Người quê
- Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi chăm chú nhìn người đàn ông đang phát cỏ. Anh bị mất chân trái đến non nửa đùi. Có lẽ phần đùi còn lại ngắn quá, không lắp được chân giả nên phải chống nạng. Tôi đã thấy một vài người bị mất chân như thế. Những người này đều phải đi bằng xe tay. Chống nạng lên núi phát cỏ như anh, quả là chưa thấy bao giờ.
Trời mưa, đất ướt, lại dốc, tôi ngã dúi dụi. Anh lấy chân phải làm trụ đỡ cơ thể, gác phần đùi còn lại lên nạng gỗ, mải miết phát cỏ mà không ngã. Hết tầm dao, anh hạ cái chân cụt xuống, tay trái cầm nạng thay chân leo lên, thành thạo, nhanh nhẹn không kém người tay chân nguyên lành.
Chị Tuyết đi từ dưới chân núi lên, chị nói:
-"Ông Tiến cụt", thương binh phát rừng đấy. Giỏi không?
-Giỏi thật - tôi trầm trồ - núi dốc như mái nhà, trơn như đổ mỡ, chống nạng phát cỏ, chặt cây, tài thật! Chị Tuyết bảo:
-Dốc này ăn thua gì. Ông ấy còn phát cỏ trồng rừng trên núi Lịch kia!.
-Thật á? Tôi tròn mắt hỏi lại, ngỡ nghe nhầm. Núi Lịch khá cao. Ngày ở quê, tôi vẫn vào bóc măng, chặt củi nhưng chỉ loanh quanh dưới chân núi thôi, chưa leo lên đỉnh bao giờ.
Chị Tuyết khẳng định:
-Sao chẳng thật! Leo núi còn dễ. Ông ấy còn lội ruộng làm cỏ, phát bờ, cấy, gặt kia.
Tôi không tin.
-Ruộng thụt, có mỗi một chân, lội ruộng làm sao được?
-Thì cũng như phát cỏ kia kìa! Gác chân cụt lên nạng, là làm được thôi!
Tôi đến gần anh gọi:
-Anh Tiến ơi! Nghỉ giải lao đã!
Anh ngạc nhiên nhìn tôi:
-Chị là ai? Lên đây làm gì? Sao lại biết tên tôi.
Chị Tuyết đi lên, chị nói:
-Em gái tôi đấy! Chị em chúng tôi sang xã anh xin vác củi. Quay sang tôi, chị bảo:
-Đã bảo ở nhà không nghe. Mệt chưa?
-Mệt nhưng mà may. Em đang muốn viết bài về thương binh, vớ ngay được bác Tiến.
Chị Tuyết đồng tình:
-Ông Tiến là thương binh giỏi nhất vùng này. Viết bài xứng đáng lắm.
Không có bút, giấy, thì tôi đi chặt củi, có biết may mắn được gặp anh đâu mà mang giấy bút theo. Nhưng không sao, mới gặp, tôi đã có cảm tình đặc biệt với anh rồi. Chỉ cần anh kể cho tôi nghe chuyện về anh, chắc chắn tôi sẽ nhớ.
Anh là Đào Đức Tiến, sinh năm 1963 ở thôn 7 xã Hợp Minh huyện Trấn Yên, thương binh hạng 2/4. Anh nói:
-Tôi bị thương năm 1984, ra quân năm 1987. Ngày mới về khó khăn lắm. Bố mẹ mất sớm, nhà nghèo, đất Hợp Minh cằn cỗi có khác gì đất Bảo Hưng đâu. Tôi bị mất 1/3 đùi trái đi lại đã khó khăn, nhưng không lao động thì lấy gì mà sống. Tôi phải tập làm chị ạ! Làm mãi rồi quen.
-Nhà anh có nhiều ruộng, nhiều rừng không?
-Tôi có 10 ha rừng, 2 ha chè và một mẫu ruộng.
-Nhà anh có mấy khẩu mà được chia nhiều rừng nhiều ruộng vậy?
Anh cười:
-Tôi có ba cháu, hai vợ chồng nữa là 5 khẩu. Chỉ có ruộng chia theo khẩu, còn rừng thì nhiều, ai làm bao nhiêu thì làm trước đây rừng còn bỏ hoang kia.
Phải thăm gia đình anh, "trăm nghe không bằng một thấy", các cụ dạy thế. Tôi hỏi:
-Không lấy củi, phát rừng nữa, về nhà anh Tiến chơi. Được không chị Tuyết, anh Tiến?
-Chị Tuyết vui vẻ đồng ý. Anh Tiến cũng đứng dậy. Chúng tôi cùng xuống núi. Tôi đi sau quan sát anh, tay phải cầm dao, tay trái cầm nạng, anh xuống dốc rất nhanh. Hai cánh tay cuồn cuộn săn chắc.
Ba con đi học, vợ ra đồng, anh vãi thóc cho gà ăn. Hàng trăm con gà lớn nhỏ từ các ngõ tủa về. Tiếng mỏ bỗ xuống nền sân xi măng dội lên bồm bộp. Mấy chú lợn nái thấy chủ về réo ầm ĩ đòi ăn. Ba chú trâu mộng cọ sừng vào gióng chuồng cồng cộc. Ao cá rộng trên 1000m2, lá sắn, cỏ tươi xanh mặt nước, cá ăn, cá quẫy rung mặt ao. Anh tháo gióng chuồng, lùa đàn trâu lên đồi. Tay chống nạng, nhảy từng bước dài thoăn thoắt. Nhìn anh, tôi thấy lòng xốn xang. Đất Hợp Minh cũng như đất Bảo Hưng, đa phần là đồi núi nhiều năm xói mòn cằn cỗi. Gây dựng được cơ ngơi như thế này phải đổ bao mồ hôi. Anh lại mất gần hết chân trái, nỗi vất vả, cực nhọc không thể kể hết được. Anh đã vượt lên thương tật, lao động gây dựng kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Không trở thành gánh nặng cho xã hội, anh còn vươn lên làm giàu chính đáng, không thua kém những người khỏe mạnh. Điều đó đáng quý lắm. Tôi xúc động hỏi:
-Anh có yêu cầu, đề nghị gì không?
-Tôi thì không chị ạ! Nhưng ở Hợp Minh, còn một số gia đình chính sách khó khăn, họ rất cần được giúp đỡ… Chúng tôi đi dưới những cánh rừng (trước đây là đất trống đồi núi trọc) bạt ngàn bồ đề, keo lai, bạch đàn xanh thăm thẳm. Đó là màu xanh của một vùng quê đang khởi sắc nhờ bàn tay cần mẫn của người dân nơi đây.
Tôi bảo chị Tuyết:
-Không đề nghị giúp mình, lại đề nghị giúp đỡ người khác. Anh Tiến này hay thật!
Chị Tuyết nói:
-Người quê là thế đấy! Lao động rất giỏi, rất cần cù và không tham.
Nguyễn Thị Lũy
Các tin khác
YBĐT - Hôm nay người bản Tầng Co khăn piêu rực rỡ, mặc diện như đi chơi hội vì chàng trai của bản lấy được cô gái đẹp nhất vùng. Cả nhà Hà Thị Quả cũng vui lắm vì cô là con gái lớn đi lấy chồng. 10 cặp chăn đệm mang về nhà chồng với đủ thứ hoa văn khéo léo là công sức của bao đêm miết mài se tơ dệt vải. Học mẹ dệt vải từ năm lên 9 lên 10, Quả cũng như bao thiếu nữ Thái ở bản Tầng Co xã Nghĩa An này đều ý thức được rằng đã là con gái của bản mường, của đồng bào mình thì nhất thiết phải làm được chăn đệm, dệt được thổ cẩm. Và vì thế người con gái sẽ được tăng phẩm giá và đắt chồng cũng nhờ đôi bàn tay tài hoa khéo dệt ra những tấm vải đẹp.
YBĐT - Đồng dao - còn gọi là hát vui chơi của trẻ em người Thái Tây Bắc rất phong phú và đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Đồng dao không chỉ đem lại niềm vui trong trẻo cho tuổi thơ mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, góp phần giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan cho trẻ.