Văn Chấn kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2023 | 2:00:46 PM

YênBái - Huyện Văn Chấn có 18 dân tộc anh em cùng cư trú trên địa bàn, hội tụ nhiều giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn Mai Mộng Tuân có những trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái làm rõ nhiều nội dung về vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn.
Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn.

P.V: Xin đồng chí cho biết quan điểm, giải pháp của huyện về việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa?

Đồng chí Mai Mộng Tuân: Những năm qua, bám sát mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra là: "… Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"…; huyện Văn Chấn luôn xác định phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu có ý nghĩa và giá trị cốt lõi; là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, huyện đã xác định, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính bao trùm về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Huyện tập trung thực hiện hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai và thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; trực tiếp hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho nhiều đặc sản địa phương. 

Qua đó, nâng cao vị thế của các sản phẩm đặc sản trên thị trường, góp phần đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, tạo nền tảng để phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng với quan điểm "giao thông đi trước một bước”; đổi mới phương thức vận động, huy động các nguồn lực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ,... tạo nên những khu vực, không gian phát triển mới, để phục vụ cho phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ mang dấu ấn, bản sắc địa phương.

Từ quan điểm, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đó, kế thừa thành tựu của những nhiệm kỳ trước, nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Văn Chấn đã đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo nền tảng căn bản để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

P.V: Vậy, cụ thể những kết quả đó như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Mộng Tuân: Có thể nói, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn huyện Văn Chấn tiếp tục phát triển có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện quan trọng để kết hợp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. 

Các tiềm năng về phát triển du lịch được phát huy và khai thác có hiệu quả, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; đã có nhiều điểm du lịch được hình thành với những sản phẩm nổi trội như: khu du lịch Suối Giàng; khu Lechamp - Tú Lệ; suối nước nóng Bản Hốc - Sơn Thịnh và nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu, đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng, tạo động lực cho kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững.

Đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao dân trí, nhận thức xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nơi gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc; từ đó từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, tạo điều kiện phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp; đây cũng là việc hướng đến các tiêu chí của "hạnh phúc”, tạo ra sự hài hòa phát triển giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. 

Huyện cũng luôn tăng cường việc sưu tầm, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; phối hợp với các ngành của tỉnh đầu tư nghiên cứu, triển khai sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn huyện; phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch; chú trọng khôi phục các lễ hội, làng nghề, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ…

P.V: Huyện sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được đó như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Mộng Tuân: Với những mục tiêu, định hướng cụ thể, sát thực, có thể nói Văn Chấn đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống riêng của địa phương, để đưa văn hóa thực sự trở thành sản phẩm đặc trưng, mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Văn Chấn trở thành điểm đến hấp dẫn - nơi hội tụ sắc màu văn hóa.

Để phát huy những kết quả đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước hết là tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, theo hướng du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch cộng đồng, để phát triển kinh tế. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch để thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch. 

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, đầu tư hạ tầng thiết yếu, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. 

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm thu hút lượng khách du lịch lớn đến với huyện, đảm bảo cho sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hạnh (thực hiện)

Tags Văn Chấn phát triển kinh tế bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa

Các tin khác
Bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đượclàm từ hơn 1.000 quả trứng.

Ngày 7/10, tại TPHCM, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận và huy chương Kỷ lục Việt Nam cho họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng – tác giả bức tranh “Vị tướng vì hòa bình” bằng chất liệu vỏ trứng, vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các thí sinh của vòng tứ kết

Vượt qua vòng tứ kết, 5 gương mặt triển vọng của cuộc thi "MC nhí toàn quốc 2023" chuẩn bị bước vào vòng bán kết.

Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục cho UBND tỉnh Cao Bằng với màn công diễn hát Then, đàn Tính.

Ngày 7/10, tại Khu du lịch thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đã diễn ra Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 với sự tham gia của 1.000 người.

Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng và thiết kế công trình biểu tượng du lịch huyện Văn Yên tổ chức chấm, xét chọn các tác phầm tham dự Cuộc thi.

Ngày 7/10/2023, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng và thiết kế công trình biểu tượng du lịch huyện Văn Yên tổ chức chấm, xét chọn các tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và thiết kế công trình biểu tượng du lịch huyện Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục