Tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2022 diễn ra ngày 21/12, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong năm vừa qua.
"Chúng ta loay hoay về khái niệm xuất bản điện tử mấy năm qua, nhưng sự chỉ đạo của cấp trên đã truyền cảm hứng, quyết tâm để các nhà xuất bản cùng thực hiện tốt nhiệm vụ. Lĩnh vực này đã khởi sắc, có sản phẩm. Trong đại dịch, chúng ta có đổi mới, sáng tạo, bứt phá. Sách điện tử của chúng ta có rất nhiều người đọc, đến được với mọi người, đến được vùng miền", ông cho biết.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây là những thuận lợi của xuất bản điện tử - một nét chấm phá tương đối đậm của ngành xuất bản.
Phát triển xuất bản điện tử là một trong năm nhiệm vụ ngành xuất bản cần tập trung trong năm 2023, theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Tống Văn Thanh.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) số đầu xuất bản phẩm điện tử 2022 ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.
Trình bày tham luận tại hội nghị, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt khẳng định xuất bản Việt Nam có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử.
Công tác đầu tư cho xuất bản cũng được quan tâm đẩy mạnh. "Nhiều NXB nỗ lực đầu tư hoặc tìm giải pháp thuê hạ tầng để hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới hình thức, đẩy mạnh xuất bản điện tử", ông Trần Chí Đạt cho biết. Phát triển xuất bản điện tử là xu thế chung và các nhà NXB trong nước khó lòng đứng ngoài xu thế đó.
Song song với đầu tư thiết bị phần cứng, NXB Thông tin và Truyền thông cũng tập trung xây dựng hệ thống phần mềm lớn gồm hệ thống xuất bản trực tuyến, sàn thương mại điện tử phát hành sách in, trang Thư viện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông,...
Xuất bản điện tử là tương lai của ngành xuất bản. Đó là nhận định của thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì vậy, ông đề xuất đội ngũ làm xuất bản điện tử phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng biên tập và ứng dụng công nghệ - kỹ thuật, truyền thông số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành xuất bản nói chung, công tác chủ quản xuất bản nói riêng. Vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản còn hạn chế, đặc biệt đối với một số cơ quan chủ quản và tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhiều cơ quan chủ quản xuất bản chưa ý thức hết trách nhiệm, vai trò chủ quản, chưa quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng đề tài, chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý để những tồn tại, hạn chế của nhà xuất bản kéo dài.
Năm 2022, mặc dù số lượng vi phạm về nội dung xuất bản phẩm không nhiều song vẫn còn để xảy ra các sai sót trong khâu biên tập, xuất bản, lựa chọn đề tài...
Hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản, trong đó 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương và 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. Về mô hình hoạt động, có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.200 tỷ.
(Theo TPO)