Tất thảy, họ có 10 người, chia làm 3 tổ. Điểm đến đầu tiên sau Tết Nguyên đán là các thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên; thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải và thôn Vàng Ngắn, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên. Bất ngờ gặp họ trên đỉnh đèo, tôi ngỡ đấy là dân chơi đi "phượt” bởi sự điệu nghệ của họ khi việc sử dụng những chiếc xe máy cà tàng mà cõng trên lưng là những hòm, thùng đựng máy nổ, máy chiếu, phông, bạt, loa, dây điện, ba lô cá nhân và hơn hết là "báu vật” mang tên thước phim được chằng, buộc cẩn thận…
Điểm đến của Tổ chiếu phim lưu động số 1 do anh Lê Xuân Tặng – Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động dẫn đầu là xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên. Xã có 8 thôn thì 6 thôn nằm danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025. Khánh Hòa hiện còn 39,83% hộ nghèo và 20,59% hộ cận nghèo. Thiếu thốn với hộ nghèo không chỉ là vật chất mà còn cả ở đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy, những buổi chiếu phim lưu động chính là món quà tinh thần quý giá của bà con.
Công tác chuẩn bị chiếu phim của các tổ chiếu bóng phim ở các điểm thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa (Lục Yên); thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) và thôn Vàng Ngắn, xã Xuân Tầm (Văn Yên).
Càng về chiều, trời càng lạnh cóng. Mưa xuân mịt mù bao trùm cả bầu không gian, thế nhưng từ bản trên xóm dưới thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa đã rộn ràng, náo nhiệt vì biết tối nay có đoàn chiếu phim đến. Nhà nhà đều chủ động ăn cơm tối thật sớm. Trẻ con, người già háo hức ra vào ngóng chờ.
Sau khi công tác chuẩn bị cho buổi chiếu phim hoàn tất, màn hình lớn 350 inch đã được căng lên ngay ngắn trước sân điểm Trường tiểu học Làng Chạp thì tổ chiếu phim mới dành cho mình khoảng thời gian lo chỗ ăn, ngủ buổi tối.
Trong góc khuất của điểm trường, chị Nguyễn Thị Hồng Thủy – thành viên nữ duy nhất của đội chiếu bóng kiêm bếp trưởng tâm sự: "Đi đâu, anh em chúng tôi cũng mang theo đồ nấu ăn đơn giản, gọn nhẹ. Nếu ở những nơi gần trung tâm thì mua cơm hộp, vào tới nơi đã nguội lạnh, rất khó ăn. Bữa cơm đạm bạc chỉ với cá khô, trứng chiên, canh rau nhưng mọi người vẫn rất vui và ấm lòng vì tình cảm nồng ấm của bà con. Nhìn bà con mỗi lúc đến một đông thì bữa cơm của chúng tôi lại càng thêm đậm đà và anh em càng muốn ở lại chiếu cho bà con xem nhiều bộ phim có ý nghĩa hơn".
Khi âm thanh của những bản nhạc xuân vui nhộn vang lên là lúc bà con bắt đầu đổ đến mỗi lúc một đông.
Các em học sinh và nhân dân thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa háo hức khi được xem phim trên màn ảnh rộng
18 giờ 30 phút, bộ phim hoạt hình "Anh Kim Đồng” bắt đầu khởi chiếu. Khỏi phải nói, đám trẻ con trong thôn vui biết chừng nào. Chúng hân hoan, hồ hởi, mắt dán vào màn hình. Mỗi hình ảnh về anh Kim Đồng mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn như hút hồn bọn trẻ. Để rồi, khi bộ phim kết thúc, chúng hẫng hụt, tiếc nuối. Cảm xúc như vẫn còn gửi về màn hình giờ đã chuyển sang một màu trắng.
Cháu Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 4, thôn Làng Chạp cho biết: "Chúng cháu rất vui vì được xem phim về anh Kim Đồng trên màn ảnh rộng và to như vậy. Chúng cháu rất muốn được xem nhiều phim như thế về các anh hùng dân tộc trẻ tuổi và mong các cô chú đội chiếu bóng thường xuyên về quê chúng cháu để chiếu phim cho chúng cháu và ông bà, bố mẹ nữa”.
19 giờ 30 phút, bộ phim chính "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” khởi chiếu. Sau những phút đầu vui nhộn tiếng nói, tiếng cười thì chỉ một chút thôi cả bầu không khí bỗng trở nên yên ắng. Tất thảy người dân chìm vào từng thước phim đang chạy trên màn ảnh. Hình ảnh về Bác Hồ hiện lên gần gũi, thiêng liêng. Một con người mang trong mình lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình, tự do; tình cảm yêu nước thương nòi; sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp cứu nước, hạnh phúc của nhân dân; yêu đời, yêu người, hết sức vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị; phong thái ung dung, tự tại; tài năng hết mực, phẩm chất cao quý, bản lĩnh phi thường, sức sống mạnh mẽ... Có lúc cao trào, đâu đó có tiếng khóc thút thít, những vạt áo chấm vội những dòng lệ cứ không ngừng tuôn rơi.
Chứng kiến mọi hoạt động từ khi tổ chiếu phim đến, tranh thủ lúc bộ phim hoạt động ổn định, tôi quay hỏi Lê Xuân Tặng – Đội trưởng Đội chiếu bóng cũng là tổ trưởng tổ 1: "Mỗi tối đội mình tổ chức được một bộ phim thế này thì e rằng bà con "thèm” phim lắm nhỉ? Biết bao giờ bà con ở 122 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh mới được xem phim?”. Tặng nói nhanh: "Một năm chúng tôi tổ chức nhiều đợt đi về cơ sở chiếu phim cho đồng bào lắm. Hầu như thôn, bản nào cũng đến, ít nhất đến 1 lần/năm. Ví như lúc này, trong khi chị và bà con đang xem những thước phim ở đây thì trên thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải và và thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, anh em tổ 2 và 3 trên đó cũng đang chiếu phim cho đồng bào xem đấy”.
Đồng bào dân tộc Mông thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải chăm chú xem phim
Vừa nói, Tặng vừa rút điện thoại gọi Zalo video lần lượt cho tôi gặp các đồng nghiệp ở 2 điểm còn lại. Sau vài phút thông tin gián đoạn, cuối cùng tôi cũng gặp được tín hiệu từ anh Hà Đình Khiêm – Đội phó Đội chiếu bóng, kiêm Tổ trưởng tổ 3 đang chiếu phim tại nhà văn hóa thôn Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi. Qua video dễ dàng nhận thấy rất đông đồng bào Mông đang xem bộ phim "Thầu Chín ở Xiêm”. Còn tại điểm số 2, thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm (huyện Văn Yên), anh Phạm Văn Hòa – Đội phó, Tổ trưởng tổ 2 cũng cho xem cả khoảng sân trước nhà văn hóa thôn đông kín người đang theo dõi bộ phim "Nhìn ra biển cả”.
Tại trụ sở thôn Ngàn Vắng, xã Xuân Tầm cũng đông người đến thưởng thức những thước phim trên màn ảnh rộng
Quả đúng như lời đội trưởng Lê Xuân Tặng giới thiệu ban đầu, mỗi tổ chỉ có 3 người nhưng điều họ đang làm và mang đến cơ sở quả là cả một "công trình” kết tinh của sự đam mê, yêu nghề, vượt lên trăm ngàn vất vả.
Buổi chiếu phim kết thúc vào khoảng 10 giờ tối. Ông Nguyễn Viết Máy, thôn Làng Chạp chia sẻ: "Từ khi nghe tin đoàn chiếu phim đến đây, bà con trong thôn rất phấn khởi, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Đã từ lâu ở thôn mới có một hoạt động ý nghĩa như vậy. Những bộ phim mà đoàn chiếu mang đến đã khơi dậy trong nhân dân niềm tin về đường lối, chính sách của Đảng, về con đường cách mạng mà Bác Hồ đã chọn là đúng đắn và mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
Theo bảng ghi chép của Đội chiếu bóng lưu động, năm 2023, Đội đã tổ chức chiếu được trên 200 buổi chiếu lưu động, chủ yếu là những bộ phim do Cục Điện ảnh cấp cùng những bộ phim Tết đầy màu sắc thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem, đồng nghĩa với việc anh em trong đội có mặt ở cơ sở những ngày đó chưa kể đi lại mới biết họ yêu nghề, gắn bó với nghề và hy sinh thầm lặng biết nhường nào.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết "Để mọi người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dần nhận thức được hiệu quả của hoạt động chiếu phim lưu động, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã động viên anh em trong Đội chiếu bóng phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, yêu nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, anh em đều hiểu rõ công việc của mình trong việc chủ động liên hệ, tiếp cận trực tiếp, động viên, thuyết phục, định hướng cho cơ sở, địa phương, người xem. Đồng thời, vận động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với phòng văn hóa - thông tin các địa phương nơi đến chiếu”.
Được biết, trước mỗi buổi chiếu, các đội chiếu phim lưu động đều chuẩn bị đầy đủ tài liệu, bài tuyên truyền, khi đến địa phương kết hợp với đài truyền thanh tuyên truyền để nhân dân biết được thời gian, địa điểm chiếu và sắp xếp, bố trí đến xem phim đúng giờ. Đặc biệt, để các buổi chiếu phim được thuận lợi, công tác chuẩn bị sân bãi cho buổi chiếu cũng được tiến hành kỹ càng. Thay vì trước đây bà con đến xem phim phải kê dép ngồi, hoặc phải mang theo chiếu, ghế đi xem thì giờ đây các đội lưu động đã tạo mối quan hệ tốt, kết hợp với lãnh đạo thôn xóm, bản làng sắp xếp ghế ngồi, có quạt mát, ánh sáng phù hợp, tạo tâm lý thoải mái, thuận tiện cho người xem.
Cùng đó, trước khi chiếu phim, Đội chiếu bóng đều lồng ghép phát các đoạn video clip, tuyên truyền về phòng chống ma túy, xóa bỏ tập tục lạc hậu, sinh đẻ có kế hoạch, an toàn giao thông, cảnh báo lừa đảo, vệ sinh cá nhân, môi trường, chống chống cháy rừng, khuyến nông… bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc tùy theo địa bàn.
"Để nâng cao hiệu quả của hoạt động chiếu bóng lưu động, anh em trong đội không ngừng học tập, nghiên cứu ứng dụng những thiết bị chiếu phim hiện đại thay những cỗ máy chiếu phim nhựa cồng kềnh mà chất lượng hình ảnh và âm thanh trước kia còn mờ và kém. Đồng thời, tham mưu với Trung tâm tìm nguồn phim tốt, đề tài hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng người xem nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; từ đó việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đến với người dân trực tiếp và hiệu quả hơn” – anh Lê Xuân Tặng chia sẻ thêm.
Háo hức chờ đợi những buổi chiếu đến vùng cao, nuối tiếc sau khi buổi chiếu kết thúc…, những buổi chiếu phim lưu động luôn đem lại món ăn tinh thần mà bà con vùng cao luôn mong muốn được thưởng thức, khẳng định sự cần có của hoạt động chiếu bóng ở những địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở các địa phương.
Thủy Thanh