Ngày xuân nói chuyện duyên thầm
- Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - ở trên đời có bao nhiêu là người xinh? Cô gái da trắng hồng có mái tóc đen mượt như nhung. Cô gái má hồng răng trắng hay má lúm đồng tiền, có hàm răng ngà ngọc. Cô gái có đôi mắt huyền lúng liếng, hay đôi mắt sáng như sao trời. Cũng có thể là đôi mắt biếc hồ thu chỉ cần liếc nhẹ cũng có thể làm cho hồn vía ta chao đảo đắm chìm… Vâng! Những người đẹp là những người có duyên. Dẫu rằng có những người đẹp ta ghét cay ghét đắng nhưng buộc lòng ta phải công nhận điều đó. Dù sao, cái duyên ấy cũng chỉ là cái "duyên nổi", chỉ là cái "duyên bong ra ngoài" mà thôi.
|
Con người ta còn có cái "duyên chìm" (còn gọi là "duyên thầm" nữa). Cái duyên này tuy không thấy ngay, không biết ngay tức khắc, nhưng có thể nói - quý hơn nhiều so với cái duyên bong ra ngoài kia. Cái duyên bong ra ngoài thì theo thời gian mỗi ngày một nhạt phai, tàn tạ. Nhưng cái "duyên thầm" - cái "duyên lặn vào trong" thì còn mãi mãi, mỗi ngày một đậm đà hơn lên, nồng thắm hơn lên. Con người ta thương nhau, quý nhau cũng ở cái duyên ấy. Ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em, bạn hữu thương nhau, quý nhau cũng ở cái duyên ấy. Gia đình hòa thuận, ấm êm, xóm giềng, cơ quan đoàn kết với nhau cũng ở cái duyên ấy. Đất nước ngày càng hưng thịnh, phát triển, xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh - cũng một phần nhờ cái duyên ấy của mỗi người công dân, của mỗi một thành viên trong xã hội. (Khác hẳn với cái duyên bong ra ngoài kia.
Trung tâm của sự rắc rối, trung tâm của sự mâu thuẫn, của "đối đầu" có khi chỉ bắt nguồn từ một cái nhìn tình tứ của một đôi mắt lá răm. Án mạng có khi chỉ bắt nguồn từ một nụ cười chết người của một thiếu phụ đa tình. Mất nước có khi chỉ vì cái "duyên nổi" của một Mỵ Nương).
Thế mới biết cái duyên thầm đẹp đẽ biết bao, quý giá biết bao! Nhưng khó mà định nghĩa được rõ ràng mạch lạc cái "duyên thầm" ở mỗi một con người. Chỉ biết rằng cái duyên ấy toát ra, lộ ra một cách tế nhị, từ tâm hồn và tình cảm, từ tính cách và phẩm chất đạo đức, từ trí tuệ và ý chí của mỗi một con người cụ thể. "Duyên thầm" ở một người không phải ai cũng nhìn thấy, bởi cái "duyên lặn vào trong" không phải lúc nào và ở đâu nó cũng lộ ra cho mọi người thấy được. Nhưng người có "duyên thầm" thể nào cũng có lúc cái duyên ấy lộ ra và thể nào cũng có người thấy, thể nào cũng có người biết. Nhờ cái duyên ấy mà con người ta (dù lúc nào đó có nghèo túng, bất hạnh nhất) cũng có thể sống tốt, sống đẹp đến ngày mai.
Nhưng những chàng trai khôi ngô tuấn tú, những cô gái da trắng tóc dài, mày ngài mắt phượng kia chưa chắc đã có cái duyên ấy nếu như họ không có một tâm hồn đẹp, một tình yêu tha thiết với quê hương, với người thân, với đồng loại, đồng bào. Những con người giàu sang, quyền cao chức trọng, có học nhưng xấu bụng, ích kỷ, nhỏ nhen kia hẳn là không có cái duyên ấy. Những con người nghèo túng nhưng không chịu khó làm lụng, những con người dốt nát nhưng không chịu khó học hỏi, những con người khó khăn nhưng không có ý chí vươn lên - hẳn là không có cái duyên ấy.
Trời chẳng phú cho ta một chút cái "duyên bong ra ngoài" kia (đành chịu vậy!). Mong sao - cả đời ta - ta có được - một chút thôi - một chút chút - cái "duyên thầm"…
Tản văn của
Phạm Minh Giang
Các tin khác
YBĐT - Mùa xuân là mùa của hoa. Và chính hoa đã làm nên mùa xuân. Mỗi sắc hoa có nét đẹp riêng. Chẳng ai có thể nói được hoa nào đẹp hơn hoa nào bởi mỗi hoa có một màu riêng, có hương sắc riêng, chẳng hoa nào giống hoa nào. Nhưng có một điều chắc chắn là một vài cánh hoa không thể làm nên vườn hoa hoặc một vài bông hoa không thể làm nên mùa xuân của đất nước.
YBĐT - Trong căn nhà đơn sơ ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ chúc mừng năm kháng chiến đầu tiên, xuân Đinh Hợi 1947:
YBĐT - Từ trước Tết các cô gái Thái khéo tay đã chọn vải đẹp nhiều màu sắc sặc sỡ để khâu còn. Quả còn nhồi đầy hạt bông cho nặng và êm để khi người bắt được không bị đau tay. Quả còn được gắn nhiều tua xung quanh có một sợi tua dài đính nhiều tua hoa sặc sỡ.
YBĐT - Ngày giỗ, tết bố mẹ tôi thường thắp hương trên bàn thờ để mời tổ tiên ông bà, ông vải về nhận tấm lòng thành kính của các con cháu đối với những người trong gia tộc đã khuất núi. Thường thường mùng 1, ngày rằm tôi còn theo bà lên chùa lễ Phật.