca Thái cho 40 học viên do nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến và Điêu Thị Xiêng truyền dạy.
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến - bản Căng Nà, phường Trung Tâm cho biết: "Với niềm đam mê về các làn điệu dân ca Thái, nhiều năm qua, tôi đã miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, biên soạn và thể hiện gần 100 bài hát dân ca Thái với các làn điệu khác nhau. Tôi cũng chia sẻ, truyền dạy cho những người có cùng sở thích và các bạn trẻ ở các bản, làng”.
Nói về các làn điệu trong dân ca Thái, Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng - thôn Đêu II, xã Nghĩa An cho biết: "Hăn Nê” là giai điệu hát giao duyên cổ truyền, trước kia chỉ được "khắp” trong hội xuân chơi hang Thẩm Lé.
Giai điệu dìu dặt, tình tứ như muốn gửi trao những điều sâu kín của tâm hồn, như tiếng của con tim khao khát cháy bỏng yêu thương. Bởi vậy, khi thể hiện làn điệu này, nhạc cụ thường là pí ló và nhị (so lo). Trong lòng hang, những làn điệu nhẹ nhàng, tình tứ được âm thanh trong sáng, réo rắt của nhạc cụ thổi hồn, thấm sâu vào lòng đất, rung động mỗi trái tim.
Còn điệu "Hà ơi” phổ biến hơn, có thể hát mọi lúc, mọi nơi trong các dịp lễ, tết, hội, mừng nhà mới, đám cưới… Nhạc cụ dùng để đệm cho làn điệu "Hà ơi” cũng phong phú hơn như: khèn bè, các loại pí, trống, chiêng”.
Để các học viên dễ tiếp thu, cảm nhận và có thể hát đúng, hát hay các làn điệu thì người truyền dạy có những phương pháp khác nhau. Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng chia sẻ thêm: "Ban đầu, tôi dạy giai điệu trước, cách thể hiện đối với từng giai điệu để có thể phân biệt rõ từng giai điệu. Học viên nhuần nhuyễn từng giai điệu thì sẽ học thuộc lời bài hát và dần thể hiện các bài hát từ dễ đến khó”.
Các làn điệu dân ca của người Thái ở Mường Lò là sự kết tinh từ thực tế cuộc sống, phản ánh đầy đủ, chân thực về nhân sinh quan và thế giới quan của người Thái trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội; thể hiện những ước mơ, khát vọng, niềm vui, sự tin yêu, trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng về một ngày mai tươi sáng. Ý nghĩa đó và tinh thần giữ gìn, lưu truyền của người Thái Mường Lò sẽ là nền tảng để dân ca Thái mãi trường tồn.
Thu Hạnh