Nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Hoàng Phúc Dzĩ qua đời

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/12/2023 | 12:21:57 PM

Ông Sĩ Tiến, giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, cho biết gia đình báo tin nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam Hoàng Phúc Dzĩ vừa qua đời.

Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ - Ảnh: Gia đình cung cấp
Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ - Ảnh: Gia đình cung cấp

Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ (tức Hoàng Phúc Dỹ) sinh năm 1944 được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công gây dựng nên kịch câm ở Việt Nam.

Hoàng Phúc Dzĩ: Người góp phần tạo ra cơn sốt kịch câm
Theo thông tin từ Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ từng được đi học Đại học Văn hóa tại Liên Xô năm 1978.

Ông Phúc Dzĩ và tiếp theo là các nghệ sĩ như Kế Đoàn, Đặng Dũng, Bích Ngọc… được xem là những người có công gây dựng nên kịch câm và là những nghệ sĩ biểu diễn kịch câm xuất sắc của Việt Nam.

Đạo diễn Giang Mạnh Hà, phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết trong những năm 1980, ông Phúc Dzĩ đã được cử đi đào tạo ở Pháp về bộ môn kịch câm. Khi đó, kịch câm rất được yêu thích ở châu Âu, châu Mỹ.

"Tốt nghiệp về nước, anh chính là một trong những người đầu tiên gây dựng, tạo ra loại hình mới như một cơn sốt ở Việt Nam đó là kịch câm.

Nhiều bạn trẻ yêu thích và đua nhau đi học vì thú vị và là bộ môn hình thể dẻo dai" - Ông Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ông Sĩ Tiến chia sẻ ông Phúc Dzĩ là người có năng khiếu và cực kỳ đam mê bộ môn kịch câm.

"Xem chú diễn cực kỳ thú vị và độc đáo. Chú không chỉ biểu diễn mà còn là một người thầy tận tụy đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ kịch câm ở Nhà hát Tuổi Trẻ.

Chú đã miệt mài cống hiến và công tác ở nhà hát chúng tôi đến tận ngày về hưu" - Đạo diễn Sĩ Tiến bày tỏ sự kính trọng với tiền bối.

Người thầy hết lòng với trò

Là một trong những học trò cuối cùng của nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ còn trụ lại với thể loại kịch câm, nghệ sĩ Hoàng Tùng xúc động nhớ về người thầy đáng kính.

Anh cho biết khi vào công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ thì nghệ sĩ Phúc Dzĩ đã về hưu. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục trở lại và đào tạo các nghệ sĩ trẻ.

Hoàng Tùng kể thầy anh có cơ hội được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, được đào tạo bài bản từ nước ngoài nên kinh nghiệm về nghề của ông rất lớn và quý giá.

Học trò nào được ông giảng dạy cũng gom được cho mình những bài học rất bổ ích.

Hoàng Tùng nhớ thầy đã làm anh say mê với những tiết mục kịch câm như Người bán mặt nạ, Vòng quay cuộc đời…

Tuy nhiên, rất tiếc đến hiện tại kịch câm gần như biến mất ở Việt Nam. Những nghệ sĩ yêu kịch câm chỉ ráng nắm níu và thỉnh thoảng có vài ba suất diễn để đỡ nhớ nghề.

Ông Giang Mạnh Hà cho biết sau này nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ còn làm biên đạo múa cho một số vở kịch, cải lương, chèo…

Ông Sĩ Tiến nói thời gian qua nghệ sĩ Phúc Dzĩ lâm bệnh nặng. Hôm qua các nghệ sĩ nhà hát còn đến thăm ông trong bệnh viện mà không ngờ hôm nay ông đã ra đi…

(Theo TTO)

Các tin khác

Tuần phim Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) sẽ diễn ra từ ngày 22-28/12 trên cả nước.

Giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc năm 2023 có 27 tác phẩm gồm: 05 Huy chương Vàng, 07 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng (trong đó công trình Lý luận phê bình và sách ảnh có 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, 02 Huy chương Đồng).

Tiết mục văn nghệ đặc sắc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Yên Bình biểu diễn tại xã Vĩnh Kiên.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Yên Bình tổ chức đợt tuyên truyền lưu động phục vụ cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Bình nhân dịp Chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Ngày hội Quốc phòng toàn dân và tuyên truyền công tác chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.

Nhiều khán giả trẻ tỏ ra thích thú khi được dạo bước vào thế giới kỳ diệu của danh họa Van Gogh theo xu hướng nghệ thuật tương tác đa giác quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục