Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025):Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/5/2025 | 7:46:25 AM

LTS: Ngày 19-5-2025 tới đây là tròn 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versailles, Pháp, năm 1919.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versailles, Pháp, năm 1919.


Người tìm ra chân lý thời đại và khai mở độc lập dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, niềm kiêu hãnh của người dân yêu nước thương nòi. Công lao trời bể của Người để lại cho đồng bào, Tổ quốc trước hết là tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng với xu thế thời đại, đồng thời trực tiếp chuẩn bị các điều kiện quyết định, lãnh đạo quần chúng làm nên cuộc cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945.

Lý tưởng cách mạng không gì lay chuyển nổi

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tiếng Người vang vọng giữa Ba Đình ngày đó đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới như một tia sáng cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt tiền đề kiến tạo chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.

Cách đây 167 năm, thực dân Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà, mở đầu quá trình xâm lược, đặt ách thống trị nô dịch đối với dân tộc Việt Nam. Với tinh thần kiên trung vệ quốc, người dân yêu nước Việt Nam, dù là vua quan, sĩ phu, văn thân hay thường dân, đều xả thân cứu nước, cứu giống nòi, song đều vô vọng.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ngày càng rơi vào ngõ cụt, lịch sử tăm tối không có đường ra, Nguyễn Tất Thành với khát vọng tìm lối thoát lịch sử cho dân tộc mình, đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5-6-1911 đánh dấu sự khởi đầu hành trình tìm chân lý thời đại trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Gần 10 năm đầu tìm đường cứu nước, Người đã kiên trì khảo sát thế giới tư bản phương Tây, xem người ta làm thế nào mà trở nên văn minh, hiện đại, có được "tự do, bình đẳng, bác ái” để rồi sẽ quay về giúp đồng bào mình. Nguyễn Ái Quốc thâm nhập vào cuộc sống của những người cần lao, kết giao bè bạn với những người cùng khổ, với những người cùng chí hướng đấu tranh chống áp bức cường quyền, dựa vào bàn tay và khối óc của mình, tự lao động kiếm sống, không ngừng bồi đắp tri thức mới, học hỏi chân lý trong các tài liệu kinh điển, nhất là chủ nghĩa xã hội khoa học, phát hiện những điều hay lẽ phải phù hợp với bối cảnh lịch sử của thời đại và nước mình; đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn.

Có một điều rất đáng khâm phục ở Người là ý chí đấu tranh, lý tưởng cách mạng không gì lay chuyển nổi: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles (Pháp) là tiếng bom công lý nhắm vào các lãnh đạo của thế giới tư bản.

Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa của Lênin. Đó là bước ngoặt lịch sử đối với toàn bộ cuộc đời mà Người cống hiến tận tụy cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, đóng góp vào cách mạng thế giới.

Sau khi tìm thấy "con đường giải phóng” cho đồng bào mình, Người đã tìm đường trở về, trực tiếp đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi con đường tranh đấu tới ngày thắng lợi. Tiếp đó là quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc trải qua những thăng trầm lịch sử đầy sóng gió, luôn bị kẻ thù theo dõi, hãm hại, có lúc lâm vào cảnh bị bắt và kết án, song không thể làm nhụt ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản quốc tế.

Một công lao vĩ đại mà Nguyễn Ái Quốc cống hiến cho cách mạng Việt Nam là việc chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản, truyền bá lý luận cách mạng, thúc đẩy phong trào vô sản hóa, huấn luyện và gieo mầm những hạt giống đỏ làm hạt nhân thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ báo Thanh Niên ra đời cách nay 100 năm là tiền đề xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện tư duy chiến lược của Nguyễn Ái Quốc trong sử dụng báo chí làm công cụ đấu tranh, truyền bá tư tưởng cách mạng. Việc mở các lớp huấn luyện cách mạng tại Quảng Châu (Trung Quốc) của Nguyễn Ái Quốc là công việc đào tạo cán bộ về lý luận Mác - Lênin, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện, yêu cầu cách mạng Việt Nam. Cuốn "Đường kách mệnh” là "tuyên ngôn tư tưởng Hồ Chí Minh” đối với cách mạng Việt Nam.

Mang lại nền tảng độc lập tự do

Sự kiện ngày 3-2-1930 là bước ngoặt có tính đột biến trong tiến trình đấu tranh giành độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của phong trào vô sản quốc tế. Từ đây, cách mạng Việt Nam có một chính đảng chân chính, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, đủ tầm soi sáng cho dân tộc Việt Nam; cùng với đó là cắm thêm ngọn cờ đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, lan tỏa cảm hứng cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại cần lao. Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc mình với biết bao niềm xúc động, bởi đó là thời khắc thiêng liêng của một đời người ra đi từ đắng cay gian khổ, nay quay trở về cứu đồng bào mình thoát khỏi thân phận nô lệ.

Hành trang lúc Người khởi đầu từ Bến Nhà Rồng cùng với chủ nghĩa yêu nước chưa bao giờ phai mờ, đến giờ còn có thêm chủ nghĩa Mác - Lênin. Không gian hoạt động cách mạng của Người giờ đây không còn là đất khách quê người, mà là Tổ quốc mình. Bạn bè của Người trên thế giới giờ chỉ còn trong ký ức, còn đồng bào, đồng chí sẽ tiếp thêm sức mạnh niềm tin cách mạng cho Người.

Tại Pác Bó (Cao Bằng), dưới danh nghĩa "ông Ké”, "già Thu”, và lấy tên Hồ Chí Minh, Người đã mở ra chương mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Người dùng tảng đá bên bờ suối Lênin làm bàn viết, dịch tiếp cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga (tóm tắt) ra tiếng Việt, để làm tài liệu huấn luyện đảng viên (trước đó Người đã dịch một phần khi còn hoạt động ở Trung Quốc). Có một tài liệu khác rất đặc biệt được Người biên soạn làm tài liệu phổ biến lịch sử nước nhà, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng, đó là cuốn "Lịch sử nước ta”, diễn ngôn theo lối thơ lục bát, phù hợp với phương thức tuyên truyền miệng cho 98% dân số mù chữ lúc bấy giờ. Hội nghị Trung ương 8 dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh (từ ngày 10 đến 19-5-1941) đã có bước chuyển biến rất quan trọng, trực tiếp chuẩn bị lực lượng cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, đó là sự ra đời của Mặt trận Việt Minh - một hình thức sáng tạo của Hồ Chí Minh trong tập hợp, đoàn kết các giai tầng xã hội đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc.

Có một khoảng thời gian mà Hồ Chí Minh bị nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch giam cầm, đày ải, song chính trong lao tù đế quốc, Người đã tỏa sáng chí khí cách mạng, không nao núng tinh thần, nhất quyết theo đuổi lý tưởng giải phóng dân tộc. Khi được trả tự do, Hồ Chí Minh trở về cùng Trung ương Đảng ráo riết chuẩn bị điều kiện đón đợi thời cơ ngàn năm có một. Một trong những quyết định, mang tính nhạy bén chính trị có một không hai, là Người đã thúc giục phải chớp lấy vận hội lịch sử để thay đổi vận mệnh dân tộc. Lệnh tổng khởi nghĩa là thông điệp đúng thời điểm chín muồi để giành chính quyền, không thể sớm hơn, cũng không thể chậm trễ hơn.

Cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao của nghệ thuật chớp thời cơ do Đảng Cộng sản Việt Nam giàu trí tuệ, bản lĩnh, mà Hồ Chí Minh cầm lái. Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và trực tiếp đọc trước quốc dân đồng bào chiều 2-9-1945 là nốt thăng trong bản hùng ca giành chính quyền, đoạt lại độc lập cho dân tộc Việt Nam, truyền cảm hứng cách mạng suốt 80 năm qua cho lịch sử nước nhà.

Nhìn lại quãng thời gian hoạt động cứu nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1945, có thể khẳng định rằng: Đây là không gian lịch sử thời đại được con người tinh tú nhất của dân tộc Việt Nam chiếm lĩnh, cống hiến, mang lại nền tảng độc lập tự do gắn liền với định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

(Theo Hà Nội Mới)

Các tin khác

Phim tài liệu "Nét chân dung qua những tấm ảnh" được mở đầu với hình ảnh bảo tàng đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh của một người dân 90 tuổi.

Được sự ủy quyền của lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Trọng Khang – Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh gửi tặng lãng hoa của Tỉnh ủy – HĐND- UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tới Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Yên Bái.

Ngày 11/5 (tức ngày 14/4 âm lịch, năm Ất Tỵ), tại Chùa Tùng Lâm- Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Yên Bái đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025.

Bác Hồ - tấm gương sáng về đọc sách và hiếu học.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên các giá trị văn hóa tốt đẹp. Nổi bật trong đó, văn hóa đọc tỏa sáng như một viên ngọc quý, là nhịp cầu lan tỏa tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, thể hiện tính nhân văn, chân - thiện - mỹ trong mỗi con người Việt Nam.

Anh Ngô Ngọc Khánh tại Hiệu sách Macaw.

Tại tỉnh Saitama, Nhật Bản, hiệu sách Macaw ở ga Kita-Sakado, thành phố là điểm đến quen thuộc của nhiều độc giả Việt Nam. Đây cũng là hiệu sách hiếm hoi ở tỉnh Saitama bán sách tiếng Việt và do người Việt làm chủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục