Từ lâu, Yên Bái đã được ví như "bản hòa ca của núi rừng Tây Bắc” - nơi có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu. Ở đó, có những điệu xòe Thái uyển chuyển đã vinh dự được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh, những làn điệu dân ca, tiếng khèn gọi bạn tình, những nghề thủ công truyền thống… vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ.
Mỗi ngọn núi, mỗi con suối, mỗi bản làng ở Yên Bái đều chất chứa một câu chuyện văn hóa - một mạch nguồn không bao giờ cạn, tiếp sức cho hiện tại và dẫn đường cho tương lai. Không lựa chọn phát triển bằng mọi giá, Yên Bái chọn cho mình một con đường riêng: phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đó không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tỉnh chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với gìn giữ văn hóa, phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, từ đó không chỉ giúp du khách được "sống chậm” mà còn tạo sinh kế cho người dân, để mỗi người dân chính là một "hướng dẫn viên văn hóa” nơi họ sinh sống.
Yên Bái đã xác lập mô hình phát triển du lịch theo hướng bền vững, đặt văn hóa dân tộc và tài nguyên thiên nhiên làm trung tâm. Tỉnh đã xây dựng hệ sinh thái du lịch dựa vào văn hóa và cộng đồng dân tộc thiểu số như tổ chức các festival tôn vinh bản sắc văn hóa miền núi, quảng bá "Nghệ thuật Xòe Thái”, phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tinh thần kết hợp với trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc trưng...
Theo đó, dựa trên chất liệu từ các giá trị tài nguyên trong tỉnh, Yên Bái hình thành 4 vùng không gian trọng điểm du lịch như: hồ Thác Bà và sông Chảy; thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; miền Tây tỉnh Yên Bái; Bắc Trấn Yên - Văn Yên.
Cùng với đó là 3 tuyến du lịch liên vùng nổi bật và 9 khu du lịch động lực đang được ưu tiên phát triển như: Khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải, Khu sinh thái nghỉ dưỡng Suối Giàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu... Đặc biệt, tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với vùng du lịch như: văn hóa dân tộc Mông gắn với ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải; vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng; văn hóa dân tộc Thái đen gắn với "Nghệ thuật Xòe Thái” vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ; văn hóa dân tộc Dao đỏ gắn với vùng quế Văn Yên; văn hóa dân tộc Dao quần trắng gắn với vùng ven hồ Thác Bà…
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Việc gắn kết chặt chẽ giữa gìn giữ truyền thống và phát triển kinh tế đang tạo ra động lực mới cho địa phương. Chúng tôi không muốn phát triển bằng cách đánh đổi bản sắc. Mục tiêu là làm sao để người dân yêu hơn nơi mình sống, tự hào về bản sắc của mình và chính điều đó sẽ giữ chân du khách”.
Khăn thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người con gái Thái Mường Lò, được du khách nước ngoài yêu thích.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thời gian qua, Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách thiết thực. Một trong những điểm đáng chú ý trong chiến lược phát triển văn hóa của Yên Bái chính là việc đặt người dân làm chủ thể bảo tồn và khai thác văn hóa. Các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ truyền dạy múa xòe, thổi khèn, nghề dệt, thêu thổ cẩm… được hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động đều đặn ở các thôn, bản du lịch cộng đồng.
Tỉnh cũng chủ động lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững từ chính văn hóa của mình. Không chỉ giữ gìn, người dân giờ đây có thu nhập từ văn hóa bằng việc mở homestay, bán sản phẩm thủ công truyền thống đến biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ du khách. Di sản không còn "đứng yên trong tủ kính” mà đã "sống lại” trong đời sống thường nhật của chính người dân địa phương.
Bà Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái khẳng định: "Để phát triển du lịch bền vững, yếu tố văn hóa là điều kiện tiên quyết. Văn hóa không chỉ là "linh hồn” của du lịch mà còn là bản lĩnh của địa phương trong hội nhập. Chính sự khác biệt trong văn hóa sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho du lịch Yên Bái trên bản đồ quốc tế”.
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa không chỉ là giữ gìn quá khứ mà còn là kiến tạo tương lai. Với tầm nhìn chiến lược, chính sách đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Yên Bái đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa các dân tộc gắn với thiên nhiên kỳ vĩ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển nhanh chóng, việc gìn giữ bản sắc là cách để mỗi vùng đất khẳng định mình. Yên Bái đã và đang làm tốt vai trò này, biến bản sắc văn hóa thành sức mạnh nội sinh, trở thành đòn bẩy vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, bền vững và giàu tính nhân văn.
Hồng Duyên