Nông Quang Khiêm và khát vọng tuổi thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/5/2013 | 9:27:48 AM

YBĐT - Nhà thơ Nông Quang Khiêm dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, Yên Bái. Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Anh đã xuất bản 2 tập sách viết về thiếu nhi: "Cánh diều tuổi thơ" và "Rừng Pha Mơ yêu dấu".

“Cánh diều tuổi thơ” - tập thơ dành cho trẻ em của Nông Quang Khiêm.
“Cánh diều tuổi thơ” - tập thơ dành cho trẻ em của Nông Quang Khiêm.

Mỗi người có một miền quê riêng, đầy ắp những kỷ niệm sâu nặng trong đời. Nông Quang Khiêm may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu văn hóa dân gian, yêu văn học nghệ thuật. Ông nội của Khiêm là Nông Văn Tư, là người hiểu biết sâu sắc về nguồn cội văn hóa dân gian dân tộc Tày.

Nhà văn Hoàng Hạc với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về đất nước, con người các dân tộc miền Tây Bắc, viết về người dân vùng hồ đã hy sinh cả mảnh đất máu thịt để nhường chỗ xây dựng nhà máy Thủy điện Thác Bà - chiếc nôi đầu đàn của ngành Thủy điện Việt Nam… là ông ngoại của Khiêm. Đặc biệt, lớn lên trong chiếc nôi văn hóa, từ thủa ấu thơ, tâm hồn anh thấm những lời hát ru ngọt ngào, đượm tình, đượm nghĩa của người mẹ: "á ư ứ em ngủ ngon, ngủ say để mẹ lên rừng lấy bí, mẹ xuống ruộng bắt con muồm muỗm…".

Tác giả Nông Quang Khiêm.

 Từ những lời ru đi suốt thời thơ ấu, đến những làn điệu hát khắp, hát coọi, hát lượn, hát phong sư, hát pựt… như cây lúa bắt đầu tách mầm, xanh nhánh, trổ đòng rồi trĩu hạt, như dòng sông, từng hạt, từng hạt lặng lẽ âm thầm tích mật phù sa..., Nông Quang Khiêm đã gửi gắm tâm hồn tuổi thơ, gửi gắm tình yêu thương con người, tình quê hương làng bản, khát vọng của trẻ em miền núi qua: "Ngọn gió", "Con đường", "Tiếng rao", qua "Gian nhà của bà", qua "Chiếc gùi của mẹ", qua "Biển mây". Chỉ "Lùa trâu ra đồng cỏ", Nông Quang Khiêm đã mở ra cả khoảng trời tuổi thơ rộn ràng, náo nức, đầy thi vị: "Nắng thơm vào tóc em/ Tiếng mõ khua vang rền/ Lùa trâu ra đồng cỏ/ Sẽ gặp toàn trẻ con/ Cả khung trời náo nức/ Bước nhanh nào trâu ơi…".

Tuổi thơ ngập tràn niềm vui không chỉ bởi sự hiếu động vốn có của các em mà có được niềm vui ấy còn ở sự nhạy cảm của người cầm bút, sự phát hiện, sự hòa nhập với thế giới, sự rung cảm của con người trước cuộc đời. Nhà thơ trẻ Nông Quang Khiêm đã có được sự rung ngân ấy: "Ai hát câu Sli/ Mây sà xuống mơ màng thung vắng/ Núi hóa tần ngần/ Đứng lặng/ Chim đậu vườn nhà hát vui".

Từng cung bậc của bài thơ thú vị, bất ngờ: "Gió mải miết cõng mùa xuân đi qua/ Gặp câu Sli ngập ngừng không muốn bước/ Để hương rơi/ rơi/ Câu hát Sli/ Sao trời không muốn ngủ". Không chỉ có sự kế thừa về tình yêu văn chương của tổ tiên, Nông Quang Khiêm vừa có cái nhìn trong trẻo của tuổi thơ, lại vừa có sự hóm hỉnh, "già dặn" của người đời. Phải chăng đó chính là thông điệp mà anh muốn gửi gắm tới mọi người: Giữ được câu hát Sli chính là giữ lấy hồn làng, vía núi, giữ được tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc? Và chúng ta cũng không hề ngạc nhiên khi nhà thơ Nông Quang Khiêm đã  sớm hòa nhập vào thế giới tuổi thơ ngay từ nhỏ. Các trò chơi dân gian quen thuộc như: chơi trận giả, cà kheo, chơi đáo, chơi ú tim… đã đánh thức trong anh những niềm vui bất ngờ và thi hứng sáng tác.

Năm 13 tuổi, Nông Quang Khiêm đã viết những bài thơ bằng tiếng Tày. Anh bảo rằng, hồi đó viết để chơi, hứng lên thì viết, viết về người thân, viết về người hàng xóm: "Ngừ ngừ Sù Luôn/ Hay khuân Khoa Đường/ Hay chướng áo Tuyên/ Hay khuyên Vì Sự/ Tư lự bà Bài…". Năm 14 tuổi, anh đã cho ra mắt bạn đọc bài thơ "Trách xuân" giầu chất nhân văn (Báo Yên Bái): "Ôi Xuân đến đất trời trẻ lại/ Lá vẫy chim ca rộn ấm lòng/ Mùa xuân đến bao điều mới lạ/ Cho tiếng cười vui mãi tiếng ca/ Xuân cho nhiều sao không cho cả/ Cứ nhăn nheo khuôn mặt ông bà/ Mùa xuân trẻ sao đời không trẻ/ Cứ bạc hoài mái tóc mẹ cha".

Giờ đây, 29 tuổi, cái tuổi đầy nhiệt huyết và khát vọng, anh đã có 15 năm cầm bút. Anh viết say mê, háo hức. Đan xen những bài thơ, niềm vui, niềm tin yên, sự khát vọng của tuổi thơ, Nông Quang Khiêm đã sáng tác nhiều truyện ngắn: "Vích", "Giấc mơ hoá rồng", "Rừng Pha Mơ yêu dấu", "Kỷ niệm ngày về", "Đôi bạn", "Con khỉ cụt tay", "Con căng lạc đàn"…

Quan sát khá tinh tế thế giới động vật, những con vật gần gũi với núi rừng như: con vích, con căng, con khỉ… đều trở thành những câu chuyện vừa thực vừa pha chút dân gian, lắng đọng nhân tình thế thái. Trong thơ và văn xuôi của Nông Quang Khiêm không chỉ nói lên ước vọng của trẻ em miền núi ở những miền quê nghèo mà dường như những trang viết của anh đã cháy lên khát khao được yêu thương, được che chở, được sống trong thế giới hòa bình của trẻ em trên trái đất.

Ngoài "Cánh diều tuổi thơ" Nông Quang Khiêm đã có trên 100 bài thơ viết bằng hai thứ tiếng Kinh và Tày. Ngôn ngữ thơ giản dị, nội dung giầu tình yêu thương ông bà, yêu thương con người, yêu thương làng bản và những khát khao của tuổi thơ: "Bay cao diều nhé/ Sợi chỉ mong manh/ Nối bầu trời xanh/ Với bàn tay nhỏ/ Ngân lên khúc nhạc/ Diều gặp gió trời/ Bao nhiêu mơ ước/ Hát lên với đời". Các bài: "Lau", "Biển mây",  "Chiều tối mùa ngô", "Con ơi", "Lên nương", " Bù nhìn"…  đã để lại ấn tượng khá sâu trong lòng bạn đọc.

Cùng với mạch đập của thời gian, với sự say mê sáng tạo, nhà thơ trẻ Nông Quang Khiêm sẽ cho ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 tập truyện thiếu nhi "Những ánh sao xanh", các truyện ngắn: "Túp và Mốc"; "Đò ơi"; "Hai lần"; "Sau những viên đá quí"… là những câu chuyện cảm động, chứa nhiều tâm tình nhắn gửi, đợi chờ và cả những giấc mơ…

Trần Thị Nương

Các tin khác
Một bộ đàn đá. Ảnh minh họa. (Nguồn: cinet.gov.vn)

Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa đậm bản sắc của dân tộc M’Nông khiến niềm say mê văn hóa dân gian M'nông, trong đó có đàn đá ăn sâu vào Phạm Văn Phương.

Ngày 29/5, Bưu điện Hoàng gia Anh đã phát hành bộ tem nhân dịp kỷ niệm 60 năm lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức long trọng vào ngày 4/6.

“A World Not Ours”, phim của Li-băng tham gia LHP.

Chân dung về cuộc sống gia dình của một gia đình lưu vong người Palestine trong trại tị nạn cùng với những nghi thức trong một nhóm người dân tộc ở Nga, là những thước phim tiêu biểu trong số 146 bộ phim tham gia LHP quốc tế Edinburgh năm nay.

Phần thi trang phục truyền thống đêm 30-5 tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tối 30-5, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3-2013 công bố 39 thí sinh phía Nam lọt vào chung kết toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục