Bản sắc văn hóa dân tộc sẽ phai dần theo thời gian khi mà lớp trẻ không còn mặn mà kế thừa. Bởi vậy, để bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bên cạnh công tác sưu tầm, lưu giữ, tổ chức các hoạt động bảo tồn thì việc trao truyền, kết nối, thu hút sự tham gia của người trẻ vào công tác này có vai trò đặc biệt quan trọng, được các địa phương tích cực triển khai bằng nhiều cách.
Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) có đồng bào Khơ Mú sinh sống chiếm đa số. Để thu hút người trẻ tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, xã thành lập 5 đội văn nghệ liên thế hệ.
Khác với các đội văn nghệ thông thường, mỗi đội văn nghệ liên thế hệ được chia thành 4 nhóm đối tượng theo độ tuổi: người cao tuổi, người trung tuổi, thanh niên và học sinh. Từng nhóm sẽ tổ chức sinh hoạt, luyện tập riêng theo thời gian phù hợp, thuận tiện cho việc tập hợp đông đủ các thành viên. Nhóm cao tuổi hơn sẽ trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn cho nhóm tuổi kế cận phía sau.
Ở Nghĩa Sơn, trong bất cứ buổi họp, sinh hoạt đoàn thể từ xã cho đến thôn đều không thể thiếu những tiết mục văn nghệ truyền thống mở đầu, tạo cơ hội để các đội văn nghệ thường xuyên được thể hiện khả năng biểu diễn và người dân được chiêm ngưỡng.
Em Mè Thị Lợi ở thôn Nậm Tộc chia sẻ: "Tham gia vào đội văn nghệ liên thế hệ, em được các nghệ nhân, các cô chú dạy cho rất nhiều điệu múa của dân tộc mình như: múa cá lượn, múa cầu mùa, mừng mùa lúa mới, múa măng mọc... Qua những câu chuyện của các cụ, em còn hiểu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mà bấy lâu nay em vẫn mơ hồ. Em vẫn đang cố gắng theo các cụ trong thôn tập các bài hát cổ và sử dụng được một vài nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình”.
Với cách làm này, phần lớn người trẻ trong xã đã biết múa các điệu múa truyền thống; người trung niên biết hát các bài hát cổ. Các nghệ nhân trong xã cũng đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn người trẻ các bài hát cổ, cách sử dụng và chế tác nhạc cụ truyền thống như: chiêng, đao, tính "tla”... và bồi đắp đam mê, tình yêu với văn hóa dân tộc.
Hay tại vùng đất Mường Lò giàu văn hóa, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với các đơn vị trường học mở lớp chữ Thái cổ. Ngoài ra, các học sinh còn có thể tự học tại cộng đồng; nhà riêng của Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến và ông Lò Tuyên Dung luôn mở cửa đón các cháu có nhu cầu.
Cùng với chữ viết, 6 điệu xòe, nhạc cụ dân tộc, điển hình là khèn bè cũng được CLB bảo tồn và phục dựng. Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng, chị Hoàng Thị Văn cùng một số thành viên trong CLB thường xuyên truyền dạy các điệu múa dân tộc, làn điệu khắp Thái cho học sinh các trường trên địa bàn xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An; tư vấn, hỗ trợ kiến thức cho các nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian trước và sau tết Nguyên đán.
Có thể thấy, 2 thế hệ kết nối để trao truyền những giá trị văn hóa là một trong những giải pháp tiên quyết để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Những năm gần đây, các CLB, lớp học truyền dạy về chữ viết, nhạc cụ, văn hóa, văn nghệ được hình thành, thu hút ngày càng nhiều thế hệ trẻ tham gia.
Chỉ riêng 2 năm 2021 - 2022, toàn tỉnh đã mở 15 lớp truyền dạy văn hoá các dân tộc do các nghệ nhân dân gian trực tiếp đứng lớp như: lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên của nghệ nhân Dương Trung Đình; lớp truyền dạy hát Khắp Cọi, xã Mường Lai, huyện Lục Yên của nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn; lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Tày tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai; lớp dạy dân ca Thái (khắp Thái) của nghệ nhân Lò Văn Biến và Điêu Thị Xiêng…
Ngoài truyền dạy văn hoá dân tộc, các nghệ nhân còn tích cực bồi đắp, lan tỏa niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm hiểu biết cơ bản về văn hóa dân tộc, thêm yêu và ý thức hơn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình. Từ đó, người trẻ đã có những cách riêng để bảo tồn và tự hào đưa văn hoá dân tộc hòa nhập vào cuộc sống. Giàng A Súa ở bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải vẫn luôn tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Súa chia sẻ: "Em thành lập nên Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Màng Mủ không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn mong muốn giới thiệu, quảng bá bản sắc, văn hóa các dân tộc đến du khách gần xa và cho họ trải nghiệm các phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương”.
A Súa còn nghiên cứu, phối hợp tổ chức các tour, tuyến đến những địa danh đẹp của huyện; sưu tầm, cải tạo, khôi phục các vật dụng truyền thống của đồng bào bị mai một như: vòng quay sợi lanh; bàn là đá, cối xay, nhà ngô… trưng bày phục vụ khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống để tăng thêm trải nghiệm, giữ chân du khách; bán các mặt hàng thổ cẩm do chính người địa phương thêu vá.
Còn có Bùi Thị Hương với dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn nhằm chế tạo các sản phẩm từ vải thổ cẩm kết hợp với quần áo tái chế; Lảo A Củ thành lập Công ty TNHH H’Mông 4S hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang phục đồng bào dân tộc Mông; Hoàng Thị Ngọt ở xã Lâm Thượng (Lục Yên) với dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Tày…
Trong hành trình bảo tồn và lưu truyền văn hóa, những nghệ nhân và người cao tuổi như những "kho báu sống” nắm giữ những kho báu quý giá của dân tộc. Còn người trẻ là thế hệ tiếp nối, bảo tồn và gìn giữ. Sự dày công và tâm huyết của các nghệ nhân cùng với sự tiếp nối, tự hào, giữ lửa của thế hệ trẻ sẽ tạo nên một mạch nguồn chảy mãi của dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện tại và tương lai.
Hoài Anh