Yên Bái: Đánh thức giá trị của những trò chơi dân gian

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2024 | 6:10:47 PM

YênBái - Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mỗi vùng đất, mỗi bản làng tại Yên Bái còn đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong số đó, các trò chơi dân gian mang trong mình những câu chuyện, tri thức và bản sắc văn hóa phong phú.

Thanh thiếu niên chơi trò ô ăn quan trong lễ hội.
Thanh thiếu niên chơi trò ô ăn quan trong lễ hội.

Trò chơi dân gian của các DTTS ở Yên Bái không chỉ đơn thuần là hình thức giải trí mà còn thể hiện bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và tri thức của người dân nơi đây. Mỗi trò chơi đều mang những ý nghĩa sâu sắc, phản ánh đời sống sinh hoạt, tâm tư và nguyện vọng của cộng đồng. 

Chẳng hạn, trò chơi ném còn của người Thái không chỉ là một hoạt động vui chơi mà còn thể hiện sự khéo léo, tinh thần đoàn kết và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Trò chơi này thường được tổ chức trong các dịp lễ hội, tạo nên không khí vui tươi và ấm cúng. Trò chơi đánh quay thường rất thu hút người xem trong mỗi lễ hội của người Mông. Trò chơi giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt. Ném pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông ở Yên Bái. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ Mông. 

Những quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ từ các mảnh vải lanh làm thành. Bên trong quả pao được nhồi hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. 

Hay trò bắn nỏ của người Mông cũng rất có sức hút. Nỏ được coi là vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ nam giới mà nữ giới người Mông cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao ngang ngửa nam giới. Vì thế, trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng, đều có đông đảo nam nữ tham gia. 

Môn bắn nỏ thể hiện sự nhanh nhẹn, dẻo dai thì môn đua ngựa lại cần phải có một bản lĩnh tốt, cứng rắn để có thể điều khiển được những con ngựa trên đường đua. Trò đua ngựa thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt. Một trò chơi khác được đồng bào các DTTS tổ chức mỗi độ tết đến, xuân về hay làng bản có hội hè, người dân lại tổ chức trò chơi này để gây tiếng cười, quên đi những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống, đó là đi cà kheo. Trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay… Mỗi dân tộc đều có những trò chơi dân gian hấp dẫn, nhiều trò chơi dân gian đã trở thành các môn thể thao thi đấu như đua ngựa, bắn nỏ... 

Những năm qua, để bảo tồn các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như khuyến khích truyền dạy cho thế hệ trẻ, đưa vào chương trình ngoại khóa trong các trường học, phục hồi một số trò chơi đang bị mai một và tổ chức trong các lễ hội… đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ trong nhân dân. Việc đánh thức giá trị của các trò chơi dân gian không chỉ có lợi cho văn hóa mà còn tạo ra những giá trị kinh tế bền vững. 

Các trò chơi này có thể trở thành một phần quan trọng trong các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với Yên Bái. Thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức giải đua ngựa, với trường đua được du khách đánh giá một trong những trường đua đẹp nhất vùng Tây Bắc; huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu thường niên tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc của huyện. 

Trong đó, chủ yếu là các môn thể thao truyền thống và nhiều trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ trong nhân dân, thu hút, tạo sự thích thú với du khách. Các homestay của các địa phương bên cạnh tổ chức các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc của người dân bản địa thì thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian… Du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng Yên Bái mà còn tham gia vào các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian. 

Chị Thùy Mia - một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất thích đến Yên Bái vào mùa lễ hội vì tôi thích không khí vui nhộn với không gian nhiều màu sắc, đặc biệt được tham gia vào trò chơi dân gian, tôi thích đi cà kheo - một trải nghiệm văn hóa đáng nhớ. Tôi thích không khí thân thiện và sự nhiệt tình của người dân nơi đây". Việc bảo tồn các trò chơi dân gian truyền thống các DTTS trong tỉnh không chỉ là gìn giữ văn hóa mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho người dân. Ngoài ra, việc phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. 

Tuy nhiên, hoạt động thu hút, hấp dẫn du khách khi đến với các điểm du lịch thông qua các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc hiện vẫn còn rất ít ỏi. Việc "đánh thức” những giá trị những trò chơi dân gian của các DTTS ở Yên Bái là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế. Những trò chơi này không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ, biến Yên Bái thành một điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách.

Thanh Vy

Tags Yên Bái trò chơi dân gian

Các tin khác

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký Quyết định số 3097/QĐ - BTNMT về việc tổ chức Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII. Thời gian nhận tác phẩm tham dự giải đến hết ngày 31/10/2024.

Phụ nữ Dao Tiền ở Bản Sưng (Hoà Bình) tự tay nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Ảnh tư liệu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch và dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi n

Bộ phim Đào, phở và piano sẽ được phát sóng vào 21h20 ngày 13/10 trên kênh VTV1.

"Lịch sử Việt Nam bằng hình" - cuốn sách công phu với gần 2.000 tranh ảnh và bản đồ đã chính thức ra mắt độc giả tại Hà Nội, mang nhiều trải nghiệm với bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục