“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - Khải hoàn ca cách mạng!

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2024 | 8:57:30 AM

YênBái - Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

(Ảnh: tuyengiao)
(Ảnh: tuyengiao)

Trong dòng lịch sử văn học Việt Nam, Tố Hữu là một trong chín tác gia mà con đường thơ gắn với con đường cách mạng. "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” có lẽ là một trong những bài thơ thời sự nhất của ông. Từ khi viết cho đến lúc bài thơ in trang trọng trên báo Nhân dân (số ra 11/5/1954) chỉ vẻn vẹn có bốn ngày. Thế mới thấy tinh thần cách mạng, âm vang của chiến thắng dội vào cảm xúc con người đến mức quên ăn, quên ngủ, thậm chí như một luồng gió dinh dưỡng đủ nuôi cơ thể và trí tuệ để không chỉ tồn tại mà còn là sống - một cuộc sống đầy say mê, lửa nhiệt, sung sức dâng hiến trong thời khắc ấy như thế.

Nói như vậy không phải một sự ngoa ngôn bởi toàn bài dài đến 96 câu thơ, 639 kí tự nhưng đều mang tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe, ào ào chảy trên các câu dài ngắn khác nhau của lối thơ hợp thể được ông viết bằng sự trực trào biết bao cảm xúc. Ngôn ngữ thơ dân dã, mộc mạc phù hợp để chuyển tải thông tin mà vẫn hào hùng, trang trọng và biên độ chủ lưu hô ứng cùng muôn triệu con tim nhân dân lúc ấy là niềm vui sướng được reo lên đầy hân hoan, hào sảng, khí khái bát ngát tự hào. Do vậy, nhan đề của bài thơ "Hoa hô chiến sĩ Điện Biên” tuy là khẩu ngữ nhưng là một tiếng reo chiến thắng nên tự thân đã bao trọn và làm sáng cả chủ đề thi phẩm.

Như một ký sự thơ, tác phẩm được Tố Hữu chia thành 6 đoạn, mỗi đoạn là một bản tin chính luận, thể hiện sứ mệnh riêng trong logic, thống nhất về một chủ đề chung: Ca ngợi và tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội nhân dân Việt Nam.

Đoạn 1 với 7 câu thơ mở đầu là thông tin mang tính thông tấn báo chí của một tuyên truyền viên đang cuống quýt, ríu ran trước niềm vui lớn: "Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/Loa kêu từng cửa/Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa"... Với nhịp thơ ngắn, tốc độ thơ nhanh, ta như nghe được tiếng thở dồn dập của trái tim người đưa tin, người nhận tin làm cho núi rừng Việt Bắc vốn thâm trầm, u tịch đều bừng dậy cháy sáng, đỏ đèn, đỏ lửa. 

Hồi hộp đến từng gang tấc, nhưng dấu ba chấm khép lại đoạn 1 vẫn là một nghệ thuật làm ngưng lại để chờ đợi thông tin sự kiện được mở ra tiếp theo ở đoạn 2: "Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/... Vinh quang Hồ Chí Minh - cha của chúng ta ngàn năm sống mãi! Quyết chiến quyết thắng cờ đỏ sao vàng vĩ đại!" Niềm vui sướng to lớn quá làm nhà thơ "quên” cả lối thông báo tin cần trực ngôn, tường minh, nghĩa đen tường tận. 

Lẽ ra Tố Hữu cần báo "Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi”, "Đã giải phóng Điên Biên” nhưng ông lại chọn lối thông báo khác, lối thông báo bằng sự tự hào, tôn vinh, xưng tụng "hoan hô” các chiến sĩ, "hoan hô” vị đại tướng cầm quân dũng cảm, kì tài Võ Nguyên Giáp. Trận chiến mà quân dân ta ngày đêm dũng cảm ấy đã được đồng nhất hóa bằng hình ảnh hoán dụ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!. Và trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy; nhà thơ tự hào hô vang tổ quốc Việt Nam, hô vang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Và đoạn 3 với 9 câu thơ đã cuộn trào lên cảm xúc như thế: "Kháng chiến ba ngàn ngày/Không đêm nào vui bằng đêm nay/Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/Trên đất nước như huân chương trên ngực/Dân tộc ta dân tộc anh hùng!/Điện Biên vời vợi ngàn trùng/Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta/Đêm nay bè bạn gần xa/Tin về chắc cũng chan hoà vui chung". Tổng thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong vòng 1 tháng 3 tuần 3 ngày (từ 13/3 - 7/5/1954), nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp là cả quãng dài những 9 năm với trên ba ngàn ngày như Tố Hữu đã liệt kê mô tả. 

Đã có nhiều chiến công, chiến thắng mang tầm vóc và ý nghĩa bước ngoặt như Chiến dịch Việt Bắc, Sông Thao, Sông Lô, Biên giới, Cao - Bắc - Lạng, Tây Bắc... nhưng, như đúng như nhà thơ xúc động "Không đêm nào vui bằng đêm nay”. Tin vui chiến thắng từ trận tuyến đến được với nhà thơ tầm 18h chiều cùng ngày; rừng nhá nhem tối - nhưng ánh sáng vật lí lúc ấy không có ý nghĩa hiện hữu mà chỉ có rực sáng của niềm vui cách mạng, niềm vui đại thắng vỡ òa trong trái tim. Lúc ấy, trong đôi mắt nhà thơ thấy huân chương đang nở hoa trên ngực đất mẹ và ngàn trùng sông núi, bốn bể anh em như cùng một lúc cất dàn đồng ca khúc khải hoàn hào sảng. 

Có lẽ cảm xúc trữ tình cách mạng ấy như càng được bay bổng hơn bởi nó là kết tinh những mỏi mòn, đau đáu chờ mong của toàn dân, toàn quân, toàn hậu phương và tiền tuyến khiến người thi sĩ đã chắp cánh cho sự kiện chính trị càng được thăng hoa hơn. 

Đoạn thơ trọng tâm, tiêu biểu, được chúng tôi thuộc làu làu trong đầu từ thuở cỏn con, tóc còn khét cháy vì giãi nắng đi nhặt củi, hái chít, lượm bông lau; được hầu hết học sinh trong đội tuyển chúng tôi chép vào sổ tay và chọn làm dẫn chứng cho những bài viết văn về văn học thời kì kháng Pháp, đó chính là đoạn thứ 4 của bài: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên... Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng". Với tổng 27 câu được cấu trúc dài ngắn khác nhau, khổ thứ 4 đã mô tả một cách trực diện, chân thực về cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân ta để giành được thắng lợi oanh liệt.

Mở đầu, Tố Hữu ngân lại cảm xúc chủ đạo của chính mình được khai mở từ tiêu đề "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” để ngợi ca, biểu lộ sự tự hào và tạc vào non sông gấm vóc Việt Nam bức tượng đài lịch sử - chiến sĩ Điện Biên. Đó là những người chiến sĩ anh hùng "Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”

56 ngày đêm ròng rã khoét núi, đào hào, đưa bộc phá vào trong hầm chiến để dành cho trận đánh sinh tử. Ngủ trong hầm, cơm chan nước mưa, trộn lẫn vắt rừng; trộn lẫn máu của vết thương và máu hy sinh của anh em, đồng chí, đồng đội là hình ảnh thực tế chát chúa, gian khổ vô song nhưng không hề bi lụy, than vãn hay ảo não. Với thể thơ ba chữ Tố Hữu như mô tạc nắm tay giơ cao dứt khoát, rành rọt ý chí thép "Gan không núng/ Chí không mòn”. Đó không phải là ý chí của một người, một cá nhân, một chiến sĩ mà là bức chân dung - bức tượng đài của tập thể những người chiến sĩ Điện Biên.

Ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên anh hùng thể hiện ở những hành động dũng cảm, ngoan cường, nhà thơ lấy chất liệu từ những tấm gương tiêu biểu như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót nhưng nhà thơ đã bất tử hóa họ trong sự khái quát chung của cả một tinh thần đồng đội, một lực lượng quân đội nhân dân anh hùng. Đó là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho các binh chủng. 

Trước hết là bộ binh - lực lượng quyết định chiến trường có quân số đông hơn tất cả được miêu tả tới bốn câu thơ: "Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão”. Tiếp theo là binh chủng pháo binh: "Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm và binh chủng công binh Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”. Cả ba binh chủng đều thể hiện cực điểm ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam. 

Với cách diễn tả như vậy, nhà thơ đã giúp cho độc giả cảm nhận được trận đánh vừa toàn diện lại vừa cụ thể. Mặt khác, nhịp thơ ở đây ngắn, mạnh, dứt khoát; các câu thơ biến hoá liên tục theo trường độ dài ngắn khác nhau như những mũi xung kích đang hình thành hướng vào mục tiêu là tập đoàn cứ điểm của quân giặc.

Ở phía sau lưng các chiến sĩ là trùng điệp các đoàn dân công ngày đêm ra tiền tuyến - một lực lượng hậu cần khổng lồ, hùng hậu chưa từng có trong lịch sử trước đó "Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây, gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh./ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống!/ Máu của các anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ tươi xanh cùng đồng ruộng Việt Nam”.

Là trận chiến sinh tử - là trận đánh cuối cùng nên sự tàn khốc phải đón nhận, hứng chịu và chứng kiến sự mất mát máu xương, da thịt của đồng bào mình là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, máu của các anh chị, của chúng ta không uổng vì nó đã được hòa vào đồng ruộng Việt Nam, bất tử hóa trong hình hài của non sông, gấm vóc.

Hai câu kết của đoạn 4 vô tình là một cặp lục bát thật dịu dàng, là một bức tranh đa sắc màu sinh động của cuộc sống đang sinh sôi, nảy mầm từ trong cõi chết: "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” mà nói như đại ý của nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đặt hai câu ấy trong cái không khí của toàn bài, nó mới đắc địa, như người ta đang nghe một bản giao hưởng chát chúa toàn những kèn đồng, lại thấy vút lên mảnh mướt một tiếng sáo trúc đồng quê mát mẻ. 

Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là cuộc chiến toàn dân, toàn diện, có sự đóng góp và hy sinh cả xương máu, tính mạng của người dân cả nước nên mối căm hờn trút lên đầu giặc là lẽ đương nhiên và tất yếu. Và luận điểm ấy đã được mở ra ở khổ 5: "Lũ chúng nó phải hàng, phải chết/Quyết trận này quét sạch Điện Biên!Quân giặc điên/Chúng bay chui xuống đất/Chúng bay chạy đằng trời?/Trời không của chúng bay/Đạn ta rào lưới sắt!/Đất không của chúng bay/Đai thép ta thắt chặt!/Của ta trời đất đêm ngày/Núi kia, đồi nọ, sông này của ta/Chúng bay chỉ một đường ra/Một là tử địa, hai là tù binh/Hạ súng xuống rùng mình run rẩy/Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!/Nghe trưa nay tháng năm, mùng bẩy/Trên đầu bay thác lửa hờn căm/Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ/Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!/Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!”

Đại từ nhân xưng mới được xác lập mang đầy đủ sắc thái và nội hàm biểu đạt ý nghĩa đối nghịch, không chung giới tuyến, không đội trời chung: giữa "Ta” với "Lũ chúng nó”, "quân giặc điên”, "chúng bay”. Trong 22 câu thơ nhưng có đến 8 dấu chấm than biểu cảm cùng các động từ mạnh "phải hàng”, "phải chết”, "quét sạch”, "chui”, "chạy”, "rào”, "thắt”, "thét gầm”, "sập đổ” cùng các cụm từ mang tính mệnh lệnh không khoan nhượng "một là”, "hai là”, "hạ súng xuống”... như sóng dâng, lũ cuốn, ào ào băng lên với tốc độ nhanh, mạnh khiến người đọc như cảm giác được các bước chân thần tốc, các mũi quân ồ ạt tập kích vào cứ điểm dưới lệnh của tổng chỉ huy để có kết quả vỡ òa trong sung sướng, hạnh phúc "Nghe trưa nay tháng năm, mùng bẩy/Trên đầu bay thác lửa hờn căm/Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ/Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!”. Và trong giây phút ấy, Tố Hữu vẫn không quên hô vang "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”

Với tinh thần, nguồn cảm xúc đang dạt dào tuôn chảy ấy, Tố Hữu đã đong cảm xúc thành dòng chung vui bất tuyệt của cả dân tộc lúc bấy giờ ở đoạn thơ thứ 6 - đoạn thơ cuối cùng "Tiếng reo núi vọng sông rền/ Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ.../ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên”. Trong những tiếng reo vui ấy, Tố Hữu nhắc gọi đến lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh, đã nhắc gọi thủ tướng Phạm Văn Đồng đang chuẩn bị hội đàm tại Hội nghị Giơnevơ Thụy Sĩ. Trên dòng mạch ấy, kết lại bài thơ mang vóc dáng một trường ca, nhà thơ tuyên bố với thế giới: "Tổ quốc chúng tôi/Muốn độc lập, hoà bình trở lại/Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái/Nước chúng tôi và nước các anh/Nếu còn say máu chiến tranh/Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/Tre đã thành chông, sông là sông lửa/Và trận thắng Điện Biên/Cũng mới là bài học đầu tiên!”

Dấu son lịch sử ấy đã lùi xa 70 năm nhưng đọc bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu chúng ta vẫn thấy khúc khải hoàn cách mạng đầy rộn ràng âm sắc reo ca niềm vui bất tuyệt của toàn quân, toàn dân trước chiến thắng Điện Biên đầy tự hào hoa nắng!

Lưu Khánh Linh 
(Trường THPT Cảm Ân)

Các tin khác
Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Theo dấu chân Người” là chủ đề chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 5/2024, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024); 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).

16 tiết mục văn nghệ tham gia trong chương trình văn nghệ “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng

Tối 30/4, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục