Tôi xin mượn cách dùng từ của cụ Nguyễn Tuân để đặt nhan đề cho bài kí – kết quả của chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Văn Yên. Bởi lẽ, ngay từ khi háo hức chuẩn bị cho cuộc hành trình đến khi bắt đầu những bước chân trải nghiệm thực tế, trong lòng tôi dạt dào biết bao cảm xúc của khúc ca đại ngàn, xanh mát mắt thưởng lãm và nóng hôi hổi giọt mồ hôi thấm mặn trong những khát khao đổi mới đi lên xây dựng thôn hạnh phúc, bản hạnh phúc, trường học hạnh phúc của xã nông thôn mới hạnh phúc. Ở đó, thực sự tôi đã được nhìn ngắm chất vàng của thiên nhiên và thấy cả chất vàng mười của những con người trên vùng non cao Nà Hẩu (Văn Yên).
Vàng một đêm trăng
Nằm ở lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên nên qua vùng Đại Phác, bắt đầu vào đến địa phận của xã Nà Hẩu. Chỉ mới đến chân dốc Ba Khuy đã thấy hiện ra một diện mạo khác, một dung nhan mới mang vẻ đẹp của người đàn bà Mông, trầm mặc và đủng đỉnh tự nhiên.
Nhớ lại hơn 20 năm trước khi còn là cô học trò cấp 3, để vào được đến Nà Hẩu phải mất cả nửa ngày trời. Xuất phát từ thị trấn Mậu A buổi trưa, qua đò ngang hoặc đợi chờ được chuyến phà - hình thức vận tải hiện đại lúc bấy giờ để vượt qua sông Hồng sang đến xã An Thịnh, Đại Phác là phải gửi lại phương tiện để đi bộ theo con đường rừng vào Nà Hẩu.
Đường đất đỏ, nhiều rãnh nhỏ rãnh to như con rắn, con thuồng luồng há miệng dọc dài, thỉnh thoảng lại lổng chổng lên những "thằng mặt đá" như khiêu khích và thử sức bền người bước chân qua. Nếu sơ sảy thì hoặc là trơn trượt, đo đường tại chỗ, bất cẩn là rơi xuống bên vực sâu có các tấm cây rừng đan chằng chịt như tấm võng khổng lồ của bà mẹ thiên nhiên dang tay đỡ đón. Cũng đầy hú vía giữa lằn ranh giới của vực sâu tử nạn bên dưới và bầu trời xanh sự sống đầy mộng mơ trên đầu. Vượt qua đỉnh dốc Ba Khuy với gậy bám đường, mở lối phát quang thì mới đến được trung tâm xã.
Lúc ấy, trời cũng sẩm tối. Ánh trăng sáng thanh cao, vằng vặc rọi xuống đại ngàn thành ánh vàng tỏa mát cho tâm hồn người vừa vượt qua nửa ngày đường. Có lẽ vì vậy mới có giai thoại dí dỏm về tên gọi của dốc Ba Khuy rằng, lần lượt cởi hết ba khuy áo thì mới đến được Nà Hẩu.
Là người trải nghiệm cung đường nhiều lần thuở ấy trên cương vị Ban thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Văn Yên lúc bấy giờ, kĩ sư lâm nghiệp - nhà thơ Nguyễn Bá Khánh đã có những cảm xúc thăng hoa tuyệt vời khi viết về đêm trăng Nà Hẩu: "Trăng vàng trên sườn núi/Thững thờ buông lùm cây/ Mái nhà sương giăng nhạt/Lấp loá trời sao dày!/ Xốn xang đường xuống bản!/Tiếng sáo luồn trong mây/Khèn lá ai gọi bạn/Đàn môi ai tỏ bầy!/Chén rượu nồng bếp lửa/ Sóng sánh giọt trăng đầy/ Nào! Chén vui cùng cạn/ Chén tình say ngất ngây/Ai bắt hồn của đá?/Ai chao vía của cây?/Mà ngẩn ngơ đứng đó?/Vàng một đêm trăng này!”.
Ngày hôm nay, trăng Nà Hẩu vẫn đẹp tinh khôi, đẹp đến nao lòng giữa chốn thung sâu. Nhưng gương mặt Nà Hẩu hôm nay đã khác - đổi mới, tươi tắn, sáng nắng lên rất nhiều! Con đường đã được đổ bê tông vào đến tận trung tâm xã và các thôn, bản.
Chiếc xe ô tô 16 chỗ chở đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Yên Bái bon bon thẳng tiến từ trung tâm thị trấn Mậu A vào đến UBND xã Nà Hẩu chỉ mất một giờ đồng hồ. Xe lên dốc Ba Khuy nhẹ như tiếng khèn lá của rừng, thênh thênh và ăm ắp trong lòng người những yêu mến xốn xang như làn váy thiếu nữ Mông đang xập xòe bên nương với ánh mắt lấp lánh niềm vui, xinh xắn.
Vào đến trung tâm UBND xã, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng và tiếng hát của dàn đồng ca đầy hào sảng. Rất ngỡ ngàng và tò mò, thay vì vào hội trường ủy ban, tôi đi ra khu vực có tiếng đàn, tiếng hát. Bất ngờ trước mắt tôi là hình ảnh gần chục bạn trẻ tay đang cầm bắp ngô đưa lên làm giả micro, lời bài hát được viết bằng bút bi gắn vào gốc cây sắn trước mặt. Cả nhóm - người chân đất, người chân dép hát say sưa.
Bọn trẻ con và cả 5,6 người lớn đứng ngồi xung quanh mang vung xoong cứ từng chập lại gõ hai mặt vung vào nhau tạo dàn âm hưởng cổ vũ đầy khí thế. "Em đi san rừng, em đi bạt núi. Em như con suối nước chảy không ngừng. Em đang bước tiếp chặng đường. Theo những anh hùng Tổ quốc yêu thương…”.
Hỏi ra mới biết, hóa ra đây là đội văn nghệ của xã đang tập luyện để hai ngày nữa xuất quân ra thị trấn Mậu A tham dự "Hội diễn văn nghệ quần chúng” của huyện nhà. Đem cảm giác rất vui tươi ấy lên hội trường, tôi nghe Chủ tịch UBND xã Lý Tòn Cầu giới thiệu về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa của xã đầy hứng thú.
Qua cách giới thiệu không chỉ thuần đọc báo cáo mà còn là sự trao đổi và cả tâm tư đầy tâm huyết, trách nhiệm của đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương, tôi càng hiểu thêm về Nà Hẩu. Đây là một xã đặc biệt khó khăn của huyện với 99,95% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, một bộ phận đồng bào Mông từ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã di cư về Văn Yên và chọn thung lũng rừng già Nà Hẩu làm nơi sinh sống.
Lúc ấy, Nà Hẩu chưa phải là xã độc lập mà là một phần của xã Mỏ Vàng. Năm 1986, xã chính thức được thành lập và hiểu theo tiếng Thái, tên gọi Nà Hẩu nghĩa là "Ruộng mới” - gửi gắm niềm mong mỏi của đồng bào về một cuộc sống no ấm.
Đặc tính của người Mông ưa địa hình non cao, sống du canh du cư để khai khẩn vỡ hoang, tìm nơi sinh kế là tập quán lâu đời. Hậu quả của tập quán ấy khiến đời sống của chính đồng bào không ổn định, rừng bị chặt phá, đất bị thoái hoá không còn khả năng canh tác, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nhận định được tình hình ấy, nên ngay từ những ngày đầu thành lập xã, chính quyền huyện Văn Yên đã trăn trở, họp bàn, cử nhiều đoàn công tác vào tận xã, thôn, bản thực hiện "3 cùng” với bà con: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và qua đó thực hiện tốt chính sách tuyên truyền, vận động chuyển giao đất của những người có điều kiện cho những người ít hoặc chưa có điều kiện về đất đai để họ được canh tác, được sở hữu phần đất mang tên mình. Được vỡ hoang trên chính mảnh đất của bản thân, đồng bào hân hoan, vui sướng và chuyên tâm chăm lo, ổn định, phát triển cuộc sống .
Với chính sách dân vận khéo, với chủ trương hết lòng v dân, yêu thương đồng bào như người thân máu thịt của mình, chính quyền huyện Văn Yên đã thành công khi có các giải pháp bền vững định canh định cư cho đồng bào. Từ đó, ý thức về quyền làm chủ mảnh đất nơi họ sinh tồn, ý thức về sự giữ gìn, phát triển văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần bản địa, trong đó đặc biệt là ý thức về việc bảo vệ tài nguyên rừng tự giác hình thành.
Với người Mông, đồng bào coi rừng là nhà, coi nhà là rừng nên sự độc đáo của Nà Hẩu về mô hình "làng trong rừng” và "rừng trong làng” ra đời từ đó và là nét độc đáo riêng có của Văn Yên mà không phải ở đâu cũng gìn giữ hay phát huy được.
Mẹ rừng thiên nhiên
Nằm ở độ cao trung bình từ 600 - 700 m so với mặt biển, trong đó nơi cao nhất lên đến 1.788 m nên Nà Hẩu có khí hậu vô cùng mát mẻ. Nhìn lên các dãy núi cao sương giăng phủ cả ngày như lớp voan mỏng nhè nhẹ che chở cho thung sự lành an, yên tịnh khiến con người cũng trở nên hiền hòa, sống đầy hòa hợp với địa thế, đất đai, tài nguyên, khí hậu trong lòng chảo được bao bọc bởi những dãy núi cao hùng vĩ, nguyên sơ.
Nà Hẩu có tổng diện tích đất tự nhiên 5.640,36 ha, trong đó đã có 4.543,15 ha là rừng đặc dụng, là khu bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, bảo vệ nguồn gen sinh vật cảnh, là lá phổi xanh khổng lồ bảo vệ môi trường sinh thái mà thụ hưởng đầu tiên thuộc về bà con Nà Hẩu.
Trong Khu bảo tồn thiên nhiên ấy, hệ rừng lá rộng xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng kịp thời được bảo vệ nên chưa bị phá vỡ, tổn thương nghiêm trọng, tầng tán được phân chia rõ rệt. Tầng cao nhất là các loài cây gỗ lớn, vươn cao, thẳng tắp như ưỡn căng tấm ngực, nhô bật như uy linh rừng thiêng của cây chò nâu, dổi, trám, táu mật, táu muối ... Tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau như các lớp ô xanh nương nhau từng tầng, từng chập; như đội quân sung sức của lứa tuổi thanh niên sâu rễ chắc gốc gom nắng, gọi gió đang từng bước năng động, sáng tạo làm giàu quê hương là các loài cây gội, cây de, cây dẻ... Tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương xỉ, cau rừng...
Đó là những lớp cây như thế hệ kế cận sẵn sàng bảo vệ mẹ rừng thiên nhiên và cùng người mẹ vĩ đại góp phần điều hòa khí hậu, thanh lọc không khí trong lành và làm sạch bầu khí quyển. Hệ động vật trong Khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay, rừng Nà Hẩu có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và danh mục Đỏ thế giới như: sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa…
Tác giả bên những giây phút trải nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Từ "vàng" thiên nhiên yêu quý những "vàng mười"
Với tài nguyên rừng quý giá như vậy, tôi thấm thía hơn về ý nghĩa tục "Cúng rừng” hay còn được gọi là "Tết rừng” của đồng bào nơi đây. Tết rừng được tổ chức vào dịp cuối tháng Giêng và 3 ngày đầu của tháng 2 (Âm lịch) hàng năm. Chỗ gốc cây đại thụ, có phiến đá to, bằng phẳng được chọn làm ban thờ. Lễ vật cúng là lợn đen do sáu thanh niên người Mông chưa lập gia đình thành tâm rước từ trung tâm xã đến cửa rừng.
Khu vực cúng rừng trong Lễ Tết rừng Nà Hẩu. (Ảnh: T.L)
Tại nơi thờ cúng, thầy mo hành lễ đốt 48 nén hương, rót rượu, xôi bày tại bốn góc ban thờ, sau đó thổi một hồi tù và, đánh một hồi mõ để bắt đầu làm lễ, khấn cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không phá hoại hay khai thác rừng bừa bãi. Đặc biệt, sau lễ cúng, liền trong ba ngày, người dân không đi vào rừng chặt cây, kiếm củi, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng…
Việc làm ấy được tự giác thực hiện trong mỗi người dân như một sự cảm tạ đầy thành kính với rừng mà không cần một sự đốc thúc, kiềm tỏa, giám sát nào mới thấy tình yêu rừng ngấm vào da thịt đồng bào như dòng máu chảy trong huyết quản.
Có lẽ thế chăng mà những con người nơi đây, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thậm chí khách quan nhìn nhận, đánh giá thì các điều kiện để sản xuất, thông thương, giao lưu văn hóa, phát triển giáo dục còn nhiều trở ngại vẫn "thổi hồn" vào đất để gieo đậu những trái ngọt, hoa thơm. Yêu quý biết bao những con người chăm chỉ lao động, chất phác, say sưa với ruộng lúa, đồi ngô, với các mô hình chuyển đổi của trồng quế,
nuôi cá tầm... Biết bao hạt nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn đổi mới để vừa giữ gìn chất vàng của thiên nhiên Nà Hẩu lại vừa biết truyền cảm hứng để góp phần tạo nên những lấp lánh trên gương mặt người.
Cá tầm thương phẩm của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. (Ảnh: T.L)
Quãng thời gian ở Nà Hẩu không nhiều nhưng gặp mỗi người, tiếp xúc với mỗi việc đều để lại trong tôi những tình cảm vô cùng yêu mến và cảm kích. Từ việc được trò chuyện với bà con nơi cánh đồng lúa nước, nghe bà con ríu ran. "Mỗi vụ thu hoạch, gạo còn dư đem bán được. Cuộc sống không còn phải ăn gạo đỏ với nước hứng từ khe hay phải giã gạo ra như ngày trước. Đây, tháng trước còn vừa mua được cái "sờ - mát - phôn" này, cô ạ!”, chị phụ nữ Mông tên Mỷ vừa vén vạt áo rút ra chiếc điện thoại thông minh màu nâu ra khoe với sự mãn nguyện, sung sướng. Nhìn ánh mắt chị vui như có nắng, tự dưng tôi thấy lòng rộn ràng!
Chia tay chị, tôi quay trở lại ngồi sau chiếc xe Minsk được anh Giàng Seo Páo - Chỉ huy trưởng Quân sự xã đưa vào thăm thác Suối Tiên của bản Tát. Đường vào bản quanh co, ngoằn ngoèo và cua gấp khúc. Tiếng anh nói, giọng anh cười làm át đi cả tiếng hóc khừng khực, tiếng "rên" gừ gừ của "con" xe cổ. Đi cạnh anh, tôi thấy rõ tinh thần lạc quan và sức vóc của chàng thanh niên bản đầy tráng lực. Cho nên, dịu mát không phải chỉ vì được chiêm ngắm dòng thác bạc đổ từ dãy tầng thứ ba tung bọt trắng xóa xuống các phiến đá như đã hàng ngàn năm chăm chỉ, cần mẫn nằm lặng im mài sự gồ ghề, rong rêu, mà còn bởi luồng sinh khí tự nhiên toát ra đầy hồn hậu nơi con người anh.
Tác giả cùng đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Yên Bái có nhiều thực tế sáng tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu,.
Đem những niềm vui ấy kể với anh Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UDND xã, anh chỉ cười hiền hậu. Nụ cười hiền như làn gió mang hương quế thơm trên những vùng trồng mà một số hộ bà con đang thử nghiệm mô hình phát triển kinh tế. Nụ cười hiền như việc anh cần mẫn đi từ Đại Sơn đến Nà Hẩu 17 km mỗi lượt, 34 km trên ngày để làm việc trong suốt 5 năm qua trên cương vị Phó Bí thư Thường trực rồi Chủ tịch UBND xã như hiện nay mà chưa bao giờ than vãn một câu khó, khổ.
Không phải người bản địa nhưng anh tâm huyết vô cùng, luôn say mê với công việc và gần gũi với đời sống đồng bào. Có lẽ phải yêu dân, gần dân như thế nào thì anh mới luôn trăn trở từng ngày cùng đội ngũ trong công tác chỉ đạo, điều hành và trực tiếp thực việc quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu với cốt lõi giá trị thực sự để đưa xã lên nông thôn mới vào quý I năm 2024. Nhìn anh, gặp anh, tôi tin nhiệm vụ chính trị ấy sẽ hoàn thành được như nét văn hóa tốt đẹp mà bà con nơi đây đã xây dựng.
Đem niềm tin ấy, tôi đến thăm Trường Mầm non Nà Hẩu. Dù không hẹn trước, lại là ngày nghỉ cuối tuần của dịp hè, nhưng như một cơ duyên trời ban, tôi được gặp cô Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường – người phụ nữ nhỏ bé mà nghị lực, kiên cường, sáng tạo mà tôi đã từng được nghe nhắc đến. Sở dĩ tôi biết bởi câu chuyện về cô Phó Hiệu trưởng của một trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia vùng thuận lợi, lại đang gần nhà nhưng đã xung phong lên nhận nhiệm vụ tại ngôi trường khó khăn bậc nhất của Văn Yên chỉ với một suy nghĩ đầy trong trẻo và cao đẹp: bản thân còn trẻ, mong muốn được cống hiến chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác làm tôi vô cùng khâm phục và ước ao có ngày gặp gỡ.
Khi đứng trong khuôn viên Trường Mầm non Nà Hẩu hôm nay – ngôi trường đang triển khai mô hình nhà trường gắn với du lịch, tôi nhận thấy rõ ràng đây là một hướng đi hợp thời. Vừa từng bước tự tin khẳng định vị thế, góp phần quảng bá những bản sắc độc đáo của địa phương, vừa tạo cho trẻ thêm yêu văn hóa của dân tộc mình, biết giới thiệu về trang phục, công cụ lao động, nét văn hóa bản sắc của người bản địa.
Qua các hoạt động trải nghiệm: giã bánh dày, thổi sáo Mông, múa gậy sinh tiền, thêu thổ cẩm…, các bé đã được ngôi trường nuôi dưỡng trong bầu dưỡng khí sánh đặc văn hóa yêu thương, trân trọng cội nguồn và tạo mở từng bước mạnh dạn trong giao tiếp, giao lưu, giới thiệu với những người yêu trường, mến trẻ, với khách du lịch, tham quan.
Đổi mới, sáng tạo xuất phát từ lòng yêu học sinh tha thiết; qua tình yêu như máu thịt với mảnh đất vùng cao mà tình nguyện được lên làm việc như một người con của bản làng, cô giáo Phạm Thị Thanh được phụ huynh tin yêu và nhất loạt ủng hộ trong mọi chủ trương xây dựng, đổi mới nhà trường từ việc tổ chức nấu ăn bán trú đến xây dựng nhà cộng đồng như một mô hình của bảo tàng dân tộc thu nhỏ phục vụ hoạt động sinh hoạt chung cho các con...
Nhìn cơ sở nhà trường khang trang sạch đẹp với cờ hoa trang trí chạy dọc trên sân, có tường rào bao quanh, có thêm 6 phòng học mới kiên cố vừa được đầu tư xây dựng, có khuôn viên thảm cỏ cùng ghế đá, các giỏ xe hoa, mô hình ruộng bậc thang và các con vật thân thương, gần gũi được tái chế từ lốp xe, nan hoa, bìa cát tông, khung sắt tận dụng... do chính các cô giáo nhà trường sáng tạo không ai có thể hình dung cũng nơi này cách đây 5 năm chỉ là một dãy nhà gỗ có bốn phòng học tạm, nằm chênh vênh trên núi cao; không có bếp ăn, không có lan can, không có hàng rào xung quanh bảo vệ.
Chia tay cô Thanh tôi cứ nghĩ đến hình ảnh Thiên Sơn tuyết liên – một loài hoa chỉ mọc ở những khe núi đá của những cao nguyên ôn đới khắc nghiệt. Từ mảnh đất cằn cỗi, địa hình hiểm trở, cheo leo, mọc ra một đóa trắng yêu kiều, bung xòe như bông sen giữa tuyết trắng. Nếu loài hoa ấy được hội tụ, kết tinh từ ba nguồn tinh túy của gió, mây và tuyết thì hình ảnh cô giáo Thanh cũng là một biểu tượng đẹp của một nhà giáo gắn liền với ba chữ "yêu”: yêu nghề, yêu người, yêu mảnh đất vùng cao thấm đẫm văn hóa Mông Nà Hẩu.
Từ "chất vàng" của thiên nhiên Nà Hẩu đến chất "vàng mười" mà tôi được gặp ở nhân dân, ở anh Chủ tịch xã, ở anh Chỉ huy trưởng Quân sự, ở cô giáo Hiệu trưởng trường mầm non…, tôi thấy họ thật bình dị và cũng thật lớn lao - những nét hồn hậu, chân thành, đáng yêu và luôn bao chứa tình yêu thương, sự hy sinh lớn lao vì cộng đồng mà khi tiếp xúc tôi thấy mình được trưởng thành hơn rất nhiều!
Là một người con được sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng trưởng thành từ miền đất quế nên khi đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Yên Bái tổ chức đi thực tế sáng tác, tôi đã sẵn sàng tham gia, "đi để được trở về", được cùng lắng nghe hơi thở của đất mẹ Văn Yên, được cảm nhận từng nhịp sống xốn xang đang ngày càng rộn vang khúc ca đổi mới. Và tôi thật sự tự hào khi bản thân được sinh ra từ miền đất giàu sức sống đại ngàn, giàu bản sắc văn hóa - nơi có những con người chăm chỉ, cần cù, vừa nồng hậu, tình nghĩa, vừa sáng tạo, thông minh trong công cuộc xây dựng và đổi mới cho quê hương yêu dấu.
Lưu Khánh Linh (Trường THPT Cảm Ân, Yên Bình)