Nông Quang Khiêm - cây bút tiếp mạch nguồn văn hóa Tày

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2024 | 8:11:00 AM

YênBái - “Tôi luôn cố gắng khai thác, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong các tác phẩm văn chương” - nhà văn Nông Quang Khiêm chia sẻ. Minh chứng thuyết phục cho tinh thần ấy của nhà văn, mới đây nhất, với tập thơ song ngữ Việt - Tày “Cây cỏ và hoa”, nhà văn Nông Quang Khiêm vinh dự đoạt giải B lĩnh vực Sáng tác chuyên ngành văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Nhà văn Nông Quang Khiêm nhận Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Nhà văn Nông Quang Khiêm nhận Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

>> Nhà văn Nông Quang Khiêm với hành trình tìm về cội nguồn văn hóa dân gian

 "Cây cỏ và hoa” là tập thơ song ngữ Việt - Tày thứ hai của Nông Quang Khiêm, sau "Giọt núi” xuất bản năm 2018. Đưa ngôn ngữ Tày vào các tập thơ, anh thể hiện tình yêu, sự gắn bó và nỗi nhung nhớ bản sắc dân tộc. Nông Quang Khiêm là nhà văn dân tộc Tày. Anh sinh ra và lớn lên ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình. Khi nói về quê hương, nguồn gốc và truyền thống, anh cho rằng: "Tôi may mắn có một tuổi thơ được sống và tiếp thu trọn vẹn văn hóa dân tộc Tày, đi công tác được sống và tiếp thu văn hóa dân tộc Kinh. May mắn đó đã thật sự làm phong phú, đa dạng đời sống tinh thần cũng như làm dày thêm hiểu biết, vốn sống, vốn văn hóa của bản thân tôi”. Thống nhất và xuyên suốt giữa quan điểm và hành động, Nông Quang Khiêm luôn chú trọng khai thác, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Tày trong quá trình sáng tạo tác phẩm.

Trong lời giới thiệu tập thơ song ngữ Việt - Tày "Giọt núi” của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn có đánh giá: "… rất nhiều bài thơ đậm chất Tày của tác giả. Điều ấy là đương nhiên. Tác giả vay mượn cảm xúc hoặc thoát ly tính dân tộc của mình sẽ là điều nên tránh đối với người làm thơ. Người viết giữ được bản sắc riêng của mình là cần thiết khi đã nguyện gắn bó với nghề. Đấy là điều chắc rằng tác giả mong muốn”. Nếu ai đã một lần đến quê hương nguồn cội và biết đến truyền thống gia đình anh, hẳn sẽ hiểu thêm niềm tha thiết và tình yêu của Nông Quang Khiêm dành cho truyền thống văn hóa dân tộc Tày. 

Ông ngoại của Nông Quang Khiêm là nhà văn Hoàng Hạc, bác là nhà văn Hoàng Tương Lai và ông nội là Nông Văn Tư - một người am hiểu văn hóa dân tộc Tày. Niềm tha thiết, tình yêu ấy qua các tác phẩm của anh - một người viết văn, làm thơ, viết báo đã đưa truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Tày trở nên gần gũi, đáng quý, đáng trân trọng hơn với bạn đọc. 

Nhà văn Nông Quang Khiêm từng nói như thế này: "Tôi sinh ra ở miền núi, trong một bản nhỏ ven hồ Thác Bà thơ mộng, thấm đẫm không gian văn hóa Tày. Cuộc sống mới tràn về, cái bản nhỏ ấy đang cựa quậy theo nhịp sống hiện đại. Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi. Tôi đến với văn học tự nhiên và viết cũng tự nhiên như thế”. 

Ngôn ngữ lưu giữ biết bao giá trị truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của mỗi dân tộc. Là thơ hay là truyện, anh đều thể hiện mong muốn giữ gìn vẻ đẹp văn hóa Tày qua nội dung, qua sự lưu giữ văn hóa, qua vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Anh viết rất giản dị, thẳng thắn, thật thà, tự nhiên như cách nghĩ, cách nói, cách bày tỏ của người đồng bào dân tộc mình. 

Hội viên Chi hội Thơ tỉnh Yên Bái Hồng Thanh Tâm nhận xét: "Nhà văn Nông Quang Khiêm có văn phong, ngôn từ trong trẻo, sâu sắc, chứa đựng cái tâm, cái tình đáng quý của người cầm bút, được độc giả đón nhận, yêu mến”. Trong nhiều truyện ngắn, thể hiện rõ tính cổ truyền của phong tục tập quán, khéo léo giới thiệu những làn điệu "iếu” - hình thức hát đối đáp giao duyên của người Tày cùng những lời hát dân gian, những lời khấn trong nghi lễ cúng tế, Nông Quang Khiêm thường kèm theo song ngữ tiếng Tày. 

Nhà văn cũng dùng nhiều đại từ nhân xưng bằng tiếng dân tộc trong tác phẩm đã gợi một không khí rất quê hương, bản xứ, bản sắc văn hóa dân tộc rất đậm đà. Tất cả đều thể hiện niềm tự hào của anh về bản sắc văn hóa, về vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc Tày. Ngôn ngữ dân tộc Tày qua cách sử dụng, cách giới thiệu của anh đã làm đẹp thêm bản sắc văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc Tày ở Xuân Lai, Yên Bình, Yên Bái - một trong những yếu tố quan trọng "định vị” dân tộc Tày trong cộng đồng 54 dân tộc sinh sống trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam.

Năm 2023, trong Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT của tỉnh Hưng Yên, nhà văn Nông Quang Khiêm có bài thơ "Cây cỏ và hoa” được chọn làm ngữ liệu phần đọc hiểu bài thi môn Ngữ văn. "Cây sinh ra cây/ cỏ sinh ra cỏ/ dù là cây/ dù là cỏ/ hết một đời cũng dâng một lần hoa” mang ý nghĩa về sự dâng hiến của cây cỏ trong thiên nhiên cùng liên tưởng về khát vọng cống hiến của mỗi người với cộng đồng, của mỗi công dân với xã hội. 

Hay như niềm cảm thông với một vật vô tri vô giác là bù nhìn được nhân cách hóa mang tinh thần, ý thức của con người biết hy sinh vì bản làng: "Tôi lớn lên/ Thấy bù nhìn vất vả/ Bản được mùa lúa/ Bản được mùa ngô/ Người người no ấm/ Chỉ riêng bù nhìn áo rách…/ Có phải bù nhìn thương bản ta còn khó”. Thơ của Nông Quang Khiêm là thơ tự do. Nét đặc sắc trong thơ tự do của anh là có cả vần điệu và nhạc điệu. Khi ngôn từ cất lên, vần điệu và nhạc điệu hòa quyện nên thật sự dễ thu hút người nghe, người đọc cũng như khả năng tiếp nhận thông tin của người nghe, người đọc trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ngôn từ chỉ đơn thuần là ngôn từ, là cái vỏ hình thức bên ngoài nếu không chứa đựng giá trị về nội dung, tư tưởng. 


Các tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nông Quang Khiêm

Nông Quang Khiêm đã nhạy cảm, tinh tế đưa vào sâu trong ngôn từ là tình yêu quê hương, là phong tục tập quán, là văn hóa dân tộc, là giá trị nhân văn, là chân - thiện - mỹ, là tính giáo dục… Những bài thơ, tập thơ viết bằng cả hai thứ tiếng Kinh và Tày của anh giống như tình yêu của mỗi người con dành cho cha, cho mẹ của mình: yêu thương, tự hào, trân trọng. Tình yêu thương, niềm tự hào và sự trân trọng này có lẽ giống như sự tri ân của Nông Quang Khiêm đối với cuộc đời đã cho anh may mắn được nuôi dưỡng tâm hồn, ý thức cộng đồng và tinh thần dân tộc bằng bản sắc văn hóa dân tộc Tày và dân tộc Kinh.

Công tác tại Hội Liên hiệp VHNt tỉnh Yên Bái, làm thơ, viết văn và làm báo, Nông Quang Khiêm cho rằng những công việc thường ngày đã giúp anh cân bằng trong hoạt động sáng tạo tác phẩm. Nghề báo cho anh cơ hội tiếp xúc với nhiều con người trong xã hội, cơ hội tiếp cận nhiều vấn đề, nhất là giữ cho mình không quá bay bổng, không quá lãng mạn mà xa rời hiện thực cuộc sống. Sáng tạo văn chương cần phải có vốn sống và vốn từ. 

Cuộc sống chính là môi trường lý tưởng để anh tích lũy, bồi đắp kiến thức, hiểu biết. Là người sáng tạo văn chương, anh coi trọng và luôn luôn tư duy để không lặp lại về mô típ, về ngôn từ. Trong những truyện ngắn của mình, nhà văn đã phản ánh những góc khuất, góp thêm tiếng nói để cảnh tỉnh cũng như khơi dậy những điều tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi việc làm cụ thể. 

Dù tốt hay chưa tốt, qua cách chuyển tải thông điệp của nhà văn Nông Quang Khiêm, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, chia sẻ, cảm thông, bởi theo anh: "Có cách chuyển tải thông điệp phù hợp sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”. 25 năm sáng tác văn chương, nhà văn Nông Quang Khiêm đã xuất bản 9 tập truyện thiếu nhi, truyện ngắn, bút ký, tập thơ. Quan điểm của anh là "Đối với bản sắc văn hóa dân tộc, phải vừa "giữ” vừa "khoe” để ngày càng có nhiều người biết, yêu và trân trọng. Đó cũng chính là trách nhiệm của người sáng tạo văn chương”. 

Năm 2019, nhà văn Nông Quang Khiêm được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Năm 2020, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những giải thưởng ngày càng nhiều theo thời gian dành cho các tác phẩm của nhà văn Nông Quang Khiêm là sự ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và thành tựu trong hoạt động sáng tạo văn chương. Có lẽ, có một điều quan trọng hơn đối với anh: được sáng tạo, được cống hiến, được góp sức xây dựng những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

Tựa "Giọt núi”, như "Cây cỏ và hoa”… anh dâng tặng sức sống trẻ trung, mãnh liệt cho dòng chảy văn chương dân tộc miền núi. Khai thác, thể hiện và giữ gìn, làm giàu có thêm và phát huy giá trị, quảng bá nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Tày đã khẳng định sâu sắc thái độ, trách nhiệm, hành động, tình yêu quê hương, đất nước của nhà văn Nông Quang Khiêm. 

Ký của Nguyễn Thơm

Tags Nông Quang Khiêm cây bút mạch nguồn văn hóa Tày

Các tin khác
Lễ Công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Khai mạc Festival trình diễn khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái vừa có Văn bản số 1044/VHTTDL-VP về đăng tải thông tin danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ ba, năm 2024.

Giọng ca trẻ Đặng Ngọc Anh.

Nữ sinh 20 tuổi Đặng Ngọc Anh vừa xuất sắc giành giải Vàng tại Asia Arts Festival 2024 - Liên hoan Nghệ thuật châu Á 2024.

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải ngày nay.

Ban tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” thông báo, chương trình dự kiến diễn ra vào tối 19/7 tại Kỳ đài bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương tỉnh Quảng Trị sẽ được hoãn vì lý do kỹ thuật.

Phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ nhận bàn giao tủ sách cộng đồng.

Thư viện tỉnh Yên Bái vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ bàn giao 3 tủ sách học tập cộng đồng cho 3 phường trên địa bàn thị xã là: Cầu Thia, Trung Tâm, Pú Trạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục