Tự hào giai điệu Tổ quốc

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2023 | 7:50:50 AM

YênBái - Lời ca khúc “Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn thực sự lột tả được cảm xúc của những người được hát Quốc ca trên đảo Trường Sa, đó là nguồn cảm hứng tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.

Nghi thức chào cờ tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)
Nghi thức chào cờ tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)

"Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi
Dịu dàng trong tiếng ru hời
Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi
Trầm sâu trong tiếng đất trời”…

Mỗi chúng ta, ai cũng đã từng có những trải nghiệm khác nhau về cuộc sống. Trong đó, tình yêu quê hương đất nước, tự hào về Tổ quốc có lẽ luôn là những trải nghiệm sâu sắc, đáng nhớ nhất. Đối với tôi, giai điệu Tổ quốc đã được thấm đẫm, hằn in trong tâm trí không thể nào quên trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa ngày ấy. Giai điệu Tổ quốc trong tôi chính là được hát Quốc ca trên quần đảo Trường Sa…

Lễ Thượng cờ, Chào cờ và hát Quốc ca trên các đảo ở quần đảo Trường Sa là một nghi thức trang trọng bậc nhất, thể hiện lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời mình, tôi đã hàng trăm lần hát Quốc ca. Nhưng khi chào cờ ở Trường Sa - không gian đặc biệt ấy đã làm từng lời ca trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Sau tiếng hô khẩu hiệu dõng dạc, trầm hùng, tất cả cán bộ, chiến sĩ bắt đầu thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. 

"Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”… 

Cũng lời ca ấy, cũng màu cờ đỏ sao vàng ấy nhưng khi hát Quốc ca ở Trường Sa, trong chúng tôi, những cảm xúc mãnh liệt không tên cứ trào dâng mạnh mẽ. Trong từng câu từ của bài hát, chúng tôi cảm nhận được sự vĩ đại của dân tộc mình, của đất nước mình, cảm nhận được "công sức cha ông, hồn thiêng sông núi” nơi đảo tiền tiêu, càng ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết về sự hy sinh của lớp lớp cha ông đi trước; dựng nước, giữ nước trong chiều dài lịch sử, dù bị nạn xâm lăng nhưng không bao giờ chịu khuất phục. 

Rồi còn nữa, 10 lời thề danh dự quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thanh vang vọng át tiếng sóng biển, giữa bạt ngàn cát trắng thực sự tự hào: "Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội...”. 

Ngoài 10 lời thề danh dự ấy, còn có "lời thề thứ 11” mà nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đọc trước anh linh những người lính đã nằm lại Trường Sa bên cột mốc chủ quyền, nhân kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1988): "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”… 

Rồi tất cả, cùng đứng nghiêm trang, vuông quai hàm, đanh mắt, hô to như muốn vỡ lồng ngực: "Xin thề!” trước Quốc kỳ. Giữa ầm ầm sóng, lồng lộng gió và mênh mang nắng Trường Sa, 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên như sóng dậy đã làm tình yêu biển đảo, Tổ quốc cháy rực trong từng con tim, hằn sâu trong từng khối óc.

Nhìn Quốc kỳ kiêu hãnh tung bay trong gió, trong nắng của bầu trời Trường Sa, hát Quốc ca và nghe những lời thề đanh thép khẳng định ý chí, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đầy tự hào hãnh diện, vang vọng cả một vùng biển nước, sang sảng, hào hứng thực sự khiến lòng yêu nước như dâng trào trong tim những ai được chứng kiến… 

"Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa
Mới thấy thiêng liêng tận đáy tim ta
Cờ Tổ quốc tung bay giữa nước non trời mây
Là ngọn sóng trong ta đang vỗ về đảo xa”…

Lời ca khúc "Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn thực sự lột tả được cảm xúc của những người được hát Quốc ca trên đảo Trường Sa, đó là nguồn cảm hứng tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. 

Nơi ấy, giai điệu Tổ quốc trong các anh là tình yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam. Tình yêu ấy đã trở thành bất tử, được gửi gắm qua lời hát Quốc ca và những lời thề danh dự người lính. 

Được chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy, chúng tôi muốn hát to, hát vang lên mãi bài hát Quốc ca giữa biển đảo quê hương, để khẳng định chủ quyền thiêng liêng, sự toàn vẹn lãnh thổ từ bao đời, từ đó càng thêm nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Thiên Cầm

Các tin khác
Nghệ nhân Lò Văn Biến biểu diễn khèn bè.

Khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong những dịp cưới hỏi, lễ, tết hay ngày hội đón xuân của đồng bào Thái Mường Lò, Nghĩa Lộ. Tiếng khèn bè cất lên làm rộn rã bản làng, đắm say đêm hội, xuyến xao lòng người.

NSND Doãn Hoàng Giang.

Nghệ sĩ Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa thông báo tin buồn, NSND Doãn Hoàng Giang - một tên tuổi lớn của sân khấu đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 18 giờ 15 ngày 16-1, tại Hà Nội.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức các lễ hội chào xuân với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, hướng các em về giá trị ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Cứ mỗi độ xuân về, hay mỗi mùa lễ hội, người Mông Mù Cang Chải lại nô nức tổ chức các trò chơi dân gian. Trong số đó, đánh quay (người Mông gọi là Tù lu) là trò chơi không thể thiếu trong các hội vui này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục