Hiểu đúng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2025 | 1:57:34 PM

YênBái - Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng, thể hiện ở các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học nghệ thuật. Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa hiệu quả tốt nhất khi cộng đồng có sự hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất, chức năng của các giá trị văn hóa đó.

Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Di sản văn hóa bao gồm các di sản vật thể và phi vật thể. Di sản vật thể có thể là các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, bảo tàng, trong khi di sản phi vật thể bao gồm các phong tục tập quán, truyền thuyết, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ. Di sản không chỉ là những gì còn lại từ quá khứ mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp hiểu rõ hơn về nguồn cội và giá trị văn hóa. Mỗi di sản đều mang giá trị lịch sử, giáo dục, kinh tế, xã hội. Di sản văn hóa là một chỉnh thể văn hóa bao gồm nhiều giá trị từ các bộ phận cấu thành. Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, việc hiểu đúng về di sản là điều cần thiết. 

Ví như UNESCO vinh danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là vinh danh những điệu xòe, những động tác xòe mà bao gồm cả trang phục của người tham gia xòe, nhạc cụ, âm nhạc và cả những giá trị tinh thần đối với cộng đồng thông qua những điệu xòe. Hay như tục tế trâu trắng trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên đã từng bị một số người dùng mạng xã hội lên án là hành động dã man cần loại bỏ. 

Hiểu đúng về di sản văn hóa Lễ hội đền Đông Cuông được cấu thành bởi nhiều nghi thức, trong đó có hoạt động tế trâu và mỗi hoạt động trong lễ hội đều không thể thiếu, không thể tách rời trong một chỉnh thể văn hóa di sản. Văn Yên vô cùng tôn trọng tín ngưỡng của người bản địa khi đã không loại bỏ hoạt động tế trâu trong Lễ hội đền Đông Cuông và có hình thức phù hợp để thầy mo cùng những người liên quan thực hiện nghi lễ này. Điều này đã giúp vừa bảo đảm bảo nguyên trạng giá trị lễ hội vừa tránh được những cách nhìn lướt trên bề mặt hoạt động văn hóa. Đây chính là một cách làm hay của chính quyền địa phương và ngành văn hóa tỉnh đã góp phần bảo tồn nguyên trạng giá trị văn hóa để phát huy trong đời sống hiện đại.

 Đối với hoạt động bảo tồn di sản "Nghệ thuật Xòe Thái”, không chỉ tập trung giữ gìn các điệu xòe cổ, thành lập các câu lạc bộ xòe Thái, đưa xòe Thái vào dạy trong các trường học, thị xã Nghĩa Lộ còn có nhiều giải pháp bảo vệ các loại nhạc cụ phục vụ các đêm xoè, mở các lớp truyền dạy sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, địa phương khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động kỉ niệm, lễ hội; các trường học quy định học sinh mặc trang phục truyền thống trong lễ chào cờ, các hoạt động ngoại khóa. Các nhà nghiên cứu văn hóa đều có chung một quan điểm là các yếu tố chi phối cộng đồng dân cư trong các di sản văn hóa truyền thống chính là tác động trở lại với cộng đồng cần được bảo vệ. 

Điển hình như Lễ cúng rừng của đồng bào Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Không chỉ lướt trên bề mặt hoạt động văn hóa tâm linh này mà cần hiểu nghi thức thờ Thần Rừng chính là bảo vệ rừng trong cuộc sống hiện đại. Đây cũng chính là cách bảo vệ di sản, không chỉ đơn thuần duy trì nguyên trạng mà còn phải tìm ra các phương thức phát huy giá trị nhưng không làm tổn hại đến bản chất. Từ cách làm của các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có thể thấy rằng công tác tuyên truyền chính là "chìa khóa” để hiểu đúng về các giá trị di sản. Các di sản cần được khôi phục và bảo tồn một cách khoa học. 

Việc áp dụng công nghệ vào bảo tồn di sản là một xu hướng tích cực, giúp bảo vệ các giá trị văn hóa một cách hiệu quả hơn. Cùng với đó, chính quyền cần có các chính sách hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bao gồm cả đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ di sản.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá của nhân loại, cần được bảo vệ và phát huy hiệu quả. Để làm được điều này, hiểu đúng về di sản và những giá trị di sản mang lại là điều thiết yếu. Di sản không chỉ là quá khứ mà còn là tương lai, là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu hơn và trân trọng hơn những giá trị văn hóa.

Thanh Ba

Tags Yên Bái Văn Yên Nà Hẩu bảo vệ di sản bản sắc văn hóa vật thể phi vật thể

Các tin khác
Phụ nữ Mông thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu gỡ sợi lanh sau khi đã được xử lý tẩy trắng.

Trạm Tấu là huyện vùng cao với trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, có văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, đặc sắc.

BTC trao giải A cho các tác giả

208 tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025 đã được trao thưởng.

NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ 2 cuốn hồi ký 'Gia đình, bạn bè và đất nước' của bà Nguyễn Thị Bình.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra, tổng duyệt các hoạt động trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 tại tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 sẽ diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trong hai ngày 16-17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục