Nguyễn Ngọc Yến- nữ nhà văn viết vì giá trị chân - thiện - mỹ

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/2/2024 | 7:49:53 AM

YênBái - Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Yến được công chúng biết đến bởi nhiều truyện ngắn được đăng trên Báo Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Trong suốt 15 năm cầm bút, qua nhiều vị trí công tác, hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Cây bút "8X" cũng là nữ nhà văn đầu tiên trong số 7 tác giả Yên Bái chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Yến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến.

Sứ mệnh đặc biệt: Nuôi dưỡng và hàn gắn vết thương trong tâm hồn mỗi con người 

- Giới văn nghệ ở Yên Bái thường nhắc tới chị với một biệt danh "Nhà văn viết vì giá trị chân - thiện - mỹ”. Nguồn cảm hứng nào đã đưa chị đến với văn chương? Những câu chuyện của chị thường xoay quanh đối tượng nhân vật nào trong đời sống?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến: Cảm ơn các bạn đã dành cho tôi biệt danh đó! Tôi nghĩ, những người cầm bút chân chính sẽ hướng về những điều tốt đẹp, hướng bạn đọc đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Tôi cho rằng văn học luôn mang trong mình sứ mệnh đặc biệt: Nuôi dưỡng và hàn gắn vết thương trong tâm hồn mỗi con người. 

"Văn chương” đã đến với tôi như một cơ duyên. Những bản làng xa xôi nghèo khó, những con người giản dị chất phác luôn khao khát làm giàu bằng chính sức lực của mình; những suy tư, trăn trở, quyết tâm của các cán bộ vùng cao mong muốn đưa quê hương thoát khỏi khó khăn, lạc hậu; những nỗ lực, quyết tâm và cả niềm háo hức xây dựng một cuộc sống mới tươi đẹp của thế hệ trẻ; những mặt trái không dễ nhìn thấy phía sau ánh hào quang, khuất lấp trong đời sống thường nhật, tình yêu, niềm hy vọng giữa cuộc sống mới đầy áp lực… 

Tất cả hiện thực bề bộn đó đã thôi thúc tôi cầm bút. Và tôi hơi thiên vị khi luôn dành sự quan tâm đến người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ thông minh, hiện đại rơi vào cảnh éo le, ngang trái… Có lẽ cùng là phụ nữ, lại thuộc tuyp người nhạy cảm, cá tính nên tôi đồng cảm với họ.

Tình yêu thương ở khắp mọi nơi

- Các tác phẩm của chị thường được thể hiện qua văn phong sắc sảo nhưng cũng đầy nữ tính - một phong cách văn chương riêng biệt. Được biết chị có 4 đầu sách đã xuất bản và mang về cho chị không ít giải thưởng. Chị có thể chia sẻ cho độc giả về những tác phẩm đã xuất bản? 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến: "Mùa xa”- tập truyện ngắn xuất bản năm 2015 là những câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong xã hội thời mở cửa. "Những dấu chân qua” tập bút ký xuất bản năm 2018 là những bài ký tiêu biểu thay lời tri ân dành cho những nhân vật, địa danh đã gặp, đã qua. "Vùng yêu thương” tập bút ký - tản văn xuất bản năm 2021 là những tình cảm đặc biệt, đong đầy cảm xúc về một thuở ấu thơ, về những con người đáng quý. Gần đây nhất là tập truyện ngắn "Vách gỗ” gồm 12 truyện ngắn mà tôi viết trong suốt 10 năm. 

Mỗi truyện ngắn là một lát cắt, một mảnh ghép về những thân phận, những cuộc đời khác nhau; là câu chuyện riêng mà tôi muốn gửi gắm. Như "Mùa xa” là tiếng nói phản đối tình trạng bạo lực gia đình, "Vách gỗ” lại là sự thiệt thòi, đau khổ, day dứt của những người phụ nữ khi phải cùng chồng gánh trách nhiệm nối dài cây gia phả của dòng họ, còn "Ca nương” lại là thông điệp khẩn thiết về bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - nghệ thuật Ca trù phải đúng cách… 


Bìa tập truyện ngắn "Vách gỗ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Yến

Trong suốt quá trình tập hợp bản thảo cho tập "Vách gỗ”, tôi luôn nghĩ đến câu chú "Ba bà nam - Ke valam” (Tình yêu thương ở khắp mọi nơi) - lời của điệu nhảy Kaoshiikii trong Yoga, đó cũng là tên của một truyện ngắn trong tập "Vách gỗ”: Điệu nhảy Kaoshiikii. 12 truyện ngắn là 12 cung bậc cảm xúc, 12 góc khuất không dễ thấy và cũng không dễ để bày tỏ. Tôi muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: Hãy trao đi tình yêu thương bởi cuộc sống này vẫn còn vô vàn những điều tốt đẹp. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có sự sống, nơi đó có sự ấm áp của tình người.

Quan tâm tác giả trẻ- nguồn kế cận

- Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, chị đã, đang và sẽ làm gì để giúp đỡ các tác giả văn học trẻ Yên Bái và đặc biệt là tác giả nữ? 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến: Hiện nay, số tác giả trẻ 35 tuổi trở xuống chiếm dưới 7%, trong khi đó số tác giả trên 60 tuổi chiếm trên 40%. Không chỉ cá nhân tôi mà Ban lãnh đạo Hội luôn trăn trở về vấn đề lực lượng văn nghệ sĩ kế cận trong tương lai. Ngoài việc duy trì các chuyên mục Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Thiếu nhi trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, những năm gần đây, tôi đã đề xuất và tham mưu triển khai tổ chức nhiều Trại sáng tác Văn học trẻ, Tọa đàm Văn học trẻ trên địa bàn tỉnh để tìm kiếm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tác giả văn học trẻ và thu được những kết quả khá khả quan. Sau mỗi trại sáng tác đã xuất hiện nhiều gương mặt mới, trong đó có những tác giả đã trở thành hội viên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh. 

Từ năm 2020 đến nay, đã có 5 tác giả nữ được kết nạp vào Hội theo chuyên ngành văn học. Để phát triển lực lượng tác giả trẻ, đặc biệt là các tác giả nữ, theo tôi, cần giải quyết hai vấn đề: Cơ chế chính sách và các hoạt động thúc đẩy hoạt động sáng tác trên địa bàn tỉnh. Các trại sáng tác, chương trình thực tế sáng tác, hội thảo, tọa đàm, chương trình phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học dành cho các tác giả trẻ hoặc thi viết về đề tài phụ nữ… sẽ là những giải pháp thiết thực, có ý nghĩa động viên, khích lệ các tác giả trẻ, đặc biệt là các tác giả nữ trên địa bàn tỉnh...

- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Thanh Ba (thực hiện)

Tags Nguyễn Ngọc Yến hội liên hiệp văn học nghệ thuật Yên Bái nữ nhà văn

Các tin khác
Loại trang sức này lần đầu tiên được phát hiện tại Yên Bái có từ thời đại Đồ đá (thời tiền sử), niên đại vào khoảng 3.500 - 5.000 năm.

Sơ bộ cho thấy, đồ trang sức người Việt cổ phát hiện tại Yên Bái mới đây là những hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể có từ thời đại Đồ đá (thời tiền sử), niên đại khoảng 3.500 - 5.000 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đại biểu bấm nút phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ảnh: quochoi.vn

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân được tổ chức năm nay nhằm thu hút đông đảo các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên tham gia, phát huy tài năng và khả năng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư vừa ra mắt tự truyện - "Đi qua trăm năm". Sách kể về cuộc đời ông có thất bại, có thành công, để con cháu biết lấy làm bài học kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế.

Lễ hội Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục