Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn - ngôi trường "bản sắc"

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/2/2024 | 9:51:10 AM

YênBái - Là trường đặc thù với số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn đã phát huy thế mạnh riêng có, quan tâm, chú trọng giáo dục gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Văn Chấn trong giờ tập múa xòe Thái
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Văn Chấn trong giờ tập múa xòe Thái

Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn đúng vào tiết tập thể dục giữa giờ, điều làm tôi không khỏi ngạc nhiên là 100% học sinh điều mặc trang phục dân tộc mình. Đó là trang phục truyền thống với áo cỏm, váy đen và chiếc khăn piêu của các em học sinh dân tộc Thái; sự đa dạng với các loại vải thổ cẩm là trang phục truyền thống học sinh dân tộc Mông... đã làm rực rỡ cả một không gian trường học, tạo nên hình ảnh ấn tượng về bản sắc văn hóa. 

Em Lò Hoàng Hương Giang - học sinh lớp 9C cho biết: "Em và các bạn trong trường, ai cũng có 1 bộ trang phục nguyên bản mang đặc trưng của dân tộc mình. Nhà trường tổ chức cho chúng em mặc vào ngày thứ Hai hàng tuần và các dịp lễ hội, các sự kiện lớn. Thông qua các hoạt động giúp cho chúng em tự hào về dân tộc mình, có những hiểu biết và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống của dân tộc, từ đó thêm yêu Tổ quốc, yêu quê hương, đất nước, có thêm nhiều động lực để rèn luyện trong học tập”.

Là trường đặc thù, có nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng con em vùng dân tộc thiểu số, năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 404 học sinh thuộc 12 lớp học của các khối; trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, đa số là các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông, Dao...

Trong những năm qua, căn cứ vào các kế hoạch của ngành giáo dục về việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa  truyền thống trong trường học, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thông qua các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngữ văn, tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; chào cờ ở địa chỉ đỏ đèo Lũng Lô, sinh hoạt Câu lạc bộ văn nghệ, thể thao vào chiều thứ Bảy hàng tuần… 

Cô Sầm Thị Minh Khuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chiếm số đông là học sinh dân tộc Thái, những năm qua, nhà trường đã tập trung đưa các điệu xoè Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, giờ ra chơi. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức từ 10 - 12 hoạt động lớn nhân kỷ niệm các ngày lễ trong năm tập trung vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, lòng biết ơn..., qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng "Trường học hạnh phúc”.  

Những trò chơi như tó mắc lẹ, đi cà kheo, ném còn, ném pao, đẩy gậy đến những điệu múa xòe Thái… trong giờ ra chơi hay các buổi ngoại khóa được tập luyện thành thục, được diễn xướng nơi trường học luôn mang lại những tiếng cười sảng khoái, thu hút nhiều em hào hứng tham gia.

Hiện nhà trường đã thành lập 3 câu lạc bộ: Câu lạc bộ STEM Robottics, Câu lạc bộ Nghệ thuật -  thể dục thể thao và Câu lạc bộ STEM. Ở các không gian chung như hành lang cầu thang và trong lớp học, nhà trường đều bố trí "Góc cộng đồng” để trưng bày, trang trí những bộ trang phục như khăn piêu, áo cỏm, các bức thêu hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Thái, Dao, Mông, Mường... giống như "bảo tàng di động" bắt mắt người xem. 


Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ dự và tặng quà cho học sinh nhà trường nhân dịp khai giảng năm học mới 2023- 2024. 

Cô Vũ Hồng Thắm - Tổng phụ trách Đội của nhà trường cho biết: Các câu lạc bộ nhằm tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh, giúp học sinh phát triển năng khiếu, nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học; tạo cơ hội cho học sinh được thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, giáo dục trách nhiệm xã hội của học sinh đối với cộng đồng và gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và của địa phương. 

Hiện nay, đời sống người dân ngày một nâng cao, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại thì bản sắc văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống của không ít dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Chính vì vậy, việc giáo dục cho học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa của nhà trường là việc làm ý nghĩa, góp phần rất lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Tự hào về cội nguồn dân tộc mình là động lực cho mỗi học sinh đến lớ là một ngày vui, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Văn Chấn đã đạt 17 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi "Thiếu nhi Yên Bái với bản sắc văn hóa dân tộc". Kết thúc học kì I năm học 2023 – 2024, nhà trường đạt 48 giải học sinh giỏi cấp huyện và giành giải Nhất Cuộc thi đồng diễn Flashmob toàn quốc...

Văn Tuấn

Tags Văn Chấn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú dân tộc Mông dân tộc Mường dân tộc Thái

Các tin khác
Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Yến được công chúng biết đến bởi nhiều truyện ngắn được đăng trên Báo Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Trong suốt 15 năm cầm bút, qua nhiều vị trí công tác, hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Cây bút "8X" cũng là nữ nhà văn đầu tiên trong số 7 tác giả Yên Bái chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Yến.

Loại trang sức này lần đầu tiên được phát hiện tại Yên Bái có từ thời đại Đồ đá (thời tiền sử), niên đại vào khoảng 3.500 - 5.000 năm.

Sơ bộ cho thấy, đồ trang sức người Việt cổ phát hiện tại Yên Bái mới đây là những hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể có từ thời đại Đồ đá (thời tiền sử), niên đại khoảng 3.500 - 5.000 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đại biểu bấm nút phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ảnh: quochoi.vn

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân được tổ chức năm nay nhằm thu hút đông đảo các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên tham gia, phát huy tài năng và khả năng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư vừa ra mắt tự truyện - "Đi qua trăm năm". Sách kể về cuộc đời ông có thất bại, có thành công, để con cháu biết lấy làm bài học kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục