Giải báo chí Yên Bái năm 2006 - 2007: Một cuộc sống mới luôn cuộn chảy
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giải báo chí Yên Bái năm 2006 - 2007 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà báo và đông đảo bạn viết trong tỉnh. Sự ra đời Đề án Giải báo chí quốc gia do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt và Quy chế xét giải thưởng báo chí Yên Bái do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký ngày 30/5/2007 đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà báo có được những tác phẩm hay, hấp dẫn, xứng đáng với tầm vóc và sự kiện của đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập.
Các tác giả nhận giải báo chí Yên Bái năm 2006 - 2007
|
56 tác phẩm của 50 tác giả tham dự Giải báo chí Yên Bái năm 2006 - 2007 thuộc 4 loại hình: báo viết, báo phát thanh, báo truyền hình, ảnh báo chí đã đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Người đọc cảm nhận một Làng Ro của căn bệnh phong quái ác bị cả cộng đồng xa lánh, cuộc đời người Làng Ro tăm tối tưởng như không có đường ra bỗng vươn mình đứng dậy. Cuộc sống mới đã đến với Làng Ro, con đường của Đảng đã đến với Làng Ro. Câu hỏi để có một Làng Ro đổi thay cùng đất nước, đó chính là công ơn của Đảng đem lại cho cuộc đời của những người dân vùng cao. Tác giả Thanh Hương với một lối viết giống như lời kể không hề khoa trương đã đưa người đọc đến một không gian bình yên như chính những trang viết đầy xúc động của chị về cuộc sống đang đổi thay ở một miền quê xa xôi hẻo lánh.
Dường như có sự trùng hợp ngẫu nhiên của nhiều người cầm bút. Mùa giải này, dấu ấn về những làng quê đã trở nên đậm nét. Phóng sự Nước mắt làng của tác giả Tuấn Anh viết về một vùng đất cách đây không lâu đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng làm tan hoang nhà cửa, nhiều người đã phải ra đi trong cơn ác mộng thủy thần, ngỡ tưởng sau lũ quét cuộc sống sẽ hồi sinh, nhưng sự thật phũ phàng đã đến với vùng đất này từ nhiều năm nay. Nạn ma túy đã từng ngày, từng giờ cướp đi sinh mạng của hàng chục người ở nơi ngã ba kêu cứu ngày nào. Làm thế nào để cứu lấy làng? Câu hỏi đặt ra không chỉ đối với người cầm bút mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhận thức của mỗi người dân.
Trong sự chuyển mình của nông thôn ngày nay, bên cạnh những người nông dân sản xuất giỏi có ý thức vươn lên làm giàu, nhiều người vẫn bị cái đói, cái nghèo rình rập, đeo đẳng. Tác phẩm truyền hình Những người thích nghèo của tác giả Thanh Thủy - Công Thanh đã mạnh dạn phê phán những người nông dân từ lâu đã quen tâm lý trông chờ ỷ lại, lười biếng, vì thế mà cuộc sống quanh năm túng thiếu, con cái không được học hành. Chìa khóa để làm nên sự no ấm không phải đâu xa lạ mà phải từ chính bản thân mình.
Một năm đối với người làm báo không chỉ là những cánh đồng vui, mà còn có biết bao điều gian khó. Hãy đến với những cánh rừng Làng Giàng đang bị lâm tặc tàn phá, mới thấu hiểu nỗi gian truân của những phóng viên truyền hình; lội suối, trèo đèo đã khó nhưng để có những hình ảnh thật sống động, những chi tiết minh chứng cho sự thật thì chẳng dễ dàng gì. Tác giả Ngọc Sơn - Trung Dũng với những thước phim ghi lại hàng đoàn người ngày đêm phá rừng một cách bừa bãi ở một vùng đất giáp ranh huyện Văn Yên không chỉ là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những kẻ coi thường luật pháp, mà còn là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Cuộc cách mạng xanh đến với nông thôn miền núi không phải lúc nào cũng thành công. Nhiều khi có chủ trương đúng nhưng cách làm sai đã dẫn đến hậu quả xấu gây thiệt hại về tiền và công sức của nhân dân. Tác phẩm Chuyện ở vùng dứa của Nguyễn Giang đi sâu phân tích khá thấu đáo về tình trạng nông dân Văn Yên bỏ dứa. Bài viết đã góp phần giúp cho những nhà quản lý có biện pháp tốt hơn trong việc áp dụng những chính sách mới hỗ trợ nông dân.
Trong phóng sự cũng như một số thể loại báo chí, "cái tôi của chủ thể" - những suy nghĩ, chiêm nghiệm và quan điểm của người viết trước diễn biến của sự kiện, sự việc, có ý nghĩa rất lớn tạo nên sự thành công của bài báo. Tác phẩm: Xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên mập mờ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho nhân dân của tác giả Ngọc Sơn - Trung Dũng đã tìm ra những chứng cứ để nói lên sự thật diễn ra ở một xã chỉ cách trung tâm thành phố Yên Bái hơn 10 cây số, vẫn xuất hiện tình trạng lãnh đạo xã lừa dân để lấy không tiền đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước. Cái sai không thuộc về những người không hiểu luật pháp mà lại rơi vào chính những người cầm giữ cán cân luật pháp để thực thi công vụ.
Giải báo chí Yên Bái lần này, sự xuất hiện tác giả Minh Thúy - Thanh Tân trong loại hình internet ca ngợi những con người thật bình dị ở làng quê xa xôi tưởng như ít ai biết đến. Cậu bé Hà Hoài Nam mới 14 tuổi ở xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên sáng chế ra chiếc máy chế biến sắn đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi sáng tạo do Hội Liên hiệp KHKT và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức. Tuổi trẻ sáng tạo chính là niềm tin và hoài vọng của một lớp người mới - đó là thông điệp của một tác phẩm báo chí hướng về tương lai tươi sáng.
Lần đầu tiên, ảnh báo chí có mặt trong mùa giải năm nay đã đem lại ấn tượng khó quên. Phóng sự ảnh: Ai bảo vệ chim én Mường Lò? như một lời nhắn gửi đến với mọi người: hãy bảo vệ tốt môi trường thiên nhiên, thiên nhiên chính là cuộc sống của mỗi con người. Tác phẩm ảnh: Quản lý xe quá khổ, quá tải - lẽ nào lại bó tay? của Minh Đức báo động về tình trạng mất an toàn giao thông đang xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Chưa bao giờ đề tài về giáo dục, đào tạo lại được báo chí Yên Bái tham dự giải với số lượng tác phẩm nhiều như năm nay. Tác phẩm: Khát chữ của Hương Giang - Đỗ Bắc, Về hưu vẫn bị trừ tiền đứng lớp của Thu Hiền, Bất cập sách giáo khoa cho học sinh ở vùng cao của Công Thanh - Đỗ Bắc, Vì sao thành phố cắt giảm phụ cấp đứng lớp của giáo viên? của tác giả Hương Giang đã cho thấy, cuộc vận động "Hai không" của ngành giáo dục - đào tạo đã được các nhà báo vào cuộc và thực sự có tác động xã hội.
Năm tháng và cuộc đời làm báo, mỗi một năm đi qua lại có thêm một mùa gặt mới. Những tác giả quen thuộc: Thế Quynh say sưa với vùng đặc sản nếp tan đã đi vào huyền thoại; Vũ Quý, Thanh Phúc trở lại địa danh Hồng Ca - mảnh đất của cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa, nơi ghi dấu chiến công và phần xương máu của những người làm nên lịch sử; Thành Nam trở lại Vùng đất Ngọc để chia sẻ nỗi niềm trước một vùng thiên nhiên giàu có đang bị tàn phá; Thu Hòa - Ngọc Hà đồng cảm biểu dương những người làm kinh tế giỏi đi đầu trong mô hình nuôi gà ác ở Yên Bái; Đình Tứ trăn trở với một vụ án vi phạm luật tố tụng hình sự; Lê Phiên với Triệu Quốc Đinh - người giàu nhất Yên Bái; Quang Tuấn với niềm vui về một bản no ấm; Đức Tưởng - Đỗ Hoài băn khoăn về một môi trường chưa xanh, sạch, đẹp; Ngọc Tú - Hoàng Nhâm day dứt về một cây cầu quá đát hay một chốn ngàn xanh v.v… Tất cả đã làm cho diện mạo Giải báo chí Yên Bái năm nay trở nên sinh động và phong phú, đó là tiếng nói đa thanh của một cuộc sống mới luôn cuộn chảy trong mỗi con người.
Giải báo chí năm nay, đã có tới 35 tác phẩm đoạt giải, nhiều tên tuổi mới xuất hiện, khá nhiều tác phẩm đã gây được sự chú ý của dư luận. Chỉ có điều, vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm báo chí viết về công tác xây dựng Đảng, về lực lượng vũ trang, về công nghiệp xây dựng và nhiều lĩnh vực khác.
Mặc dù đã làm hết sức mình, khách quan, trung thực trên từng trang viết với từng tác phẩm nhưng cảm giác về một mùa giải năm 2007 vẫn còn canh cánh trong cảm nhận của mỗi thành viên Ban giám khảo. Chất lượng của các tác phẩm khá đồng đều, sự chênh lệch, khoảng cách không xa. Vì vậy, Ban giám khảo và Ban chung khảo phải đứng trước sự lựa chọn hết sức khắt khe để đổi lấy những hạt vàng trong cát.
Báo chí Yên Bái đã thực sự bứt phá để có được một mùa giải thật ý nghĩa trên cánh đồng sáng tạo.
Nguyễn Ngọc Chấn
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945-30/6/2007). Tối 27/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã diễn ra Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc lần thứ IX.
YBĐT - Vừa qua, Phòng Văn hóa thông tin thành phố Yên Bái đã tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục áo dài lần thứ X. 65 tiết mục với 248 diễn viên đến từ các xã phường đã tham gia.
Cũng như các dân tộc anh em, người Mường coi trọng phong thủy nơi ở. Ngạn ngữ có câu: “Thứ nhất dương cơ (nơi ở) thứ nhì mồ mả”. Đây như lời giáo huấn cho các thế hệ mai sau khi chọn nơi ở, khi xây cất nhà cửa.
YBĐT - Sau gần một năm phát động, cuộc thi viết ký, phóng sự lần thứ II (2006 - 2007) trên Báo Yên Bái thường kỳ và truyền hình internet trên Báo Yên Bái điện tử đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của những người làm báo chuyên nghiệp và của các cộng tác viên.