Khai mạc lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 11

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/3/2025 | 8:48:57 AM

Tối 7/3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 năm 2025 đã chính thức được khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 năm 2025 với chủ đề "Áo dài Việt Nam - Vươn cao Việt Nam” sẽ tiếp nối thành công của 10 mùa lễ hội trước, tiếp tục tôn vinh và bảo tồn vẻ đẹp của áo dài, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và TP Hồ Chí Minh - một Thành phố năng động, sáng tạo, hội nhập sâu rộng nhưng luôn nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Lễ hội năm nay, là sự kiện văn hóa - du lịch mở đầu cho chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát triển thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Được tổ chức trong những ngày đầu tháng Ba, hướng đến kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Lễ hội còn là sự kiện tôn vinh vẻ đẹp và những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng gia đình và xã hội. Đây cũng là lời chào thân thương gửi đến bạn bè quốc tế, mời gọi đến với một thành phố năng động, hiện đại, tràn đầy hứng khởi với những con người hào sảng, yêu chuộng hòa bình và không ngừng hướng đến hạnh phúc.

Điểm nhấn trong đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật hấp dẫn, gồm 3 chương. Chương 1 "Áo dài và Khúc hát những dòng sông” với 6 bộ sưu tập, hơn 70 mẫu áo dài kể câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định gắn với sông Sài Gòn. Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa kể về câu chuyện của thành phố.

Chương 2 "Áo dài và Những con đường hoa lửa” với 4 bộ sưu tập, 80 mẫu áo dài lấy cảm hứng từ những huyền thoại hào hùng và cảm động gắn với cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc đưa người xem đi theo hành trình cảm xúc từ những ngày gian khổ trong chiến tranh đến hòa bình, độc lập với sự tham gia biểu diễn của các cô chú cựu chiến binh.

Chương 3 "Áo dài - Rực rỡ sắc màu Việt Nam”  với 7 bộ sưu tập và hơn 120 mẫu áo dài như môt bản hòa ca sắc màu  đầy cảm hứng, nơi áo dài không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là biểu tượng trường tồn, đưa Việt Nam hòa nhịp cùng thế giới nhận được sự tham gia đồng hành của gần 60 nhà thiết kế áo dài từ nhiều địa phương trên cả nước và hơn 30 văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí… với vai trò đại sứ hình ảnh cho lễ hội.

Trong khuôn khổ Lễ hội năm nay còn có chương trình Đồng diễn dân vũ áo dài với sự tham gia của hơn 50.000 người kết hợp với hoạt động diễu hành cổ phục. Đây là sự kiện mang đến cho thành phố những sắc màu nổi bật, là sự hòa quyện giữa những cổ phục mang đậm dấu ấn các triều đại và chiếc áo dài duyên dáng – biểu tượng của bản sắc Việt Nam.

Trên tuyến đường Nguyễn Huệ rực rỡ sắc màu, từng bước chân diễu hành sẽ tái hiện bức tranh sống động về hành trình phát triển của trang phục Việt, từ cung đình đến dân gian, từ quá khứ đến hiện tại. Không chỉ tôn vinh giá trị thẩm mỹ và tinh hoa nghệ thuật thủ công, chương trình còn là lời mời gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa niềm tự hào Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Áo dài nay có nhiều điểm mới với không gian triển lãm và nhiều hoạt động tương tác được mở ra. Lễ hội áo dài được mở rộng quy mô với chuỗi hoạt động hấp dẫn, mang tính trải nghiệm cao nhằm tiếp tục đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Đặc biệt, các hoạt động hướng đến cộng đồng như tặng áo dài cho công nhân, gian hàng áo dài 0 đồng và giao lưu văn hóa với các nước tiếp tục được đẩy mạnh. Sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm nhà may, cửa hàng và đơn vị kinh doanh áo dài trong chương trình "Đồng hành cùng Áo dài Việt” góp phần đưa áo dài đến gần hơn với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Có thể nói, Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh không chỉ là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mà còn là động lực phát triển kinh tế quan trọng của thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch và mang lại doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp địa phương.  Lễ hội ngày càng khẳng định vị thế là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của thành phố. Sự kiện không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam mà còn khẳng định giá trị truyền thống và lan tỏa tình yêu áo dài trong đời sống hiện đại.

(Theo CAND)

Các tin khác
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 thu hút đông đảo du khách thập phương về trẩy hội.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 29-3 đến 7-4 với hơn 25 hoạt động đặc sắc.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với “Bộ kim phẩm đền Nghè”.

Tối 7/3, thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ đón nhận bảo vật quốc gia “Bộ kim phẩm đền Nghè” và khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2025.

Càphê tại Đắk Lắk niên vụ 2024-2025 được giá.

Việc công nhận di sản góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hạt càphê, giúp người nông dân Đắk Lắk có cuộc sống ấm no hơn và thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng càphê.

Quang cảnh Lễ khai mạc

Tối 6/3, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chính thức khai mạc Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”, với chủ đề “nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục