Về thăm Trường THCS Hạnh Sơn vào đúng ngày thứ 2 đầu tuần, điều làm chúng tôi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi 100% học sinh điều mặc trang phục dân tộc mình đến trường. Trang phục truyền thống với áo cỏm, váy đen và chiếc khăn piêu của các em đã làm rực rỡ cả một không gian trường học.
Cô Đỗ Thị Ánh Tuyết - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Góp phần giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra cách làm sáng tạo bằng cách cho học sinh dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống vào thứ 2, thứ 5 mỗi tuần và các dịp lễ, hội truyền thống do nhà trường tổ chức. Quy định này được áp dụng từ năm học 2020- 2021”.
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Hạnh Sơn có 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 417 học sinh thuộc 12 lớp học của các khối. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 94%, đa số là các dân tộc Thái, Mường, Tày...
"Trước thực trạng nhiều dân tộc thiểu số, trang phục truyền thống đang dần bị mai một, Ban giám hiệu nhà trường đã họp và bàn với Hội phụ huynh để quan tâm đến việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh, tạo cơ hội học sinh được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nhiều hơn. Học sinh cũng thấy tự hào hơn về trang phục của mình, tự hào về dân tộc mình”, Phó hiệu trưởng Đỗ Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Chung suy nghĩ với cô Tuyết, đến nay 100% cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường THCS Hạnh Sơn cứ vào ngày thứ 2 và thứ 5 trong tuần đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Em Hà Tuấn Anh, học sinh lớp 6A, phấn khởi chia sẻ: "Khi nhà trường phát động và quy định mặc trang phục dân tộc mình đến trường, em được bố mẹ sắm cho 2 bộ. Giờ đây, mỗi tuần 2 buổi được khoác lên mình bộ trang phục của đồng bào mình, em thấy tự hào lắm, nhất là khi các bạn khác háo hức tìm hiểu về dân tộc em thông qua bộ trang phục mà em mặc đến lớp”.
Cùng với mặc trang phục dân tộc mình đến trường theo quy định, trong tuần vào 3 buổi sinh hoạt giữa giờ, thay vì tập thể dục, Trường THCS Hạnh Sơn đã chỉ đạo các giáo viên lồng ghép cho học sinh được múa xòe Thái.
Cô Lê Thị Thu Hậu - Tổng phụ trách Đội của nhà trường cho biết: "Xòe chính là nét đẹp bản sắc nổi bật của cộng đồng dân tộc Thái ở Mường Lò Nghĩa Lộ. Nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, nhà trường tổ chức 3 buổi/tuần vào giờ thể dục cho học sinh múa xòe trên sân trường không chỉ giúp các em có cơ hội thể hiện điệu múa bản sắc của dân tộc mình mà còn nuôi dưỡng trong các em tình yêu với nghệ thuật xòe Thái để có ý thức giữ gìn, lưu truyền”.
Em Vì Thị Mai Trang, học sinh lớp 7A, hào hứng nói: "Hàng ngày đến trường, em cảm thấy rất vui vì ngoài được học kiến thức còn được tham gia những hoạt động bổ ích, gần gũi với bản sắc văn hóa dân tộc như tham gia múa xòe, các trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm bảo tồn, phát huy lễ hội Xên đông và Di tích văn hóa lịch sử Thành Viềng Công. Ngoài ra, chúng em còn được tự tay trang trí lớp học đặc biệt là góc cộng đồng. Qua đó, giúp chúng em thêm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương”.
Một "Góc cộng đồng” của học sinh Trường THCS Hạnh Sơn để trưng bày, trang trí những bộ trang phục dân tộc Thái.
Giờ đây, mỗi ngày đến lớp, học sinh Trường THCS Hạnh Sơn không chỉ được các thầy cô giáo truyền đạt về kiến thức văn hóa mà còn được thường xuyên tham gia các trò chơi dân gian dân tộc Thái vào giờ ra chơi hay các buổi ngoại khóa. Những trò chơi như tó mắc lẹ, đi cà kheo, đẩy gậy đến những điệu múa xòe Thái… tập luyện thành thục, được diễn xướng nơi trường học luôn mang lại những tiếng cười sảng khoái, thu hút nhiều học sinh hào hứng tham gia.
Phó hiệu trưởng nhà trường Đỗ Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm: "Đến nay, ở các không gian chung như hành lang cầu thang và trong lớp học, nhà trường đều chỉ đạo có "Góc cộng đồng” để trưng bày, trang trí những bộ trang phục như khăn piêu, áo cỏm, các bức thêu hoa văn thổ cẩm của dân tộc Thái. Từ đó, ngày nào đến trường, đến lớp, các em cũng có thể ngắm nhìn và tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa đặc trưng, đồng thời nhắc nhớ các em trân trọng và tự hào về cội nguồn dân tộc mình. Chính những hoạt động đó đã mang đến niềm vui mỗi ngày đến trường cho học sinh”.
Đời sống người dân ngày một nâng cao, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại thì bản sắc văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống của không ít dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Chính vì vậy, việc giáo dục cho học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn của Trường THCS Hạnh Sơn là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần rất lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của Trường THCS Hạnh Sơn đều đạt 100%; tỉ lệ học khá, giỏi và học sinh đạt giải tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh năm sau cao hơn trước. Năm học 2023- 2024, nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
|
Văn Tuấn