Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 576 di sản vật thể và 510 DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó có 7 DSVH phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia như: Lễ cấp sắc của người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò và Hạn khuống của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải; Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên; Nghệ thuật Khèn của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.
Đến thời điểm 31/12/2023, Yên Bái có 137 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 124 di tích cấp tỉnh với 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh). Trong số các di tích đã được xếp hạng thì có 88 di tích có yếu tố tôn giáo tín ngưỡng (chiếm 64,2%). Các di tích cấp tỉnh được trùng tu tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn và huy động từ nhân dân là chủ yếu.
Thực tế cho thấy, những năm qua, du lịch Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, năm 2023 đã đón, phục vụ trên 2 triệu lượt khách (vượt 39,2% so với kế hoạch; tăng 31,4% so với cùng kỳ), khách quốc tế đạt 151.026 lượt (đạt 101% kế hoạch, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt trên 1.721 tỷ đồng (vượt 27,4% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ).
Đến với Yên Bái, du khách có nhiều ấn tượng về vùng đất giàu bản sắc văn hóa, hành trình di sản đến với những di tích, danh lam thắng cảnh và trải nghiệm nét độc đáo của trang phục, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán… đã trở thành yếu tố cốt lõi trong các chương trình du lịch.
Để làm được điều này, các địa phương nơi có di tích và lễ hội đã làm tốt công tác quản lý và khai thác tốt giá trị lịch sử, văn hóa nhằm thu hút du khách. Đó là gồm nhiều lễ hội tâm linh gắn với các di tích thường niên được tổ chức vào dịp đầu xuân như: Lễ hội đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, đền Tuần Quán… hay các lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày…
Cùng với đó, hàng năm, các địa phương trong toàn tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò; lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông… đã tạo được điểm nhấn, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái.
Mặc dù việc bảo tồn và phát huy những giá trị DSVH đã được quan tâm, song còn nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, việc tu bổ chỉ tập trung vào di tích chính, việc xếp hạng di tích ngày càng khó khăn do nhiều di tích chưa có quy hoạch…
Từ thực tế trên, với quan điểm biến di sản thành tài sản, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch, theo ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành đã xác định một số giải pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cộng đồng giữ vững giá trị bản sắc văn hóa; tăng cường hơn nữa việc xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống; tập trung bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền về di tích thông qua sách cẩm nang về di tích; tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích… để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa địa phương…
Minh Tuấn