Yên Bái phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/1/2024 | 7:45:19 AM

YênBái - Sau dịch bệnh Covid-19, xu hướng khách đi du lịch nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm văn hóa tăng lên nhanh chóng. Là tỉnh cửa ngõ khu vực Tây Bắc với trên 30 dân tộc sinh sống, có điểm nhấn đặc biệt với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Nghệ thuật Xòe Thái và 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Yên Bái đang định hình được sản phẩm du lịch chủ đạo của mình đó là du lịch văn hóa - gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Khèn Mông, nét văn hóa đặc sắc của vùng cao Yên Bái. Ảnh: Hoài Văn
Khèn Mông, nét văn hóa đặc sắc của vùng cao Yên Bái. Ảnh: Hoài Văn

Việc lấy du lịch văn hóa làm nền tảng gắn với du lịch nghỉ dưỡng tại Yên Bái với phương châm phát triển sản phẩm theo hướng lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm, lấy nhân dân làm chủ thể các sự kiện lễ hội du lịch đã tạo nên điểm nhấn mới cho du lịch Yên Bái năm 2023. Đây cũng có thể nói là thành công bước đầu ngay sau Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch năm 2023 khi Yên Bái là một trong những tỉnh sớm nhất có hành động cụ thể triển khai Nghị quyết số 82-NQ/CP  của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yểu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, góp phần tăng số lượng và chất lượng khách du lịch đến Yên Bái trong năm 2023. 

Có được những kết quả trên, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự đồng hành của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh, vai trò có tính quyết định đó là sự vào cuộc rất chủ động, sáng tạo, quyết tâm của hệ thống chính trị, nhân dân và các nhà đầu tư, cơ sở kinh doanh du lịch tại các địa phương. 

Với những yếu tố đó, ngành du lịch Yên Bái năm nay bước đầu có sức lan toả, thu hút mạnh, được Cục Du lịch Quốc gia đánh giá cao, được nhân dân trong tỉnh, khách du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận. Năm 2023, tỉnh Yên Bái đã đón và phục vụ trên 2 triệu lượt khách (vượt 39,2% so với kế hoạch; tăng 31,4% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt 151 ngàn lượt (đạt 101% kế hoạch, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 1.7 tỷ đồng (vượt 27,4% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ).  
                                                                                                                                                                             
Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch lớn cùng các lễ hội địa phương được cho là những "cú hích” hiệu quả, có tính chu kỳ nhằm thu hút du khách. Điểm nhấn của các hoạt động năm nay là giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương nhằm góp phần định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương. 

Tái hiện hình ảnh cô dâu trong đám cưới người Dao đỏ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao xã Tân Phượng, huyện Lục Yên năm 2023.

Đơn cử, huyện Văn Chấn tạo được sức lan tỏa và tiếng vang rất lớn với Lễ hội trà Shan tuyết là lễ hội đầu tiên của cả nước vinh danh trà tuyết cổ thụ gắn với văn hóa các dân tộc địa phương; huyện Lục Yên đang thực hiện rất tốt việc thu hút khách du lịch với các lễ hội truyền thống rất đặc sắc, như Lễ hội Pay Tái, Xo May, Cắc Kéng...; thị xã Nghĩa Lộ, ngoài Lễ hội Mường Lò còn có điểm nhấn đặc biệt từ Hội thi "Lung linh vòng xòe" thu hút 14 xã, phường tham gia trong 3 ngày với lượng khách rất đông đảo; huyện Trạm Tấu ghi dấu ấn và sức lan tỏa mạnh mẽ với Giải leo núi "Bước chân trên mây" với sự tham gia của hơn 100 nhà báo trên toàn quốc và hàng trăm bài báo giúp Yên Bái lan tỏa hình ảnh đẹp tới du khách trong nước và quốc tế, Festival Khèn Mông gắn với vinh danh 02 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải cùng Lễ hội hoa Tớ dày lần thứ 2 giúp sản phẩm "Pink season Mù Cang Chải" trở thành nét son cuối năm của huyện Mù Cang Chải trong hành trình phát triển du lịch năm 2023.


Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương từ lâu đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Ngay trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khẳng định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được tập trung đầu tư phát triển. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Yên Bái đã tham mưu cho tỉnh làm tốt công tác tuyền truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, nhằm "biến di sản thành tài sản", "biến tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Yên Bái. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm như: dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, như Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; các dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... 

Điều quan trọng nhất mà ngành du lịch đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là phát triển sản phẩm du lịch văn hóa từ niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình của người dân địa phương. Đây là yếu tố hình thành nên được nhiều sản phẩm có giá trị của Yên Bái, được lan tỏa rộng rãi trong thời gian qua. 


Tiêu biểu như: phong trào khôi phục trang phục truyền thống dùng trong đời sống hằng ngày của người dân các xã có hoạt động du lịch tại huyện Lục Yên (như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Khai Trung, Mường Lai, Mai Sơn...); luyện tập và đưa vào nhà trường để truyền dạy các nét đẹp văn hóa, các điệu múa truyền thống... ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh; sự tự hào về nghệ thuật Xòe Thái của người dân Nghĩa Lộ... 

Các địa phương đang đi rất đúng hướng trong thực hiện chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước để tỉnh kiên trì phát triển du lịch theo hướng bền vững, coi trọng chỉ số hạnh phúc trong nhân dân, nhằm góp phần phát triển tỉnh Yên Bái "xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc".

Để đạt được mục tiêu này,  ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa hướng tới phát triển du lịch theo hướng bền vững:

Một là: Xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Hai là: Tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

Ba là: Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với chuyên nghiệp hóa các dịch vụ du lịch. Xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn "Sản phẩm mới, phong cách mới, trải nghiệm mới” trên cơ sở khai thác tốt những nét độc đáo, khác biệt về văn hóa của vùng, địa phương, kết nối các sản phẩm liên vùng để hình thành rõ các tour, tuyến tiếp cận khách hàng theo hướng đa chủ đề, đa cảm xúc. 

Bốn là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, sớm hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch số gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa; đổi mới cách xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các thị trường tiềm năng, phù hợp. Triển khai chiến dịch truyền thông cao điểm nhằm kích cầu du lịch với thông điệp "Yên Bái điểm đến an toàn, thân thiện,bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. 

Năm là: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường các kĩ năng trong lĩnh vực du lịch và đào tạo ngoại ngữ phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. 

Với phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, thông qua hàng loạt các sự kiện, các hoạt động lễ hội, tỉnh Yên Bái đã và sẽ giới thiệu được những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhiều phân khúc khách hàng, đem lại cho khách hàng cảm nhận "Yên Bái ngạc nhiên hơn bạn tưởng". 

Trong thời gian tới, với sự quyết tâm của toàn ngành, Yên Bái sẽ sớm đóng gói được những sản phẩm du lịch, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa để bán cho khách hàng thời gian và cảm xúc với giá cao nhất và giá trị xứng đáng nhất, góp phần định vị thương hiệu "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX.

Mai Oanh -Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái

Tags Yên Bái phát triển du lịch bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2023. Ảnh minh họa

Ngày 16/3, Lễ hội Hoa Ban gắn với Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ 2024 sẽ chính thức được khai mạc với chủ đề "Về miền Hoa Ban".

Trò chơi đánh cù được thanh thiếu niên Mông ở Mù Cang Chải duy trì thường xuyên trong các làng bản.

Hiện nay, trò chơi đánh cù vẫn luôn được các chàng trai Mông duy trì chơi giao lưu, quảng bá, giới thiệu trong các ngày hội, lễ tết ở các bản, khu dân cư và thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem. Có những xã, bản còn thành lập đội đánh cù đi thi đấu giao lưu với những huyện khác trong tỉnh có lễ hội kèm theo tổ chức thi đánh cù của người Mông.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2024 sẽ được tổ chức chính lễ vào ngày 23-2-2024 tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì).

Em nhỏ tham gia Lễ hội câu cá trên băng Hwacheon Sancheoneo, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, ngày 6/1/2024.

Hơn 1 triệu khách du lịch đã đổ về lễ hội câu cá trên băng thường niên nổi tiếng thế giới Hwacheon Sancheoneo đang diễn ra tại thị trấn miền núi Hwacheon, thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc. Đây là năm thứ 15 lễ hội thu hút được hơn 1 triệu khách tham quan kể từ lần đầu đạt thành tích này vào năm 2006.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục