P.V: Trước hết, xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái. Xin bà thông tin về nguồn tài nguyên tri thức của Thư viện tỉnh Yên Bái đang có hiện nay?
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh: Hiện nay Thư viện tỉnh có gần 300.000 bản sách gồm nhiều thể loại khác nhau và trên 200 đầu báo, tạp chí. Ngoài vốn tài liệu giấy, tài liệu điện tử cũng đang được bổ sung, giúp bạn đọc tiếp cận với nhiều loại tài liệu, đồng thời chia sẻ nguồn lực thông tin số với các thư viện trường học trong tỉnh. Thư viện đã tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp mọi lứa tuổi bạn đọc.
Bắt kịp xu hướng hiện đại và thị hiếu của bạn đọc, Thư viện tỉnh đã nỗ lực và ngày một đổi mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiệm vụ phục vụ bạn đoc. Đơn vị đã xây dựng các bộ sưu tập số, số hoá gần 3.600 tài liệu, tương ứng với gần 563.000 trang tài liệu; xây dựng 9 bộ sưu tập số (BST) như: BST tài liệu cổ; BST Sắc màu văn hoá các dân tộc, BST Luận án - luận văn, BST tác phẩm văn học Yên Bái, BST Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái; BST Tài liệu tiểu học, BST tài liệu trung học cơ sở, BST Tài liệu trung học phổ thông…
P.V: Để đưa sách đến công chúng, phát triển văn hóa đọc, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã tổ chức những hoạt động nào, thưa bà?
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh: Mong muốn sách đến được với công chúng, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức các hoạt động như: cấp thẻ bạn đọc, chia sẻ tài liệu số tới các đơn vị, trường học; xây dựng các tủ sách đơn vị, tủ sách chi đoàn, tủ sách lớp học, tủ sách nhà văn hóa… nhằm tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; lan tỏa phong trào đọc sách sâu rộng trong cộng đồng.
Với mục tiêu: "Tất cả vì bạn đọc. Tất cả hướng tới bạn đọc” và "Sách đi tìm bạn đọc”, Thư viện tỉnh đã phối hợp với 10 trường học trong thành phố Yên Bái xây dựng 155 "Tủ sách lớp học” ở các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, xây dựng 9 tủ sách "Thắp sáng ước mơ” cho các trường tiểu học, THCS và THPT ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, hoạt động luân chuyển sách báo về cơ sở của Thư viện tỉnh Yên Bái được tăng cường, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc được sử dụng tài liệu của thư viện, phát huy tối đa vốn tài liệu của thư viện trong việc phục vụ bạn đọc. Năm 2023, xe thư viện lưu động đã phục vụ 54.966 lượt bạn đọc, phục vụ 105.209 lượt tài nguyên thông tin; cho mượn tập thể và luân chuyển 49.591 bản. Thư viện tỉnh Yên Bái cũng đặc biệt ưu tiên phục vụ tại các trường dành cho con em người dân tộc thiểu số. Tất cả các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú mà xe có thể đến được thì Thư viện tỉnh Yên Bái đều tổ chức phục vụ. Sách luân chuyển về cơ sở cũng được lựa chọn phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của bạn đọc tại cơ sở, đặc biệt đã tiến hành luân chuyển những sách hay, sách được giải, sách pháp luật mới ban hành.
P.V: Số hóa được xem là cú hích lớn giúp nâng cấp đồng bộ, toàn diện nền tảng công nghệ của ngành thư viện, hướng tới xây dựng thư viện thông minh để đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của bạn đọc hiện nay. Thời gian qua, Thư viện tỉnh Yên Bái đã tiếp cận vấn đề này như thế nào và đang làm gì để thực hiện điều đó, thưa bà?
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh: Cùng với thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu đọc sách không còn thuần túy, truyền thống mà dần thay đổi với nhiều loại hình, hình thức như: đọc sách thông qua máy tính, điện thoại thông minh, sách nói… Bởi vậy để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, Thư viện tỉnh đã từng bước đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua chương trình đọc sách trên nền tảng số bằng nhiều việc làm cụ thể như: xây dựng thư viện số; xử lý nghiệp vụ số hóa tài liệu, đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội thông qua các chuyên mục như Sách hay trong tháng, sách mới, sách chuyên đề, sách thiếu nhi, triển lãm trực tuyến; chia sẻ nguồn lực thông tin số với gần 30 trường phổ thông để phục vụ học sinh và giáo viên trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc dạy và học của các nhà trường.
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đã sưu tầm, số hóa các trang tài liệu để bổ sung vào các bộ sưu tập số của đơn vị, giúp bạn đọc được tiếp cận với nhiều loại hình tài liệu. Chỉ tính riêng năm 2023, Thư viện đã bổ sung thêm gần 42.000 trang tài liệu số hóa vào cơ sở dữ liệu tài liệu số hóa cho các bộ sưu tập này; hàng năm phục vụ gần 100.000 lượt bạn đọc truy cập website và phục vụ trên 120.000 lượt tài liệu điện tử.
Hiện nay, Thư viện tỉnh Yên Bái đang phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số (Sở Thông tin - Truyền thông) thực hiện đề tài khoa học "Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng thư viện số phục vụ chuyển đổi số tại Thư viện tỉnh Yên Bái”. Việc ứng dụng đề tài vào hoạt động của thư viện có vai trò rất quan trọng giúp bạn đọc tra cứutài liệu dễ dàng trong cơ sở dữ liệu thư viện số của Thư viện.
P.V :Kỳ nghỉ hè đã cận kề, nhu cầu đọc sách của thanh thiếu nhi chắc chắn sẽ tăng lên. Để là cầu nối tri thức, tạo sân chơi lành mạnh cho các em, xin bà cho biết Thư viện tỉnh sẽ có những hoạt động hấp dẫn gì trong mùa hè này để thu hút các em?
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh: Nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các bạn đọc nhỏ tuổi, thu hút độc giả "nhí" đến Thư viện vào dịp nghỉ hè, ngay từ đầu tháng 5, Thư viện tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục vụ cho hoạt động hè 2024 với các hoạt động cụ thể như: cấp thẻ bạn đọc cho các em học sinh đang học tại các trường TH, THCS trên địa bàn thành phố Yên Bái; xây dựng không gian trải nghiệm; thành lập các câu lạc bộ (CLB) bạn đọc như: CLB đố vui theo sách, trả lời câu hỏi; CLB bạn đọc vẽ tranh theo các nhân vật trong sách; CLB bạn đọc viết cảm nhận về sách; bạn đọc truy cập máy tính công cộng… Với mọi nỗ lực lan tỏa phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc, chúng tôi hy vọng, Thư viện tỉnh sẽ là điểm đến hấp dẫn để các em đến đọc sách và tham quan trải nghiệm,góp phần để các em có "học kỳ 3" thật nhiều điều bổ ích và lý thú.
P.V: Cảm ơn những chia sẻ của bà trong cuộc trao đổi này!
Thanh Chi (thực hiện)