Tình ca Thái - tiếng nói diệu kỳ và bất tận của tình yêu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với người Thái Tây Bắc, "khắp" - tức là hát, hò, ngâm, là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. "Khắp" có nhiều điệu và cách thức khác nhau. Song phổ biến và lôi cuốn lòng người chính là "khắp báo xao" - tức là hát trai gái giao duyên. Đây là tiếng nói của tình yêu mà cội nguồn là cuộc sống, được các đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu bất diệt.

Ảnh minh hoạ. )Ảnh: Thành Trung.
Ảnh minh hoạ. )Ảnh: Thành Trung.

Người Thái Tây Bắc coi lời ca tiếng hát quý như báu vật và có sức mạnh thần kỳ:

 

Tiếng hát vào núi đá thành vôi

Hát vào suối cạn dâng thành sông Đà

Hát cùng chài, gấp nên tấm lụa

Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen

Hát cùng chồng, người bỏ vợ quên tình

Hát cùng đầu bạc, xanh lại thành gái.

 

Ngoài sử dụng các truyện thơ nổi tiếng như: "Xống chụ xon xao", "Tản chụ xống xương", "Tản trụ xiết xương" và các sáng tác mới, tình ca Thái có hàng trăm bản được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Tình ca Thái có cách thể hiện vô cùng tinh tế, thường là: hát chào mời, hát hỏi thăm, hát thi tài, hát tình tự và hát dặn dò hẹn ước.

 

Đây là lời ướm hỏi tế nhị của chàng trai:

Thấy áo chàm biếc muốn thay

Thấy lá đỏ hồng muốn nói chuyện

Lại sợ cây chuối nhỏ người đã đậy gốc

Bụi nứa non người đã rấp gai.

 

Hình tượng thơ trong trẻo với những ẩn dụ khéo léo đã chuyển tải rất tế nhị bao điều khó nói.

Trong đêm Hạn Khuống, chàng trai từ bản xa tới, ý tứ trong lời hát:

 

Ở xa ngó thấy lửa

Ở xa ngó thấy nước

Thấy nước vực sâu muốn lặn

Thấy nước vực xanh muốn nhắp

Thấy áo chàm biếc muốn theo

Thấy má đỏ hồng muốn hỏi

Thấy đuôi mắt liếc muốn say

Rau ai đây xin mượn hái

Bạn tình ai xin mượn trò chuyện.

 

Trước những ý "muốn" của chàng trai, cô gái hát đáp lại với ý tứ rất sắc sảo:

 

Anh từ nơi nào tới

Rau ai mà lạc vườn này

Chồng ai mà lạc vào phòng phượng loan.

 

Chàng trai khéo léo ca ngợi bản mường của cô gái. Lời ca tuy có cường điệu lên chút ít, song đấy là tình cảm chân thành được trao gửi:

 

Mường đắp vực ăn cá

Mường vỡ ruộng bốn phương

Mường uống rượu cần trúc

Mường phấp phới khăn đào

Mường gái đẹp thay áo

Lên Hạn Khuống quên chồng

Mường Bẹ rau làm củi

Hạn Khuống kể hàng trăm

Trèo sàn mây đêm tỏ

Lên sàn hoa trăng trong

Cuối bản là chợ muối

Đầu mường họp chợ voi

Bán voi như bán mây

Bán trâu tựa bán mía.

Cô gái nhẹ nhàng khéo léo:

Em khó nghĩ trăm bề

Nấc thang còn ở rừng tre

Một mình em không lấy được

Phải nhờ bạn mới có thang về.

Chàng trai hiểu cái ẩn ý chối từ nhưng mở lối, chàng nhẹ nhàng bền bỉ:

Đôi ta thăm hoa khi hoa nở

Hoa nở rồi rụng cuống hoa tàn

Kết bạn tình khi tuổi xuân em chớm dậy

Đời em như hoa ban

Đời mình như hoa khẳm

Hoa biến thành rêu khi dầm nước

Hãy yêu nhau khi tuổi thanh xuân.

 

Câu hát sao mà khéo đến thế, vừa nhắc đến cái hữu hạn của cuộc sống, lại vừa nói đến hoa ban - tượng trưng cho tình yêu trắng trong chung thủy, hoa khẳm - loại hoa rất đẹp trong truyền thuyết thường nở về đêm. Chàng trai trải lòng mình qua những ẩn dụ, câu hát đẹp như hạt mưa xuân, như bình minh đánh thức muôn loài.

Trước sự chân tình của chàng trai, cô gái bồi hồi xúc động:

 

Đêm trăng sáng

Tâm hồn em như muốn phiêu diêu

Chơi tha thẩn bên bờ cát trắng

Bờ cát trắng lấp lánh ánh trăng

Chờ tiếng pí anh

Luồn qua sương, luồn qua chân núi

Đến với em trong ánh trăng ngời ngời.

 

Ai đã từng được nghe tiếng khèn bè, pí pặp, pí thiu trong những đêm "pay ỉn xao" của các chàng trai mới cảm nhận được cái chất lãng mạn của tình yêu ấy.

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, cô gái tỏ ý phân vân:

 

Ngày xưa anh đã thề sẽ đục đá đỏ thành cánh hoa thơm

Nay sao lòng anh đã quên hết thề nguyền anh ơi!

Chàng trai hiểu nỗi lòng của cô gái, chàng thẳng thắn bày tỏ để cô gái hiểu và tự tin vào sức mạnh của tình yêu chung thủy:

Chẳng phải cha yêu, cha sẽ cho trâu

Chẳng phải mẹ thương, mẹ sẽ chia vải

Đôi ta yêu nhau sẽ quét lấy sân mà dựng cửa dựng nhà

Chính chàng trai cũng lo lắng cho sự bền chặt của tình yêu vừa chớm nở, chàng trai dặn dò cô gái:

Em đừng tham đầy bồ bông nén

Đừng tham vàng bạc đầy hòm

Đừng sợ túp lều anh nghèo khổ

Đừng ước làm dâu nhà người ăn cá ngon

             ... Em ơi!

Em ơi, chẳng bằng sức của ta, ra sức ta làm

Vàng với bạc như dòng nước qua thác

Của trong sạp như trận gió cơn mưa.

Nhất là đừng đứng núi này trông núi nọ:

Em ăn cá chiên sông Mã

Đừng quên gốc măng riềng Bãi Bằng

 

Tình yêu có bao nhiêu cung bậc thì cũng có bấy nhiêu bản tình ca nói lên tiếng nói diệu kỳ và bất tận của tình yêu.

 

Tình ca Thái là linh hồn của những đêm Hạn Khuống, được cất lên trong hội hái hoa ban, hội xuân... Bao trái tim yêu tìm đến với nhau qua tiếng hát giao duyên. Bao đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Cuộc sống mãi mãi sinh sôi.

 

Trần Văn Hạc

 

Các tin khác

Dân tộc Mông có 3 nhóm: Mông Hoa, Mông trắng và Mông đen, cư trú chủ yếu trên các rẻo núi cao ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La). Đây là một trong những dân tộc có ý thức và quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc mình cả về lối sống, nếp sống, phương thức canh tác…

YBĐT - Huyện đoàn Yên Bình phối hợp với Phòng Giáo dục huyện vừa tổ chức Hội thi tiếng hát giai điệu tuổi hồng. Tham gia hội thi có 10 đội văn nghệ đạt kết quả cao nhất qua các vòng thi cụm.

YBĐT - Tối 27/4, tại thị xã Tuyên Quang, lễ khai mạc "Tuần văn hoá du lịch Tuyên Quang" lần thứ 2 với chủ đề "Hành trình về thủ đô kháng chiến" đã diễn ra trong không khí tưng bừng, mang đậm màu sắc dân tộc, màu sắc lịch sử, với những màn hát múa và trình diễn trang phục các dân tộc.

Ông Lò Văn Biến - người duy nhất dạy chữ Thái cổ ở Mường Lò đang truyền dạy cho cháu con ngôn ngữ của dân tộc mình.

YBĐT - "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" (Căm Hánh tặp sấc klương) là một sử thi của người Thái Đen Mường Lò (Yên Bái), kể lại cuộc khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta của người Thái và nhân dân các dân tộc Mường Lò do lãnh tụ người Thái Đen là Cầm Hánh lãnh đạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục