Hình ảnh hoa sen trong tranh họa sĩ Bình Nhi ca ngợi sự thuần khiết, vô nhiễm cao quý trong đạo Phật cũng như tinh thần sâu sắc của người Việt. Các hoa văn trên điêu khắc xa xưa cũng được chị nghiên cứu đưa vào tranh, vẽ trên áo dài, đĩa gốm và lọ… với mong muốn gìn giữ hồn phách của văn hóa Việt.
|
Họa sĩ Bình Nhi. Ảnh: NVCC.
|
Quê nội của Bình Nhi ở Bắc Ninh, từ bé cuộc sống ở làng quê Bắc bộ thấm đẫm trong chị. Những cánh đồng sen thơm ngát và yên bình là hình ảnh của tuổi thơ, mỗi khi chị được bố mẹ đưa về thăm quê: "Từ ký ức đầy tình yêu thương, giờ đây tôi sống làm việc trong ánh sáng từ bi của Phật”, Bình Nhi tâm sự.
Bên cạnh niềm đam mê hội họa, Bình Nhi có một thời gian tìm tòi sáng tạo những kiểu cách áo dài kế thừa từ những mẫu áo dài xưa của người Việt. "Việc thay đổi chất liệu và đối tượng trong sáng tác mà vẫn giữ được phong cách của mình là vô cùng khó nhưng không kém phần thú vị” - họa sĩ Bình Nhi chia sẻ.
Để tạo ra sự riêng biệt, Bình Nhi đưa hội họa của mình lên áo dài. Sự kết hợp giữa kiểu cách xưa với hội họa mang một hơi thở mới là cách chị chọn để ca ngợi và gìn giữ văn hóa Việt. Trong các thiết kế áo dài, để màu vẽ lên áo mang lại sự giản dị mộc mạc, Nhi sử dụng gam màu nâu bã trầu, màu trắng muối tiêu và đen làm chủ đạo. Mỗi sản phẩm áo dài Nhi thiết kế lai ghép các mảng màu khác nhau, chủ yếu màu trầm mặc, gần gũi văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Từng hoa văn trên áo, Nhi dùng chính những bản nét trong tranh của mình, kết hợp khéo léo với những mảng miếng của vải tôn hình dáng tự nhiên của tà áo dài những năm đầu thế kỷ 17.
Tự nhận mình không phải là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, Bình Nhi vẽ và thiết kế áo dài cho riêng mình, vì đam mê và tình yêu với trang phục áo dài cổ xưa. Từ yêu những nét văn hóa của người Việt, đến gìn giữ cũng là sở thích riêng của chị. Cũng giống như trong lối sống, Bình Nhi ngoài giờ làm việc ở trường học hay phòng trưng bày tranh, chị vẫn chọn nơi sống làng quê giản dị và yên tĩnh. Nơi có những nếp nhà, nếp sống hàng xóm thôn quê gần gũi. Sáng sáng, chị thích đi bộ mua hoa quả làm cái cớ để ngắm nghía cuộc sống và thở nhẹ nhàng thư thái giữa cuộc sống ngoài kia đầy bon chen.
Ngoài công việc sáng tác, chùa cũng là nơi làm việc và tu tập của Bình Nhi: "Nghiên cứu những vốn cổ, hoa văn và hệ thống kiến trúc, điêu khắc... trong không gian trầm mặc của nghệ thuật Phật giáo Đồng bằng Bắc bộ dường như ngấm sâu trong tôi từ ngày còn là sinh viên”.
Bình Nhi cùng bạn bè, đồng nghiệp nghiên cứu, tổ chức các nhóm cùng sinh viên đi thực tế ghi chép lại hoa văn vốn cổ qua các thời kỳ, nghiên cứu thêm lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. Từ đó đưa hình ảnh hoa văn vào những bức tranh Phật tại nhiều ngôi chùa.
"Biết rằng từ những niềm đam mê cho đến thực tế chúng tôi chưa đóng góp gì to lớn và cũng vẫn đang trên con đường tiếp tục học hỏi, gìn giữ và kế thừa những tinh hoa văn hóa Việt. Và đó là cách tôi chọn”, họa sĩ Bình Nhi nói.
(Theo daidoanket)
Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống từ ngàn đời. Đi lễ không chỉ để cầu những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, để tâm hồn thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân.
Hình tượng rồng trong văn hóa dân gian Á Đông đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng" - là một linh vật cao quý và linh thiêng, đại diện cho sức mạnh.
Hoa đào từ lâu đã là loại hoa truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc. Hoa đào sở hữu vẻ đẹp rực rỡ và đến nay, loại hoa này trở thành biểu tượng đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, mang ý nghĩa thu hút may mắn, tài lộc.