Hễ homestay nào có nhu cầu là đội văn nghệ của bản Sà Rèn lại biểu diễn phục vụ. Họ là những hội viên nông dân tham gia đội văn nghệ của bản. Đội được Chi hội Nông dân bản thành lập năm 2019 với 8 thành viên và duy trì hoạt động đến nay. Chị Lường Thị Hải, hội viên nông dân bản Sà Rèn cho biết: "Do công việc đồng áng chỉ buổi tối chúng tôi mới có thời gian để tập luyện các điệu múa xòe, khắp Thái. Đội là nơi vừa để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cho hội viên”.
Cùng với Chi hội bản Sà Rèn, phong trào văn hóa, văn nghệ tại Chi hội Nông dân bản Sang Hán cũng luôn sôi nổi. Hàng tháng, Chi hội đều tổ chức cho hội viên sinh hoạt văn nghệ, giao lưu múa xòe, khắp Thái trong và ngoài bản. Chị Lường Thị Hằng - Chi tưởng Chi hội bản Sang Hán cho biết: "Chúng tôi chú trọng việc duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng nghệ thuật để đội văn nghệ biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp hơn. Chi hội cũng thường xuyên tổ chức cho đội văn nghệ giao lưu và biểu diễn tại các homestay. Vì vậy, hội viên nông dân rất vui vẻ, nhiệt tình. Cùng đó, họ cũng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Xã Nghĩa Lợi nằm ở trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, có 9 dân tộc cùng sinh sống, 90% là đồng bào Thái; có 9 chi hội nông dân với 828 hội viên, tất cả đều có đội văn nghệ sinh hoạt đều đặn. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hoá, du lịch giai đoạn 2021 - 2025”, Hội Nông dân xã Nghĩa Lợi đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn chỉ đạo thực hiện phong trào, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên.
Hàng năm, với phương châm lấy chi hội cơ sở làm gốc, người dân làm chủ thể, Hội đã tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các nghi thức truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được hội viên gìn giữ và phát huy, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong ma chay, cưới xin được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng vận động hội viên tích cực tham gia các lễ hội của địa phương như: Lễ hội Rằm tháng Giêng; Tết Xíp xí, Lễ hội ném còn, Xên bản và các làn điệu dân ca, dân vũ như: khắp Thái, Hạn khuống, múa xòe..., thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. 9 đội văn nghệ cảu 9 bản thì thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong dịp lễ, tết phục vụ nhân dân và và các sự kiện của địa phương ở các quy mô.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Cửu - Chủ tịch HND xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, việc xây dựng thôn bản văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân được Hội phát huy mạnh mẽ đã lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong hội viên nông dân. Các hội viên cũng tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập. Hội đã vận động hội viên đóng góp vật liệu, ngày công, tiền để làm đường giao thông theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, 100% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa và có điện thắp sáng.
Những kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong hội viên nông dân xã Nghĩa Lợi đã góp phần làm cho bộ mặt làng, xã thay da đổi thịt theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được nâng lên; bản sắc văn hóa dân tộc được quan giữ gìn và phát huy; các vấn đề xã hội ở nông thôn được quan tâm giải quyết tốt. Những việc làm thiết thực, hiệu quả của Hội Nông dân đã góp phần xây dựng xã Nghĩa Lợi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần quan trọng xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2020 - 2025.
Minh Huyền