Nhà sàn của người Mường
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2007 | 12:00:00 AM
Cũng như các dân tộc anh em, người Mường coi trọng phong thủy nơi ở. Ngạn ngữ có câu: “Thứ nhất dương cơ (nơi ở) thứ nhì mồ mả”. Đây như lời giáo huấn cho các thế hệ mai sau khi chọn nơi ở, khi xây cất nhà cửa.
Trong tín ngưỡng dân gian, người Mường coi trọng, tôn thờ con rùa như là vật linh thiêng, biểu tượng cho sự sống lâu, sự trường cửu. Vì vậy nhà ở của người Mường khi làm đều được thiết kế, mô phỏng theo hình con rùa: Nhà có 4 cột, tượng trưng cho 4 chân con rùa; mái nhà biểu tượng mái sườn rùa; cây đòn nóc là xương sống rùa; cái cửa chạn ví như đầu rùa.
Về dáng vẻ bề ngoài của nhà sàn gồm có: Nhà có 4 mái. Hai mái trước có hình thang cân, hai mái đầu hồi có hình tam giác cân. Kết cấu nhà sàn truyền thống của người Mường khá độc đáo; nhà có 2 vì kèo, 4 cột cái, 4 cột con, giữa hai đầu cột nối với nhau gọi là quết (xà ngang). Các đòn tay nối các vì kèo với nhau, trên các tay có các hàng rui nối từ nóc nhà xuống cuối mái hiên, trên rui có các hàng mè nằm vuông góc với rui. Trên cùng được đặt một cây gỗ hoặc cây tre tuỳ theo loại nhà gọi là đòn nóc. Nhà ở người Mường lợp bằng cỏ tranh đan thành phên có chiều dài 1,2 - 1,5 mét. Có nơi lợp bằng lá cọ hoặc rơm cũng đan thành phên như tấm tranh.
Nhà sàn của người Mường làm 3 tầng mặt bằng. Tầng trên cùng được làm bằng các thanh cây hoặc tấm đan từ cây vầu, cây nứa khép kín. Tầng này dùng để lương thực như thóc lúa, ngô và đồ dùng gia đình. Tầng 2 có mặt bằng làm bằng ván gỗ hoặc cây bương, cây đều thẳng, bổ nhỏ, mịn trải bằng sạch sẽ. Tầng này dùng làm nơi ăn ở sinh hoạt, tiếp khách.
Giữa tầng đặt bếp lửa. Khi gia chủ có khách đến thăm thường chủ nhà trải chiếu, để ghế gỗ nhỏ để ngồi, tạo không khí ấm cúng. Bếp lửa luôn có than hồng. Ở giữa gian nhà, trên cao giáp mái nhà có bàn thờ tổ tiên. Trong mỗi gian có cửa voóng. Tầng cuối cùng là gầm sàn. Tầng này chứa vật dụng sản xuất, nuôi súc vật (trâu, bò, lợn, gà). Nhà sàn có hai cầu thang.
Cầu thang chính đặt ở đầu hồi bên phải, cạnh chân cầu thang để một âu nước làm bằng cây bương to hoặc vại sành để rửa chân trước khi lên nhà; cầu thang phụ để ở đầu hồi bên trái. Cầu thang này chỉ dùng cho người trong gia đình đi lại khi đi làm về.
Sự thần bí trong xây dựng nhà ở của người Mường được thể hiện rõ nhất là việc lựa chọn ngày, giờ để cất nóc, người cất nóc và sự xếp đặt số lượng các đòn tay, rui, mè sao cho cái cuối cùng nằm ở chữ “sinh”, tránh hai chữ “bệnh, tử” (số 1 là sinh, số 2 là lão, số 3 bệnh, số 4 tử và số 5 trở lại sinh). Như vậy số lượng đòn tay, rui, mè phải là các số: 5, 9, 13, 17...
Hiện nay kinh tế phát triển, trong trào lưu kiên cố hoá nhà ở, nhiều nơi nhà sàn đã “về” xuôi, bản Mường xuất hiện nhiều nhà xây mái ngói, mái bằng cao tầng. Song, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bản Mường với những ngôi nhà sàn truyền thống giữ nguyên bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, đồng bào đã thay đổi một phần cách sử dụng như: dưới gầm nhà không còn nuôi gia súc. Đồng bào đã thực hiện phong trào “ 3 chuồng, 4 hố ”, tầng trên không còn để lương thực, đồ dùng gia đình, giữa nhà không để bếp lửa mà đã có nhà bếp riêng; mái nhà nhiều nơi lợp bằng ngói đỏ, tấm tôn vừa đẹp vừa bền. Nhưng cơ bản về hình dáng, kết cấu vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống - mô phỏng theo hình “ con rùa”.
(Theo Báo Hoà Bình)
Các tin khác
YBĐT - Sau gần một năm phát động, cuộc thi viết ký, phóng sự lần thứ II (2006 - 2007) trên Báo Yên Bái thường kỳ và truyền hình internet trên Báo Yên Bái điện tử đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của những người làm báo chuyên nghiệp và của các cộng tác viên.
YBĐT - Phượng vĩ bắc là một loài lan quý trong chi họ Phượng vĩ (có khoảng 12 loài), được người sành chơi ưa chuộng nuôi trồng hoặc trang trí trong phòng khách bởi những đặc tính quý báu ít loài lan nào có được. Đó là sức sống mãnh liệt, hoa đỏ màu huyết nhung đằm thắm mà không kém phần cao sang và có độ bền lâu nhất trong các loài hoa nói chung và phong lan nói riêng (chừng bốn đến năm tháng).
YBĐT - Với khoảng 600 người, cư trú tập trung tại thôn Nẫu và thôn Nhầy (Châu Quế Thượng, Văn Yên), người Xá Phó (Phù Lá) ở Yên Bái là một trong những tộc người bản địa có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng. Lễ A - ne - pạ - gờ - pá (lễ quét ma làng hay lễ đuổi ma làng) là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc và vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân nơi đây.
YBĐT - Tiếp theo việc tổ chức tốt đợt tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2007), Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh vừa dàn dựng chương trình văn nghệ cổ động với chủ đề "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" và tổ chức thành công đợt biểu diễn tuyên truyền phục vụ thiếu nhi các xã vùng cao huyện Văn Chấn và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6.