Nghe mùa xuân nói
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, sự giao mùa giữa đông sang xuân là có nhiều dấu ấn hơn cả. Bởi từ trong giá rét, bão bùng chuyển sang ấm áp, yên lành luôn tạo cho con người niềm hứng khởi, lạc quan, rạo rực. Mùa xuân không nói gì với ta thành lời, không gọi ta bằng tiếng gọi yêu thương. Song, một chút nắng hiếm hoi ló rạng từ trong âm u, lạnh lẽo làm ta thấy nôn nao; một chút gió se se làm lay động những chồi non vừa nhú, khiến ta thấy háo hức về những ngày mới có hoa thơm cỏ lạ.
Mùa xuân vừa ngấp nghé ngoài hiên. Mùa xuân đi gõ cửa từng nhà, báo hiệu sự yên bình, rạng rỡ của ngày mai, ngày kia nắng đẹp, trời xanh trong veo. Trời đất giao thoa nhẹ nhàng, êm ái như khúc dân ca mẹ hát ru thời con gái, hát ru thời ta còn thơ ấu để hình thành nhân cách con người.
Mùa xuân hiển hiện trong ánh mắt thiếu nữ rạo rực miền yêu thương, nôn nao vì những điều gì không rõ nét. Mùa đơm hoa kết trái tạo cho con người có phong thái chững chạc, lịch lãm, quên tất cả những gì của ngày hôm qua sóng gió, để bước tới bằng những bước chân tự tin.
Ta không nghe mùa xuân nói gì, dẫu xuân đã lớn dần trong tâm hồn ta từng ngày từng tháng. Ta không nghe mùa xuân hát gì, nhưng cuộc đời sao cứ đẹp, cứ đáng yêu thêm! Mùa xuân len lén khơi nguồn cảm xúc trong ta khi hoa trái khẽ khàng sau cơn gió nhẹ đưa; sau phiên chợ mẹ bán khoai từ, khoai tím từ mảnh vườn sau hè cũng biết thương người. Mùa xuân bắt đầu từ nắng hồng trải nhẹ trên đường làng, nắng phơn phớt trên má, trên môi thôn nữ. Những giọt nắng kêu lanh canh trên mái ngói đỏ tươi sau mùa đông dài mưa gọt hết rong rêu; nắng đậu trên vai của những người trồng hoa ven sông ước mơ gửi trọn vào từng luống hoa bắt đầu cho nụ.
Mùa xuân đâu có nói gì, sao cứ làm ta bồi hồi trước những nấm mộ của người thân. Ngày xưa, sau mỗi lần tảo mộ ông bà, cha thường nói như nói với người còn sống: "Cha mẹ về ăn Tết với con cháu, phù hộ cho con cháu bình an, phát đạt…". Ngồi tổng kết lại một năm được - mất, ta càng thấm thía thêm bổn phận làm người. Gieo một hạt giống tốt sẽ mọc một cây hoa đẹp ngát hương; gieo những hạt giống tốt sẽ có những mùa vàng bội thu, còn gieo một mầm xấu chẳng thể nào có hoa thơm trái ngọt.
Mùa xuân có hát gì đâu, sao lũ chim suốt ngày ra rả? Ta chợt buồn nao nao khi có những thằng bé xách ná rình rập những chú chim non đang vô tư ca hát. Mùa xuân về lấp lánh những sáng tinh mơ trên cây lá. Cái lạnh nôn nao của đêm làm ta hoài niệm về những ngày đã xa, xa lắc, xa lơ. Tấm thiệp chúc Tết ngày đó định tặng em, không biết viết thế nào để nói hết những điều gan ruột trong ta. Có những điều ta chưa kịp nói đã hóa thành thiên cổ…
Nghe mùa xuân nói trong giấc mơ hoa, tiếng xuân ngọt ngào, huyền hoặc, tỉnh giấc như còn nghe sự chuyển mình của đất trời, vạn vật. Xuân về thật rồi! Nàng xuân đang đỏng đảnh đến tận mọi nhà bằng áo mới, hoa tươi… Ta như trẻ lại dẫu không còn trẻ nữa!
Trần Quốc Cưỡng
Các tin khác
YBĐT - Mấy chục triệu người Việt, kể cả những người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, nhất là những ai đã sinh ra và lớn lên từ nửa cuối thế kỷ trước, vẫn còn mãi mãi niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Đến Tết này, đã gần 40 xuân Người đi vào cõi vĩnh hằng, bên tai ta vẫn văng vẳng lời người: "Xuân về xin có một bài ca. Gửi chúc đồng bào cả nước ta...".
YBĐT - Đây là khóa học thứ hai về chữ Thái mới mà ông già này vừa là người biên soạn chương trình giảng dạy đồng thời là giảng viên trực tiếp. Một tuần ba buổi đều đặn, ông có mặt ở đây để tận tay uốn nắn từng đường cong nét chữ, truyền kể những bộ sử thi, những bản anh hùng ca nổi tiếng một thời của dân tộc mình.
YBĐT - Mù Cang Chải, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với trên 90% là đồng bào Mông sinh sống. Nơi có cảnh đẹp với điệp trùng núi non hùng vĩ, những triền ruộng bậc thang uốn lượn bên những ngôi nhà sàn xinh xắn. Đến với Mù Cang Chải những ngày cuối năm du khách không chỉ ngỡ ngàng trước phong cảnh hữu tình mà còn tận hưởng cảm giác thú vị khi cùng bà con dân bản đi sắm tết trong buổi chợ phiên cuối năm.
YBĐT - Người Việt Nam xưa coi cưới hỏi là một nghi thức lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đồng thời nó cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Việc dựng vợ, gả chồng trở thành việc chung của gia tộc chứ không phải là việc riêng của con cái. Đó là những ngày vui lớn, trọng đại mà người ta vẫn gọi là “song hỉ”.