Sau 4 ngày tranh tài sôi nổi (từ 9-12/8), gần 100 nghệ sĩ, diễn viên tham gia cuộc thi đến từ 4 đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cống hiến cho khán giả 20 tiết mục xiếc đặc sắc, hấp dẫn.
Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Cuộc thi đã cho thấy sự trưởng thành rõ rệt của đội ngũ diễn viên xiếc trẻ. Phần lớn các tiết mục được dàn dựng kỹ càng, chỉn chu, có sự đầu tư cả về nghệ thuật, kỹ thuật và kỹ năng biểu diễn, cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các diễn viên xiếc.
"Trong sự khó khăn của cuộc sống hôm nay, số lượng các đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp không nhiều, nay lại đang đứng trước hiện thực ngày một giảm sút hơn, đòi hỏi các đơn vị cùng các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giữ được diễn viên trẻ yên tâm làm nghề và phát triển tài năng” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật cuộc thi, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: So với kỳ thi trước, chất lượng cuộc thi lần này được nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với sự sáng tạo trong trình diễn, có nhiều tiềm năng hứa hẹn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cuộc thi đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú, tiêu biểu như: Đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước”, Đu quăng lưới bật đạp người "Đối lập", Dạy thú tổng hợp "Phiên chợ Ba Tư” của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Đế trụ trên đu, Vòng xoay mạo hiểm đôi, Anh nuôi vui tính của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Nhiều tiết mục đã thể hiện được những sáng tạo trong dàn dựng, như: Dây lụa "Nỗi oan Thị Kính” (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), Dây da đôi (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội), Tung hứng tập thể, Hình tượng 4 nam (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam)… Các nghệ sĩ tham gia đã được nâng cao nhiều về kỹ thuật và nghệ thuật, phong thái biểu diễn.
Tuy nhiên, Hội đồng Giám khảo cho rằng cũng vẫn còn một số tiết mục chưa có tìm tòi sáng tạo mới, kỹ thuật chưa cao, không thể hiện được hết năng lực của diễn viên, đòi hỏi các nghệ sĩ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp.
Chung cuộc, Ban tổ chức trao 3 giải Nhất cho các tiết mục: Đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước" (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Vòng xoay đôi "Vũ điệu không gian" (Đoàn Xiếc đương đại-Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Quay thảm đứng tay (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam).
Năm giải Nhì dành cho các tiết mục: Đu quăng lưới bật đạp người "Đối lập" (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Dây lụa "Nỗi oan Thị Kính" (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); Dây da đôi nam nữ "Giấc mơ tình yêu" (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội); Đế trụ trên đu (Đoàn Xiếc dân gian-Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Xiếc thú tổng hợp "Anh Nuôi vui tính" (Đoàn Nuôi dạy thú-Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
Ban tổ chức cũng trao 1 giải Đạo diễn Xuất sắc dành cho Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và 1 giải Huấn luyện Xuất sắc dành cho nghệ sĩ Trần Đức Vĩnh (Đoàn Xiếc đương đại-Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
(Theo NDO)