Lục Yên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong các trường học

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/11/2023 | 10:57:12 AM

YênBái - Đến nay trên địa bàn huyện Lục Yên có 100% trường học thực hiện mô hình trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện và nhiều trường xây dựng không gian văn hóa dân tộc trong nhà trường, lớp học...

Câu lạc bộ về hát Then, Khắp cọi của Trường TH&THCS Mường Lai
Câu lạc bộ về hát Then, Khắp cọi của Trường TH&THCS Mường Lai

Là ngôi trường đóng trên mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Tày, Trường TH&THCS Mường Lai (Lục Yên) đã quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc cho học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Tuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm học 2023-2024, nhà trường có 1.235 học sinh, trong đó con em người dân tộc thiểu số chiếm 99,02%. Trong những năm qua, bên cạnh việc giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục của ngành, Nhà trường đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp học sinh tiếp cận với các hoạt động bảo tồn, truyền bá văn hóa truyền thống của địa phương, rèn luyện kĩ năng trong giao tiếp, ứng xử, phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu giúp các em tự nhận ra giá trị của bản thân, tự trau dồi để phát triển một cách toàn diện”.

Cùng với đó, Nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ về hát Then, Khắp cọi với 32 thành viên là các em học sinh có năng khiếu văn nghệ, yêu thích các làn điệu truyền thống của địa phương tập luyện và tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường và hội diễn các cấp.

Em Triệu Yến Nhi - học sinh lớp 7C cho biết: "”Em rất tự hào khi được khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc Tày và tham gia CLB hát Then để biểu diễn thường kỳ trong các giờ chào cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Âm điệu và lời hát ngọt ngào của Then có sức khơi gợi cảm hứng, tạo sự gắn bó, mật thiết giữa học sinh với nhau, qua đó cũng giúp cho chúng hiểu hơn về văn hóa truyền thống của quê hương”. 

Cũng như Trường TH&THCS Mường Lai, những năm qua, Trường THCS Phúc Lợi đã có nhiều hoạt nhằm khơi dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc, nhất là dân tộc Dao. 

Thầy Lương Bình Nghinh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hiện toàn trường có 530 học sinh, trong đó dân tộc Dao chiếm 92%. Góp phần giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra cách làm sáng tạo bằng cách cho học sinh dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống vào sáng thứ 2 mỗi tuần và các dịp lễ, hội truyền thống do nhà trường tổ chức. Ngoài ra, nhà trường cũng đã thành lập CLB thêu thổ cẩm với 15 học sinh tham gia, sinh hoạt cùng các thành viên của HTX thêu thổ cẩm ở thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi”.

Em La Anh Thư, học sinh lớp 9A, hào hứng nói: "Hàng ngày đến trường, em cảm thấy rất vui vì ngoài được học kiến thức còn được tham gia những hoạt động bổ ích, gần gũi với bản sắc văn hóa dân tộc như tham gia các trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm bảo tồn, dệt thổ cẩm, tìm hiểu lễ cấp sắc... Ngoài ra, chúng em còn được tự tay trang trí lớp học đặc biệt là góc cộng đồng. Qua đó, giúp chúng em thêm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương”.


Một góc trưng bày không gian văn hóa dân tộc Dao tại Trường TH Phúc Lợi 

Thực hiện Kế hoạch 17 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái về việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; phát huy vai trò của nhà trường, gia đình, cộng đồng, xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa, con người; xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tích cực xây dựng các mô hình trường học; triển khai các hoạt động trải nghiệm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc, nhất là giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

Ông Trần Quý Dương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Trên cơ sở của kế hoạch của Sở, Phòng đã xây dựng Kế hoạch 24 để triển khai tổ chức thực hiện. Ngay trong năm học này, chúng tôi đã đưa ra chỉ tiêu cụ thể như: 55% các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi xây dựng không gian văn hóa dân tộc trong nhà trường, lớp học; 45% các trường tổ chức tổ chức các sự kiện như: Chợ quê, thi hát dân ca, hát khắp, cọi, múa, hát các làn điệu dân gian; 35% các trường phổ thông vùng dân tộc thiểu số miền núi thành lập Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản hóa dân tộc như: Câu lạc bộ thêu thổ cẩm, câu lạc bộ hát khắp, cọi, câu lạc bộ múa các làn điệu dân gian,...”.

"Đặc biệt, 100% học sinh được học tập các nội dung trong chương trình văn hóa địa phương và được giao lưu học tập, tham gia tìm hiểu và phát huy truyền thống văn hóa, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca của dân tộc mình nói riêng và các dân tộc trong trong tỉnh”, ông Dương nói thêm. 

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong các trường học có hiệu quả, cùng với hoạt động chuyên môn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc của tỉnh, của huyện vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm như: Tổ chức sưu tầm, trưng bày các sản phẩm là hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương; tổ chức trình diễn, thuyết trình, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương; tổ chức các hoạt động như Ngày hội văn hóa các dân tộc, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh gắn với sự kiện về di tích lịch sử, gắn với các ngày lễ lớn trong năm.

Tạo dựng môi trường học tập và sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chú trọng xây dựng phòng truyền thống nhà trường, thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc do học sinh sưu tầm; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về giá trị, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa truyền thống, khơi dậy ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, huyện.

Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện Lục Yên có 52/52 trường thực hiện mô hình trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; thực hiện mô hình trường học tương thân tương ái; 29/52 trường xây dựng không gian văn hóa dân tộc trong nhà trường, lớp học; 24/52 trường tổ chức phiên chợ quê, thi hát dân ca, hát khắp cọi và nhiều trường hành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc...


Văn Tuấn

Tags Lục Yên trường học văn hóa giáo dục bảo tồn gà trống thiến đá quý

Các tin khác
Đêm đại xòe Mường Lò.

Yên Bái không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi có nhiều di sản văn hóa lịch sử quan trọng. Nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản tại Yên Bái đang trở thành một điểm nhấn quan trọng trong việc du lịch và phát triển bền vững của vùng. Với sự phát triển của công nghệ, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cũng đã có những ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa.

Bà Bùi Thị Minh Hoài - trưởng Ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - trao giải nhất cho các tác giả

Tối 26-11 tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn.

Chậu trống có niên đại khoảng thế kỷ 1-2, đầu Công nguyên vừa được phát hiện tại xã Hưng Khánh, Trấn Yên

Chiếc chậu trống cổ được phát hiện giữa cách đồng thuộc thôn 2, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.

Cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

Điều 131 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đưa vào quy định liên quan Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục