Người bảo tồn chữ Thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đây là khóa học thứ hai về chữ Thái mới mà ông già này vừa là người biên soạn chương trình giảng dạy đồng thời là giảng viên trực tiếp. Một tuần ba buổi đều đặn, ông có mặt ở đây để tận tay uốn nắn từng đường cong nét chữ, truyền kể những bộ sử thi, những bản anh hùng ca nổi tiếng một thời của dân tộc mình.

Học viên của ông không ai khác chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thị xã Nghĩa Lộ và cán bộ các phường, xã của địa phương. Tên ông là Lò Văn Biến, người duy nhất ở vùng Mường Lò (Văn Chấn) Yên Bái đến giờ còn biết đọc thông viết thạo chữ Thái. Và ông cũng là một trong số rất ít người am tường về chữ Thái cổ.

Học chữ Thái từ năm lên 7 tuổi, ông Biến được nhiều thầy mo trong vùng coi là học trò giỏi, có năng khiếu đặc biệt trong đọc, dịch và viết chữ Thái. Như thể duyên nợ, trong suốt cuộc đời mình chưa khi nào ông Biến thôi tìm tòi, nghiên cứu để bảo tồn và truyền giữ chữ viết của tổ tiên. Ngót ngàn năm nay, hoạt động trí tuệ, sáng tạo tinh thần của người Thái đã được ghi lại bằng chữ viết riêng của dân tộc Thái với hàng ngàn pho sách viết về các lĩnh vực: Lịch sử, nghi lễ, phong tục tập quán, luật giáo, đạo lý, nhân sinh quan, vũ trụ quan và những sáng tác văn học từ sưu tầm trong dân gian cho đến những bộ sử thi, anh hùng ca đồ sộ như: Xóng trụ xon xao, Táy pú xấc, Khún lú náng ủa, Cầm Hán đánh giặc cờ vàng... Đây là những di sản văn hoá vô giá không chỉ của riêng dân tộc Thái. Thông thạo chữ viết và hiểu được giá trị to lớn trong kho tàng văn hoá, tri thức của dân tộc mình bao nhiêu càng khiến cho ông Biến thêm đau đáu trăn trở. Chủ trương dạy chữ Thái cho cán bộ công tác trong vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Yên Bái được triển khai thực hiện đã thắp sáng trong ông niền tin vững chắc. Ông tin cái chữ của dân tộc mình sẽ không bị lãng quên mà đang được gìn giữ bởi cháu con và lớp cán bộ lãnh đạo địa phương.

 

Ông còn là một nghệ sỹ của núi rừng với cây đàn tính.

 

Truyền dạy chữ Thái cho cháu.

Mùa xuân này ông Biến bước sang tuổi 75, cái tuổi xưa nay hiếm. Thời gian của ngày ông dồn hết tâm lực cho việc nghiên cứu, biên dịch giáo trình dạy chữ Thái cổ và dịch những pho sách quý viết từ chữ Thái cổ. Qua nghiên cứu sách cổ ông cho hay, người Thái đến Mường Lò sinh sống rất sớm, khoảng thế kỷ XI, XII. Điều đó lý giải vì sao nhiều người, trong đó có những học trò của ông là người Nhật Bản, úc, Thái Lan đã tìm đến đây để nghiên cứu văn hoá dân tộc Thái như tìm về với chính mảnh đất cội nguồn của người Thái.

Vẫn miệt mài dịch sách cổ, biên soạn giáo án, những lúc thư thái ông Biến còn làm thơ, viết tiểu phẩm bằng chữ Thái để răn dạy cháu con biết nâng niu, gìn giữ vốn tri thức quý giá của dân tộc. Sau bao năm nỗ lực nghiên cứu, giờ thì ông Biến vui lắm, tin lắm vào sự trường tồn của chữ Thái, bởi cùng ông là sự quan tâm của các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp sức cho sự hồi sinh của chữ Thái trên chính vùng đất của người Thái Mường Lò.

Minh Thuý - Thanh Tân

Các tin khác
Hoa núi.

YBĐT - Mù Cang Chải, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với trên 90% là đồng bào Mông sinh sống. Nơi có cảnh đẹp với điệp trùng núi non hùng vĩ, những triền ruộng bậc thang uốn lượn bên những ngôi nhà sàn xinh xắn. Đến với Mù Cang Chải những ngày cuối năm du khách không chỉ ngỡ ngàng trước phong cảnh hữu tình mà còn tận hưởng cảm giác thú vị khi cùng bà con dân bản đi sắm tết trong buổi chợ phiên cuối năm.

Một lễ hỏi ngày nay.(Ảnh: Việt Hà)

YBĐT - Người Việt Nam xưa coi cưới hỏi là một nghi thức lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đồng thời nó cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Việc dựng vợ, gả chồng trở thành việc chung của gia tộc chứ không phải là việc riêng của con cái. Đó là những ngày vui lớn, trọng đại mà người ta vẫn gọi là “song hỉ”.

YBĐT - ở trên đời có bao nhiêu là người xinh? Cô gái da trắng hồng có mái tóc đen mượt như nhung. Cô gái má hồng răng trắng hay má lúm đồng tiền, có hàm răng ngà ngọc. Cô gái có đôi mắt huyền lúng liếng, hay đôi mắt sáng như sao trời. Cũng có thể là đôi mắt biếc hồ thu chỉ cần liếc nhẹ cũng có thể làm cho hồn vía ta chao đảo đắm chìm… Vâng! Những người đẹp là những người có duyên. Dẫu rằng có những người đẹp ta ghét cay ghét đắng nhưng buộc lòng ta phải công nhận điều đó. Dù sao, cái duyên ấy cũng chỉ là cái "duyên nổi", chỉ là cái "duyên bong ra ngoài" mà thôi.

YBĐT - Mùa xuân là mùa của hoa. Và chính hoa đã làm nên mùa xuân. Mỗi sắc hoa có nét đẹp riêng. Chẳng ai có thể nói được hoa nào đẹp hơn hoa nào bởi mỗi hoa có một màu riêng, có hương sắc riêng, chẳng hoa nào giống hoa nào. Nhưng có một điều chắc chắn là một vài cánh hoa không thể làm nên vườn hoa hoặc một vài bông hoa không thể làm nên mùa xuân của đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục