Đối với tộc người Thái ở vùng lòng chảo Mường Lò, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã trở thành lệ và được coi là trách nhiệm của mỗi cư dân Thái bao đời nay.
Lễ "Xên đông”, còn gọi là Lễ Cúng rừng, là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị tinh thần to lớn, mang ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, điều hòa nguồn nước và giữ cân bằng sinh thái, hướng tới một môi trường sống xanh, hài hòa, bền vững.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ "Xên đông” của người Thái Nghĩa Lộ mới đây được đưa vào Danh mục
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2319/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trở thành niềm tự hào và mở ra cơ hội để bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái được gìn giữ, phát huy và là tiền đề vững chắc để người dân địa phương thu hút khách du lịch.
Ông Hà Văn Điền - một thầy mo chính trong lễ "Xên đông” hiện nay cho biết: "Rừng với người Thái có ý nghĩa như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống. Từ đời này sang đời khác, người Thái truyền nhau câu ca "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn". Người già vẫn nhắc người trẻ rằng, phải giữ rừng để mó nước luôn tuôn trào, đời đời sinh sôi; nếu không có rừng, muôn loài sẽ bỏ đi. Bởi thế, hàng năm Lễ "Xên đông” được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân để cảm tạ thần rừng và những người đã có công khai phá, giúp đời sống nhân dân bản mường có cuộc sống no đủ, hạnh phúc”.
Rừng như trái tim của cộng đồng thể hiện ở những quy ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống. Chính từ những nhận thức đúng đắn về vai trò của rừng đã đưa đến những cách thức ứng xử hài hòa với rừng của cộng đồng nhằm hướng tới một cuộc sống bình yên, no đủ đã quyết định sự ra đời và tồn tại gần như xuyên suốt của lễ "Xên đông” trong lịch sử tộc người Thái ở vùng đất Mường Lò.
Là người am hiểu văn hóa của tộc người Thái, bản thân đã chứng kiến và nhiều lần tham gia lễ "Xên đông”, bà Hà Thị Đoàn - thôn Bản Mớ, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ vui mừng: Tham dự nghi lễ "Xên đông” giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng hướng tới việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi.
"Chúng tôi rất hạnh phúc, tự hào khi Lễ "Xên đông” được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, mỗi người dân sẽ càng nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản bền vững. Bản thân tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung của tộc người mình” - bà Đoàn nói.
Thành thông lệ, cứ vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, người Thái vùng Mường Lò lại rộn ràng tổ chức lễ "Xên đông” để tạ ơn thần rừng và mở hội vui xuân, với mong muốn một năm cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, giống nòi sinh sôi, vạn vật nảy nở. Địa điểm tổ chức bao giờ cũng là trên rừng, dưới gốc một cây cổ thụ, có khuôn viên rộng.
Để chuẩn bị cho các nghi lễ, từ sáng ngày hôm trước thầy mo và những người giúp đến việc thắp hương tại khu vực gốc cây đa và khấn báo cáo với các thần, xin dọn dẹp, sửa sang, trang trí khu vực tổ chức lễ.
Một cái lán cúng nhỏ tại gốc cây đa ở bản Đường sẽ được dân bản trang trí giấy màu xung quanh với 3 màu chủ đạo để thể hiện những ước mong của cộng đồng. Màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy; màu xanh tượng trưng cho sự bình an, may mắn; màu vàng tượng trưng cho sự thành công, vui vẻ.
Khi công tác chuẩn bị tại khu vực diễn ra nghi lễ chính xong, dân bản sẽ chuẩn bị lễ vật chính gồm: con trâu, bánh chưng, cây mía, áo và vòng bạc của nhà chủ mường. Trâu được buộc vào cột cái, dưới gầm sàn.
Đến giờ đã chọn, thầy mo đến nhà chủ mường thực hiện nghi lễ dưới gầm sàn, xin mang trâu đi mổ, đồng thời mượn áo của chủ mường, vòng tay, vòng cổ bằng bạc của vợ ông chủ mường, vải trắng của nhà chủ mường ra khu rừng thiêng làm lễ.
Tuy nhiên, do những tác động khách quan, lễ Xên Đông cũng có khoảng thời gian không được tổ chức. Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong vùng thì nghi lễ luôn tồn tại trong cộng đồng cho đến năm 1948 (đây là lần cuối cùng được tổ chức tại bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn trước khi mai một).
Đến năm 2004, lễ Xên đông được khôi phục và tổ chức tại bản Đường, xã Hạnh Sơn (vì lúc này bản Viềng Công đã không còn cây cổ thụ). Từ đó đến nay, cứ tới ngày 12 tháng Giêng hàng năm, bà con người Thái (nay có cả cộng đồng người Tày, người Mường, người Kinh) vùng Mường Lò lại cùng nhau về bên rừng thiêng, về bên cây đa cổ thụ ở bản Đường, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ để tham dự lễ "Xên đông”.
Khi giờ lành đã đến, tất cả mọi người đều hướng về khu rừng "pu loong” (đồi rồng) - nơi có cây cổ thụ để thực hiện nghi lễ Xên đông. Theo quan niệm của người Thái, gốc cây cổ thụ là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới nên các nghi lễ thường được tổ chức tại đây và nơi này được coi là khu rừng thiêng. Thầy mo chính (mặc áo đỏ) thực hiện các nghi lễ theo cách thức truyền thống của tộc người, thỉnh mời các thần về dự lễ.
Sau khi đã hoàn tất các nghi lễ, các thần đã chứng giám, các thầy đã báo cáo và "trao đổi” công việc của bản mường với các thần, các vị tổ tiên là lúc kết thúc phần lễ tại khu vực rừng thiêng. Tiếp đó mọi người tham dự đều thụ lộc bằng những chén rượu thiêng ngay tại khu vực này. Tất cả tiền giấy, vàng, hương, giấy cắt đặt ở các mâm dâng lễ đều được hóa ngay tại trước lán thờ, trong khu rừng thiêng.
Sau khi hóa vàng, những người giúp việc chia nhau đi cắm "taleo” mắt cáo (là tấm đan bằng nan nứa, theo kỹ thuật cài nan chéo nhau, mỗi ô có 6 cạnh kèm theo 4 vòng tròn trang trí, trên đó có cài một gói giấy nhỏ, bên trong có da và lông trên trán của con trâu tế) ở 4 hướng vào bản, mường nhằm thông báo cho mọi người biết về việc bản mường đang có nghi lễ.
Cũng từ khi cắm "taleo”, mọi người dân không đặt chân lên rừng, không chặt cây, không chăn thả gia súc trên rừng, không khai thác bất cứ sản vật gì từ rừng, thậm chí kiêng sử dụng đồ dùng dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc từ rừng. Sau 3 ngày, dân bản mới được lên rừng chặt cây, lấy củi và sinh hoạt bình thường.
Người Thái vùng Mường Lò quan niệm, thần rừng đã giúp dân bản, cả năm phù hộ, che chở, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân, đây chính là dịp để cho các vị thần nghỉ ngơi và hưởng thụ những công ơn báo đáp của con người. Đây cũng là dịp để đồng bào nghỉ ngơi, vui vẻ, chúc mừng nhau với những thành quả đã đạt được trong một năm miệt mài lao động vất vả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau khi cộng đồng cùng nhau ăn uống vui vẻ là đến phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao vui nhộn. Mọi người có thể xòe, khắp, trình diễn "tính tẩu” ngay trên sàn nhà, ngay trong mâm rượu để cùng chúc nhau và chúc cho bản mường một năm may mắn, khỏe mạnh, bình an, no đủ. Một số nam thanh, nữ tú hòa mình vào các trò chơi dân gian như: ném còn, tó mắc lẹ, kéo co, đẩy gậy, leo cột mỡ, xòe, nhảy sạp…
Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong nghi lễ đã thực sự trở thành một chất keo, tạo nên sự gắn kết đó, giúp mỗi cá nhân hòa mình vào cộng đồng, hướng đến cội nguồn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết cộng đồng, quê hương, quốc gia - dân tộc.
Trong thời gian qua, Lễ "Xên đông” của người Thái Nghĩa Lộ được địa phương tích cực quảng bá, giới thiệu trên nhiều kênh thông tin khác nhau đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu nghiên cứu và trải nghiệm ngày càng đông của du khách. Từ đó không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy, lan tỏa những giá trị của di sản mà còn gửi đi thông điệp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, hướng tới một môi trường sống xanh, hài hòa, bền vững.
Thanh Chi