Bản quyền lễ hội được hiểu là quyền sở hữu trí tuệ đối với các hoạt động, hình thức thể hiện của lễ hội, bao gồm âm nhạc, điệu múa, trang phục, nghi lễ và các yếu tố khác liên quan đến lễ hội. Việc đăng ký và bảo vệ bản quyền lễ hội không chỉ giúp cộng đồng sở hữu di sản của mình mà còn ngăn chặn việc sao chép, lợi dụng trái phép các yếu tố văn hóa đặc trưng.
Thiết lập bản quyền cho lễ hội đòi hỏi một quy trình rõ ràng, bao gồm việc xác định quyền sở hữu, đăng ký bản quyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa mà còn khuyến khích họ tham gia vào việc bảo tồn và phát huy di sản đó.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú với hàng ngàn lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, nhiều lễ hội đang bị ảnh hưởng bởi quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa, dẫn đến việc mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai cũng tạo ra thách thức lớn cho việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Một số lễ hội đã bị biến tướng, mất đi bản sắc ban đầu do sự thương mại hóa thái quá. Hơn nữa, việc thiếu kiến thức và hiểu biết về bản quyền văn hóa trong cộng đồng cũng khiến cho các lễ hội dễ bị sao chép và lợi dụng mà không có sự đồng ý của những chủ sở hữu. Vì vậy, vấn đề bản quyền lễ hội được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Yên Bái có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại như Xòe Thái cùng với đó là nhiều di sản được cấp bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong đó có nhiều tiết lễ, hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đặc biệt, các lễ hội như: Lễ hội Xên đông, Lễ hội Gầu tào, Lễ hội Hoa tớ dày, Lễ hội Khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò… không chỉ là những hoạt động văn hóa tinh thần của người dân mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc của các dân tộc.
Thời gian qua, các lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, bảo vệ và phát huy được những giá trị di sản. Song, đứng trước sự tác động mạnh mẽ của hiện đại hóa và toàn cầu hóa, tỉnh xác định song song với công tác phục hồi, gìn giữ, xây dựng tổ chức các lễ hội thì đặc biệt quan tâm tới việc xác định bản quyền các lễ hội nhằm bảo vệ các giá trị di sản trong các lễ hội, bảo vệ trí tuệ của cộng đồng thực hành lễ hội, di sản.
Bài học từ nhiều tỉnh, thành trong nước khi việc bảo vệ và bảo tồn các lễ hội, di sản gặp nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng sao chép, lợi dụng các lễ hội để trục lợi khi không có sự đồng ý của cộng đồng cư dân địa phương. Điều này không chỉ làm mất đi tính nguyên bản của lễ hội mà còn gây ảnh hưởng đến nhận thức và sự tôn trọng văn hóa của các thế hệ sau. Việc thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức có liên quan cũng gây khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển các lễ hội.
Thực hiện Kế hoạch số 54 KH-UBND, năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh lập hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả với 4 lễ hội và được Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận: Lễ hội giã bánh dày, Festival Dù lượn "Bay trên miền danh thắng”, Lễ hội mùa vàng, Lễ hội Hoa tớ dày. Việc đăng ký bản quyền cho những lễ hội này không chỉ giúp bảo vệ chúng khỏi sự xâm phạm mà còn tạo cơ hội cho các lễ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Festival Dù lượn Bay trên miền Danh thắng thu hút du khách yêu thích mạo hiểm.
Trong một diễn đàn văn hóa mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành công nghiệp văn hóa có 12 lĩnh vực thì hầu như tất cả các lĩnh vực đều xảy ra nạn xâm phạm bản quyền. Ngay cả đến lĩnh vực "khó ăn cắp” như du lịch văn hóa cũng không tránh khỏi việc bị đạo nhái ý tưởng. Việc không được bảo hộ quyền tác giả "đến nơi đến chốn” không chỉ gây thiệt hại cho nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo mà còn khiến công nghiệp văn hóa chậm phát triển do không thu hút được đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn. Chính Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cũng phải thừa nhận: Nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khi thấy những quy định về bảo hộ bản quyền được thực thi nghiêm túc.
Các lễ hội là một phần quan trọng của du lịch văn hóa, cùng với các trò chơi dân gian truyền thống trong các lễ hội, đây là 2 trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Việc đạo nhái ý tưởng, các hoạt động trong các lễ hội là vô cùng nguy hiểm, bởi các lễ hội đều được xây dựng từ văn hóa truyền thống, nếu không có sự am hiểu sẽ dẫn đến việc bóp méo di sản, hoặc sai lệch về truyền thống… hết sức nguy hại cho sự phát triển của văn hóa. Trong khi văn hóa lại có vai trò vị trí vô cùng quan trọng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.
Có thể thấy, việc đăng ký bản quyền cho các lễ hội mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cộng đồng mà còn cho du lịch tỉnh Yên Bái. Các di sản được bảo vệ khỏi việc bị sao chép và lợi dụng trái phép, từ đó duy trì tính nguyên bản và giá trị văn hóa. Cùng với đó, tăng cường ý thức cộng đồng, người dân sẽ cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của quê hương.
Đặc biệt sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân. Việc có bản quyền cho các lễ hội sẽ tạo cơ hội để xây dựng thương hiệu văn hóa cho tỉnh Yên Bái, từ đó nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên việc đăng ký bản quyền cho các lễ hội cũng gặp phải một số khó khăn như thiếu thông tin và tài liệu; quy trình phức tạp…
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc đăng ký bản quyền lễ hội, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương sở hữu lễ hội cần có các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; có quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc bảo vệ và phát triển các lễ hội. Bên cạnh việc bảo vệ, cần khuyến khích cộng đồng sáng tạo và phát triển các hoạt động văn hóa mới, từ đó làm phong phú thêm di sản văn hóa phi vật thể.
Đăng ký bản quyền cho các lễ hội tại tỉnh Yên Bái không chỉ là một giải pháp pháp lý đơn thuần mà còn là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Điều này không chỉ giúp duy trì những giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững cho địa phương cũng như nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lần đầu, Yên Bái đã đưa nội dung đăng ký bản quyền lễ hội vào Kế hoạch số 54 KH-UBND ngày 29/2/2024 của UBND tỉnh. Về tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn và phát triển du lịch tỉnh năm 2024; trong đó đã đề ra những mục tiêu cụ thể nhằm bảo vệ những lễ hội độc đáo bằng việc xây dựng hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với một số lễ hội khẳng định được thương hiệu. Từ đó không chỉ bảo tồn văn hóa địa phương mà còn thúc đẩy du lịch bền vững. |
Thanh Ba