Tự hào Di sản Xòe Thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2023 | 6:21:14 AM

YênBái - Xòe gắn bó với người Thái trong từng hơi thở, trở thành một phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng miền.

Vòng xòe tại đêm Lễ hội Xòe Thái - “Tinh hoa miền di sản” được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ.
Vòng xòe tại đêm Lễ hội Xòe Thái - “Tinh hoa miền di sản” được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ.

Mường Lò - Nghĩa Lộ, thị xã miền Tây của tỉnh Yên Bái, không chỉ nổi tiếng là vùng "gạo trắng nước trong” với cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc, mà còn là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái Đen với một bề dày văn hóa nổi tiếng với 6 điệu xòe cổ, một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái Đen Mường Lò. Xòe gắn bó với người Thái trong từng hơi thở, trở thành một phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng miền. Cuối tháng 9/2022, tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Múa xòe có tự bao giờ chưa ai rõ. Chỉ biết rằng, kể từ khi có xòe, sự gắn kết cộng đồng của người Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ ngày càng thêm bền chặt. Múa xòe là bản sắc riêng có, là "báu vật” vô giá mà bao thế hệ người Thái ở Mường Lò đã dày công gìn giữ, bảo tồn và phát huy.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham gia đêm hội. 

"Nghệ thuật Xòe Thái” bắt nguồn từ Mường Lò, Nghĩa Lộ - miền đất nổi tiếng với nền văn hóa đa dạng, phong phú; "cái nôi” quần tụ của dân tộc Thái và là quê hương của những điệu xòe, câu khắp khiến bao người mê đắm. 

Đồng bào Thái ở đây quan niệm: "Không xòe không vui/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Theo Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến - người được coi là "pho sử sống” của văn hóa Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ thì điều đặc biệt của xòe là khi âm nhạc cất lên, tất cả mọi người đều hân hoan tay trong tay hòa nhịp vũ điệu tâm hồn rộn bước trong vòng xòe không kể giàu - nghèo, già - trẻ, gái - trai. 


Hoa hậu Hoàn cầu năm 2017 Khánh Ngân trong vòng xòe cùng người dân Mường Lò - Nghĩa Lộ. 

Và khi câu hát ngân lên, điệu trống rộn ràng cũng là lúc vòng xòe rộng mở, kết nối yêu thương bất tận. Xòe Thái giờ đây không còn bó hẹp trong nét đặc trưng văn hóa của một dân tộc mà đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Từ 6 điệu xòe cơ bản, người Thái đã phát triển thành 36 điệu xòe. Xòe trở thành biểu tượng văn hóa vùng Tây Bắc. Bên ánh lửa bập bùng của đêm hội, các cô gái Thái với mái tóc búi cao, lộ ngấn cổ trắng ngần uyển chuyển trong áo cỏm, khăn piêu nối rộng vòng xòe cùng du khách, xóa nhòa khoảng cách chủ - khách. 


Trong vòng xòe, không còn khoảng cách lạ - quen. 

Vinh dự, tự hào khi "Nghệ thuật Xòe Thái” không chỉ là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia mà đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng thêm khẳng định "Nghệ thuật Xòe Thái” đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc; là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. 

Đó còn là thông điệp gửi gắm trách nhiệm, tình yêu giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ riêng của cộng đồng người Thái Mường Lò, Tây Bắc mà đó còn là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thu Trang

Tags “Nghệ thuật Xòe Thái” Mường Lò - Nghĩa Lộ Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại du khách áo cỏm khăn piêu

Các tin khác
Cụ Bàn Phúc Sương trao đổi với phóng viên về những nét đẹp của tục xông nhà còn được bà con người Dao đỏ gìn giữ đến ngày nay.

Người xông nhà có ảnh hưởng nhiều đến sự thành công hay thất bại của gia chủ trong năm, bởi vậy nhiều gia đình chọn rất kỹ người xông nhà cho mình.

Phụ nữ người Dao trong trang phục truyền thống.

Tục gọi hồn của người Thá; tục vỗ mông của người H’Mông, tục “bắt chồng” ở Tây Nguyên hay đi ăn trộm lấy may của người Lô Lô... là một số phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

"Nghệ thuật xòe Thái” được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao, mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc. Đến Mường Lò vào dịp lễ hội, trong nhà, ngoài ngõ, trong nhà trường hay sân nhà văn hóa… nơi đâu cũng rộn rã điệu xòe. Các đội văn nghệ thôn, bản thường xuyên biểu diễn 6 điệu xòe cổ. Xòe Thái được đưa vào trường học, khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nên "những ngôi trường hạnh phúc”.

Trong không khí tràn ngập niềm vui đón tết cổ truyền của dân tộc, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước, quê hương đổi mới và chào đón giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, tối 21/1 (tức đêm 30 tháng Chạp), tại Quảng trường 19/8, tỉnh Yên Bái tổ chức Chương trình Nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “ Yên Bái vào xuân”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục