Giải mã nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên sân khấu chèo sau 37 năm

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/2/2024 | 9:26:21 AM

Sau 37 năm kể từ khi ra mắt vở chèo "Hồ Xuân Hương" do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, Đoàn Chèo Hải Phòng trình diễn vở chèo "Xuân Hương nữ sĩ" do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng.

Xuân Hương nữ sĩ được xây dựng với sự đan xen bi, hài nhằm tăng tính hấp dẫn.
Xuân Hương nữ sĩ được xây dựng với sự đan xen bi, hài nhằm tăng tính hấp dẫn.

Vở chèo về Hồ Xuân Hương sau 37 năm

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ cực kỳ đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Bà không chỉ để lại một di sản thơ Nôm đồ sộ, độc đáo mà còn lên tiếng vì nữ quyền, sự bình đẳng của người phụ nữ thời phong kiến. Bởi vậy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại ngày 23/11/2021.

Sau 37 năm kể từ khi ra mắt vở chèo Hồ Xuân Hươngdo Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, Đoàn Chèo Hải Phòng có vở chèoXuân Hương nữ sĩ do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Đức Minh.


Vai chính Hồ Xuân Hương trong vở Xuân Hương nữ sĩ được giao cho diễn viên Thùy Dương - gương mặt tài năng của Đoàn Chèo Hải Phòng.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết sau khi nghiên cứu tài liệu, tìm đọc các sử sách viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà nhận thấy không thể dựng lại vở này dựa theo kịch bản cũ mà đạo diễn Bùi Đắc Sừ từng dàn dựng. Theo đó, hình tượng ông Tổng Cóc bị xây dựng chưa phù hợp.

"Về danh nhân Hồ Xuân Hương, Nhà hát Chèo Việt Nam từng dựng thành công bản diễn năm 1987. Vở chèo thời đó gây được nhiều tiếng vang. Tuy nhiên, thời điểm ngày nay người ta không chấp nhận điều gì quá xa với lịch sử. Ví dụ, ông Tổng Cốc trong sử ghi lại là người văn võ song toàn chứ không phải là người xấu xí, dốt nát như trong bản chèo đã dựng trước đây - mang màu sắc vai phản diện. Phải xây dựng lại với sự đan xen bi, hài nhằm tăng tính hấp dẫn", NSND Trịnh Thúy Mùi nêu.


Hai người vợ của Tổng Cóc luôn tìm cách hãm hại Hồ Xuân Hương.

Đào sâu tâm lý và bi kịch của nữ sĩ

Xuân Hương nữ sĩ lấy mốc Hồ Xuân Hương năm 29 tuổi để tái hiện lại những thăng trầm trong cuộc đời bà. Đây là thời điểm Hồ Xuân Hương làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt đường vang danh đất Thăng Long.

Từ quán thơ này, bà có dịp được giao lưu với rất nhiều tầng lớp và thành phần… trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Đây cũng là lựa chọn hợp lý để khắc họa sâu sắc về tâm lý, những bi kịch trong cuộc đời của tác giả Bánh trôi nước.

Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương sau nhiều lần đối đáp thơ phú đã phải lòng nhau. Tuy nhiên, do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời nên cuối cùng Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình).

Tổng Cóc là người rất yêu quý, mến mộ và trân trọng tài năng thơ ca của Hồ Xuân Hương. Nhưng cuộc hôn nhân chưa kịp "đơm hoa kết trái” Tổng Cóc buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, áp bức và chịu nhiều oan ức.


Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc.

Chia tay Tổng Cóc, nữ sĩ trở về Cổ Nguyệt đường tiếp tục làm thơ, dạy học. Tại đây, bà gặp lại Phủ Vĩnh Tường (Tú tài Phạm Viết Ngạn) là người bạn thơ, vốn rất trân trọng và mến mộ tài năng của bà. Ngỡ rằng gặp được người tri âm tri kỷ, cả hai sẽ có cuộc sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc đời bà lại lâm vào bi kịch khác. Do quá thanh liêm, chính trực mà Phủ Vĩnh Tường bị quan tham thời đó vu oan, kết án tử. Để kêu oan cho chồng, Hồ Xuân Hương viết tấu tìm đến các cửa quan nhờ dâng lên vua nhưng tất cả đều quay lưng với bà. Chỉ có Nguyễn Du nhận lời giúp đỡ nhưng cuối cùng Phủ Vĩnh Tường vẫn bị kết án tử.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết di sản thơ Hồ Xuân Hương để lại rất đồ sộ nhưng không thể đưa hết vào vở diễn.

"Tất cả bài thơ được đưa vào vở diễn không thừa, không thiếu, không lệch, không sai… Bên cạnh đó, chèo đòi hỏi phải sử dụng nhiều lối văn biền ngẫu và tác giả kịch bản lại am hiểu về lối văn này nên vở diễn mềm mại, linh hoạt", NSND Trịnh Thúy Mùi nói.

Trong vở chèo Xuân Hương nữ sĩ, vai chính Hồ Xuân Hương được giao cho diễn viên Thùy Dương - gương mặt tài năng của Đoàn Chèo Hải Phòng. Nữ diễn viên nhanh chóng bắt nhịp, vượt qua những trở ngại ban đầu để vào vai Hồ Xuân Hương có chiều sâu.

Vở chèo được dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 2 tuần, liên tục sáng đèn phục vụ khán giả.

(Theo TPO)

Các tin khác
Ca khúc

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), tối 31-1, Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin”.

Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 64 về việc tổ chức Đợt phim kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Vệt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024) và mừng Xuân 2024.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân đặc sắc và ý nghĩa nhằm mang đến trải nghiệm mới mẻ trong dịp Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trên địa bàn và khách du lịch vui Xuân, đón Tết. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Yên Bái với đồng chí Nguyễn Lâm Tới – Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh.

Một buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ dân vũ tại thành phố Yên Bái.

Trong những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở Yên Bái đã nỗ lực xây dựng và phát triển đời sống văn hóa (ĐSVH) tại các khu dân cư, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân địa phương tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và văn hóa. Một trong những thành tựu đáng kể là việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa và nghệ thuật tự nguyện ở khắp các khu dân cư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục