Huyện
Yên Bình có 19 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là thành lập và duy trì các đội, CLB VNQC. Đến nay, toàn huyện có 177 đội và 18 CLB VNQC.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Yên Bình đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên các nghệ nhân, các đội, CLB VNQC dàn dựng các chương trình biểu diễn, mua sắm trang thiết bị âm thanh, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, đây cũng là một trong những động lực, nguồn lực để phát triển du lịch....”.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân gian xã Xuân Lai cho biết: "Nhiều năm nay, tôi đã truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi trên địa bàn. Đây là một trong những hoạt động để duy trì, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Dân gian xã Xuân Lai”.
Thời gian qua, môi trường văn hóa cơ sở ở Yên Bái đã từng bước được cải thiện, hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đồng thời phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia.
"Trung tâm Văn hóa tỉnh và hệ thống trung tâm truyền thông và văn hóa cấp cơ sở đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên tạo khí thế sôi nổi, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo sự gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội” - Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cho biết.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.500 đội, CLB VNQC, đây là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Cùng với đó, từ năm 1994 đến nay, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai xây dựng mô hình đội văn nghệ, CLB điểm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tạo điểm nhấn về diện mạo đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: CLB văn nghệ dân vũ, CLB múa sạp của các xã, phường của thành phố Yên Bái; CLB hát dân ca Tày (xã Mường Lai, huyện Lục Yên); mô hình truyền dạy khèn của dân tộc Mông và múa của dân tộc Khơ Mú tại xã Bản Mù, xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu)…
Cùng đó, để nâng cao chất lượng hoạt động VNQC cho hạt nhân VNQC ở cơ sở, hàng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với trung tâm truyền thông và văn hóa các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng xây dựng, dàn dựng chương trình biểu diễn VNQC cho đội ngũ hạt nhân VNQC, nhà văn hóa thôn, bản; giao cho Phòng Nghiệp vụ văn hóa và cổ động của Trung tâm trực tiếp hướng dẫn tập luyện, duy trì hoạt động 8 CLB nghệ thuật trực thuộc Trung tâm.
Bên cạnh các đội, CLB VNQC thuộc khối nông thôn, hoạt động của các đội, CLB VNQC khối doanh nghiệp, công nhân viên chức, tổ chức hội, đoàn thể các cấp cũng phát triển mạnh.
Một tiết mục của Liên đoàn Lao động thành phố Yên Bái tại Liên hoan Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động tỉnh Yên Bái năm 2024.
Một số địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, ngày truyền thống của ngành. Tiêu biểu là ngành giáo dục và đào tạo, ngân hàng, y tế, công an, quân đội, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh…
Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các đội, CLB VNQC không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ của nhân dân mà còn là kênh tuyên truyền hữu hiệu phục vụ nhiệm vụ chính trị; giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp quê hương, bản sắc văn hoá, con người Yên Bái đến công chúng trong nước và du khách quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Đặc biệt, đội ngũ hạt nhân VNQC của các đội, CLB VNQC đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua việc duy trì, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian; trình diễn trang phục truyền thống cũng như tham gia các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hoá các dân tộc… do địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò hoạt động của đội, CLB VNQC tại cơ sở, thời gian tới, Trung tâm Văn hóa tỉnh, trung tâm truyền thông và văn hóa các huyện, thị xã, thành phố sẽ tập tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các hoạt động văn hóa, VNQC, đặc biệt là trong công tác tổ chức và tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa tổ chức tại tỉnh, vùng miền, khu vực và Trung ương.
Phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới hình thức, phương thức hoạt động đa dạng, phong phú, mới mẻ hơn để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; đánh giá đúng thực trạng chất lượng hoạt động của các đội, CLB VNQC tại địa phương. Từ đó, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý để có những giải pháp phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các đội văn nghệ, CLB điểm làm nòng cốt, hạt nhân văn nghệ điển hình, tích cực ở từng địa phương để đưa phong trào VNQC phát triển đúng hướng, bền vững và nâng cao chất lượng hoạt động.
Việc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội VNQC, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở Yên Bái đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Thành Trung