Huyện Trấn Yên có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Mông, Tày, Mường… chiếm gần 40%. Bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là quê hương của thạp đồng Đào Thịnh - Bảo vật quốc gia, cũng như nhiều địa phương, mỗi dịp đầu năm, trên địa bàn huyện diễn ra nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích lịch sử, văn hóa. Các lễ hội truyền thống được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc cùng nhiều hoạt động đa dạng theo truyền thống của người dân bản địa đã thu hút đông đảo người dân và du khách. Nổi bật như: Lễ hội Lồng Tồng (xã Kiên Thành), Lễ hội Đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông),
Lễ hội đình, đền (xã Quy Mông), Lễ hội đình làng Dọc (xã Việt Hồng)… chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử bất biến theo thời gian.
Vừa qua,
Lễ hội đình làng Dọc đã được tổ chức trong 2 ngày 13 – 14/2 (tức mùng 4, mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày cổ cầu cho mạ xanh lúa tốt, cuộc sống an lành, nhà nhà no ấm, hạnh phúc và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này.
Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức đều đặn hai kỳ một năm, trong đó kỳ một diễn ra vào tháng Giêng âm lịch, rơi vào hai ngày mồng 3 và mồng 4, được gọi là Lễ hạ điền. Kỳ hai của Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức vào 2 ngày 13 và 14 tháng Bảy Âm lịch hàng năm, hay còn gọi là Lễ hội cầu Thần Nông.
Phần lễ được tổ chức linh thiêng, trang nghiêm với sự kết hợp hài hòa những nghi thức tế lễ truyền thống của người Kinh cùng với những điệu múa xòe then đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Trong phần lễ cúng Thành hoàng, tổ tiên và các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất này, người dân đã dâng lên các đấng thần linh những lời cảm tạ và cầu thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, đủ đầy trong cả năm.
Phần hội diễn ra sôi động với nhiều hoạt động thể thao phong phú hấp dẫn như: bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy thu hút đông đảo người dân tham gia. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội đình làng Dọc đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân. Chị Hà Thị Đào ở bản Phạ, xã Việt Hồng chia sẻ: "Nhân dịp đầu năm mới, tôi đi lễ hội đình làng Dọc cầu cho gia đình cả năm luôn khỏe mạnh, cuộc sống sung túc, an lành và hạnh phúc.”
Ông Nguyễn Xuân Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Việt Hồng cho biết: "Lễ hội đình làng Dọc giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời quảng bá, giới thiệu về mảnh đất Việt Hồng nằm trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần, chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử cùng sự đa dạng, phong phú của cảnh quan thiên nhiên đến du khách gần xa”.
Toàn huyện Trấn Yên có 24 di sản văn hóa vật thể là các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh. Huyện đã khôi phục được một số làn điệu dân ca, dân vũ cùng các làng nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như: hát Sình ca của dân tộc Cao Lan (xã Hòa Cuông), Tết nhảy dân tộc Dao đỏ (xã Kiên Thành), múa Mỡi dân tộc Mường (xã Quy Mông), Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày (xã Kiên Thành), Lễ Cấp sắc dân tộc Dao (xã Y Can)… Đồng thời, tiến hành khôi phục lại các làng nghề truyền thống như nghề rèn, dệt vải của người Mông xã Hồng Ca, xã Kiên Thành…
Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: "Những hoạt động lễ hội đầu xuân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn diễn ra sôi nổi với các làn điệu hát then, múa khèn, thổi sáo, múa sinh tiền… góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình để xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc”.
Bùi Minh