Tục cúng vía trâu – tôn vinh sức lao động

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tục cúng vía trâu - Tám khuôn quái là một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Thái Mường Lò, Văn Chấn. Tục lệ này có từ lâu đời và được các thế hệ của người Thái Mường Lò duy trì đến ngày nay.

Một nghi thức trong Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu tại đền Đông Cuông (Yên Bái). Ảnh minh hoạ.
Một nghi thức trong Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu tại đền Đông Cuông (Yên Bái). Ảnh minh hoạ.

Cũng như nhiều dân tộc có cùng phương thức canh tác lúa nước, người Thái Mường Lò dùng trâu làm sức kéo để khai đất, vỡ hoang, cày bừa… Con trâu gắn liền với nhiều mặt đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Thái. Trong sản xuất, con trâu là đầu cơ nghiệp. Trong lễ Xên bản - Xên mường, tức cúng bản cúng mường, trâu là lễ vật không thể thiếu.

Trong các đám ma đưa tiễn hồn người quá cố về mường trời, trâu là lễ vật không chỉ mang ý nghĩa vật chất đơn thuần mà còn là tư liệu sản xuất cho hồn người có điều kiện sống tiếp ở một thế giới khác. Ngày nay, dưới chân dòng thác Nặm tốc tát thuộc xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn vẫn còn bãi đá thiêng gọi là Đông quái hà - tức là rừng trâu chết, tương truyền đó là phần xác của những con trâu dùng làm vật tế trong các đám ma của người Thái Đen hóa thành, còn phần hồn đã cùng chủ lên mường trời.

Trên nóc nhà người Thái Đen có biểu tượng khau cút là hình hai thanh gỗ đóng chéo nhau hình chữ X mà một trong những ý nghĩa chính là cặp sừng trâu cách điệu. Con trâu đồng hành với người Thái Mường Lò từ thế giới này sang thế giới khác.

Lễ cúng vía trâu được tổ chức trọng thể vào sáng sớm tết Xíp xí, tức 14 tháng 7 âm lịch. Đây là tết rất quan trọng của người Thái. Ngày xưa, người Thái chỉ cấy một vụ. Xíp xí là lúc đã cấy xong, trâu đã giúp người hoàn thành một vụ cày bừa vất vả, cần được nghỉ ngơi, chăm bẵm để có sức cho vụ tới.

Sáng sớm, trẻ em đưa trâu đi tắm rửa sạch sẽ. Người nhà chuẩn bị một mâm lễ vật gồm có: một con gà nhỏ luộc chín, một bát cơm, một bát gạo, một đĩa muối, nến, hương, có bao nhiêu trâu thì rót bấy nhiêu chén rượu. Nhà có điều kiện mời bà mo - một nhính, còn lại do chủ nhà tự tổ chức. Bà mo khấn rằng: Trời làm nên con trâu/ Trâu cái đen đến trước/ Trâu cái trắng đến sau/ Trâu mộng trâu đực đen/ Trâu quế, trâu cái trắng.

Lời khấn chân thành, mộc mạc như nói lên một tất yếu ngẫu nhiên, nhưng mang một ý nghĩa sâu xa: kiếp trâu vất vả là do trời sinh, mong trâu có sự thông cảm với người. Người cũng dành tình cảm đặc biệt với trâu cái, bởi trâu cái còn có thiên chức sinh sản, nuôi con để có đàn trâu đông đúc giúp người.

Tiếp theo lời khấn kể về nỗi vất vả của trâu: Mưa rơi mày xuống cày ruộng mạ/ Sấm sét mày xuống bừa ruộng sâu. Người luôn yêu quý trâu. Song có lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được như ý: Trâu ơi xuống ruộng nhé/ Nhưng nếu không ngoan ngoãn/ Vai cày ta đeo vào cổ/ Cây cong ta đeo vào gáy/ Mang vai cày xuống thửa dưới/ Mang cây cong đến thửa trên/ Cây ngắn ta nện, cây dài ta đập/ Bùn đất đầy mông, đầy chân đầy cổ/ Mang nặng quá ngã lăn xuống bùn. Việc làm ấy của người dù là bất đắc dĩ, ngoài ý muốn thì cũng Làm sai vía trâu non đang vực/ Sai vía trâu làm trâu bực bội.

Bản chất con người vốn lương thiện, cảm thông cho nỗi vất vả của trâu đã bầu bạn, vất vả cùng người một nắng hai sương, nên khi biết làm trái ý trâu nhiều lắm đã hối hận: Bởi vậy mới mang con gà to đến mổ/ Đem con gà lớn đến để đền ơn/ Sai ý trâu có gà to đến hầu/ Trái ý trâu có gà lớn đến báo đáp.
Không chỉ vậy, người chân thành mời trâu hưởng những thành quả lao động trâu đã giúp người làm nên: Mời vía của trâu/ Mời trâu ăn nhé/… Rượu cái ăn rất ngọt/ Rượu nấu uống rất ngon/… Ăn cơm ruộng thơm dẻo trắng nõn/ Ăn cơm gạo sạch sẽ trắng ngần/… Nhờ có công mày đã cày bừa cho người được ăn cơm/ Mới được thóc ngàn gánh về kho/ Mới có lúa mang về đầy bịch/ Cả gia đình vợ chồng, con cái đều được ăn nhờ vào đó/ Có miếng cơm trắng ngon no đủ gia đình mới được ấm cúng trâu ơi !

Khấn xong, bà mo đổ rượu, xoa muối vào mồm trâu, rồi bón cơm, thịt gà, cỏ non cho trâu cái trước rồi mới bón cho các con trâu khác. Lúc này, mỗi người đều bón cho trâu cỏ, cơm, gà, vỗ về trâu; trẻ em trèo lên lưng trâu vuốt ve âu yếm. Người lớn gói xôi, thịt gà để trẻ em mang trâu ra đồng chăn. Mọi người lên nhà làm lễ cúng tổ tiên, ăn uống vui vẻ và đi chơi thăm thú họ hàng, bè bạn. Ngày hôm sau, ở những nơi không có bãi chăn thả, mọi người mang trâu đi gửi trên các bản người Mông, Dao.

Lễ cúng vía trâu của người Thái Mường Lò mang đậm dấu ấn văn hóa của một nền văn minh lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc. Người Thái có câu: Thóc lúa đặt ngôi trên. Lễ cúng vía trâu vào ngày tết lớn không chỉ coi trọng công sức của trâu đã vất vả nhọc nhằn giúp người có được thực phẩm quý hơn cả vàng ngọc, mà còn có ý nghĩa tôn vinh công sức lao động nói chung, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Trần Vân Hạc

Các tin khác

Tục búi tóc (tằng cẩu) ở nhóm người Thái đen đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của họ, có lẽ vậy mà các thế hệ cháu con người Thái dù ở thời đại nào vẫn giữ được bản sắc riêng có của mình.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao giải cho các thí sinh đoạt giải tại đêm chung kết.

YBĐT - Tối 5/8/2007, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tổ chức đêm chung kết tiếng hát Phát thanh - Truyền hình tỉnh lần thứ V.

YBĐT- Đến Văn Yên(Yên Bái) đi đâu cũng gặp quế- một loài cây đã gắn bó với đời sống thường ngày của người dân. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà cây quế không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao Văn Yên.

(Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Trong các sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông Si ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), lễ cúng họ Zù xu thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục