Nguyên mẫu trong bức tranh "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn qua đời

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2024 | 3:57:29 PM

Dù nguyên mẫu của bức tranh đã về trời nhưng “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn vẫn có sức sống vĩnh cửu trong nền hội họa Việt Nam.

Bà Minh Thúy, nguyên mẫu trong bức tranh
Bà Minh Thúy, nguyên mẫu trong bức tranh "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn

Nguyên mẫu trong bức tranh "Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn - nhà giáo Nguyễn Minh Thúy đã qua đời ngày 9/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Bà Thúy là cháu của họa sỹ Trần Văn Cẩn (1910-1994), một trong bộ tứ danh họa Trí-Vân-Lân-Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).

Bức sơn dầu "Em Thúy” (kích thước 60cmx45cm) khắc họa chân dung một cô bé có mái tóc ngắn, nét mặt thơ ngây, ngồi khép nép trên chiếc ghế mây, gương mặt hướng về phía trước bằng đôi mắt mở to tròn.

Đây được xem là kiệt tác nghệ thuật, một trong những tranh chân dung xuất sắc của hội họa hiện đại nước nhà. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

emthuy.gif

em-thuy.jpg
Bức tranh Bảo vật Quốc gia "Em Thúy" (dưới) và chân dung cô gái Minh Thúy năm 24 tuổi. (Nguồn: VNFAM)

Năm 2003, nhạc sỹ người Anh Paul Zetter đã viết bản "Little Thuy Minuet” (Điệu minuet cho em Thúy) sau khi ngắm nhìn bức tranh. Ông cho biết bản thân bị mê hoặc bởi "như nhìn thấy tuổi thơ của mình, thấy những xáo động nội tâm đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh.”

Ông cũng chính là người đã giúp mời chuyên gia phục chế người Australia - bà Caroline Fry phục chế bức tranh này năm 2004.

Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, họa sỹ Trần Văn Cẩn sử dụng bố cục điển hình phong cách châu Âu đầu thế kỷ 20. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia vì là sáng tạo độc bản và được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao.

Tranh mang phong cách riêng biệt của Trần Văn Cẩn, kế thừa tạo hình phương Tây, hòa quyện tinh thần phương Đông. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả thực, cũng như thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Thông qua "Em Thúy,” tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Theo lời kể của bà Minh Thúy, một ngày năm 1943, thấy cháu gái mặc áo lụa Hà Đông màu phớt hồng, ông đề nghị ngồi lên ghế làm mẫu để vẽ. Khi ấy, Minh Thúy tám tuổi, đang học trường nữ sinh tiểu học École Brieux ở Hàng Cót. Tác phẩm lần đầu được giới thiệu tại triển lãm FARTA (Hội Nghệ thuật An Nam) ở Hà Nội năm 1943. Bức tranh sau đó giúp danh họa Trần Văn Cẩn đoạt giải Nhất tại triển lãm của Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA), cùng tác phẩm "Gội đầu.”

Sau này do chiến tranh, gia đình đi sơ tán nên tác phẩm bị thất lạc. Năm 1964, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại tranh từ gia đình nhiếp ảnh gia Đỗ Huân với giá 300 đồng. Khi đó, lương công chức mới ra trường chỉ có 64 đồng một tháng.

Ngoài bức chân dung "Em Thúy,” họa sỹ Trần Văn Cẩn còn có một bức tranh khác vẽ cô cháu gái Minh Thúy vào năm 24 tuổi (1959).

Là chị gái cả trong một gia đình công chức có 4 chị em ở 23 phố Hàng Cót, Hà Nội, bà Minh Thúy được nuôi dưỡng trong môi trường nền nếp. Sau này, dạy nữ công gia chánh tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cho đến khi về hưu. Tuổi già, bà sống cùng gia đình người con trai cả là Đào Anh Tuấn tại Thanh Xuân, Hà Nội.

Có thể nói rằng nguyên mẫu của bức tranh đã về trời nhưng "Em Thúy” vẫn có sức sống vĩnh cửu trong nền hội họa Việt Nam.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà giáo Nguyễn Minh Thúy được tổ chức vào 7h30 ngày 13/7 tại nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số 2 Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội./.

(Theo Báo Tin Tức)

Các tin khác
Chị em phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ tham gia tập luyện múa xòe, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái xây dựng được 402 tổ tự quản về văn hóa; 100% thôn, bản tổ dân phố xây dựng được quy ước, hương ước.

Để bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc trước hết cần nhận diện rõ. Ảnh: baodantoc.vn

Mỗi dân tộc trong 54 dân tộc anh em đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sức mạnh nội sinh của nền văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa thì các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc rất cần một "đòn bẩy".

Tiết mục múa đuống của Đội Văn nghệ xã Nghĩa Phúc.

Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ hiện có 100% số thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, 93% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% số hộ thường xuyên nghe đài, xem truyền hình. Kết quả đó là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân trong xây dựng đời sống văn hóa.

Phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn về việc phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục