Trang phục lễ hội của người Cà Tu
- Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2007 | 12:00:00 AM
Với người Cà Tu, trang phục là cội rễ để hình thành nên một bản sắc văn hoá riêng - văn hoá Cà Tu. Thế nên, họ thường diện những bộ trang phục truyền thống vào những dịp lễ hội truyền thống hay dịp Tết về....
|
Có dịp đến các bản làng của người Cà Tu trong sinh hoạt hằng ngày, vào những dịp lễ hội truyền thống: Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê)... hay dịp Tết đến, xuân về, nhìn những thanh niên thiếu nữ Cà Tu trong bộ trang phục truyền thống của những hoa văn với sắc màu rực rỡ trên nền vải thổ cẩm như những đoá hoa rừng khoe sắc giữa mênh mông bao la của núi rừng đại ngàn làm nên một bức tranh văn hoá Cà Tu thật sống động..., chắc hẳn bạn sẽ có ấn tượng đẹp và khó quên bởi trang phục của người Cà Tu ẩn chứa nhiều nét hoang dã của một dân tộc sống trên vùng Trường Sơn. Với họ, trang phục là cội rễ để hình thành nên một bản sắc văn hoá riêng - văn hoá Cà Tu.
Gắn bó với núi rừng Trường Sơn từ bao đời nên trang phục của họ mang màu sắc hoang dã. Được tạo nên từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ cây trồng, cây củ, quả có sẵn trong rừng, những chiếc khố (cha lon), áo cột tay (a doót), tấm choàng (a duông), váy dài (cơđơ-ớch)... của người Cà Tu là cả một công trình dệt tỉ mỉ, công phu, kiên trì và chịu khó là một nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao.
Để có được những bộ trang phục đẹp mang bản sắc văn hoá riêng cho dân tộc mình, người phụ nữ Cà Tu phải tốn rất nhiều công sức. Họ trồng bông, đay lấy sợi rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... Các khâu nhuộm cũng không kém phần quan trọng. Để có được màu đỏ, họ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt cho đến việc dàn cườm để tạo thành những hoa văn trên nền vải như: hoa văn bằng cườm hình hoa Ablơm (hoa tình yêu), hoa văn bằng cườm hình lá Atút (hình chiếc chong chóng), hoa văn bằng cườm hình đàn ông Cà Tu múa tung tung (múa nam), hoa văn bằng cườm hình thiếu nữ Cà Tu múa dadá (múa nữ), lá trầu (A bá), dây buộc nhà Gươl (hơma cating), hoa văn bằng cườm hình hoa rừng (hơma tơbang), trang sức (ma não)...
Sau đó được dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nhưng những đường nét và các hoạ tiết hoa văn hết sức tinh tế tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo cao.
Điều dễ nhận thấy qua trang phục lễ hội của người Cà Tu là sự đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc. Tuy nhiên, trang phục của họ cũng phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cà Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng... của dân tộc mình. Màu chủ đạo của trang phục người Cà Tu là màu chàm đen, đây cũng là màu nền của trang phục. Người Cà Tu quan niệm rằng: màu chàm đen là màu của đất (abhuyh-Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh-Plêếng). Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống và trong trang phục của người Cà Tu. Màu vàng trên trang phục được người Cà Tu dùng rất ít chỉ là những nét mảnh, nhằm để tạo nên những hoạ tiết hoa văn.
Hầu hết trang phục của người Cà Tu đều được bố trí các hoạ tiết hoa văn thành từng mảng nhưng không đơn điệu. Chiếc áo cộc tay của đàn ông, thanh niên, trang trí những dãy hoa văn đối xứng, với những vạch sọc có khoảng cách đều nhau được dệt bởi ba màu: vàng, đỏ và trắng, trông nổi bật trên nền vải chàm đen. Chiếc khố (cha lon) của đàn ông Cà Tu có chiều rộng khoảng 45cm, chiều dài từ 3m đến 8m, với vạt trước dài, vạt sau ngắn cũng được bố trí các hoạ tiết đường nét hoa văn thành từng mảng lớn.
Váy dài (cơđơ ớch) của phụ nữ Cà Tu có chiều dài khoảng 6m được khâu lại thành hai lớp và có chiều dài khoảng 3m chiều rộng khoảng từ 1.5m đến 1.7m (tuỳ thuộc vào chiều cao của mỗi người). Váy cũng có nhiều hoạ tiết hoa văn cách điệu như khố của đàn ông nhưng nhìn chung các hoa văn lại tập trung thành mặt phẳng lớn ở phần dưới của thân váy.
Các hoạ tiết hoa văn ở phần thân váy thường đứng riêng lẻ bằng các vạch sọc như: hoa văn Ablơm (hoa tình yêu), lá trầu, dây buộc nhà Gươl, múa dadá (múa nữ)... màu sắc đơn giản, các hoạ tiết hoa văn được thể hiện dưới dạng hình học. Váy ngắn (o réch) có chiều dài từ 80cm đến 1m, rộng 70-80cm được khâu lại bằng chỉ, tạo cho váy có hình ống. Khi phụ nữ Cà Tu mặc vào, thân trên ở tầm ngang bụng và để khỏi bị tuột váy họ dùng dây buộc. Áo cột tay (A doóh) gồm hai mảnh được khâu lại với nhau có chiều từ 40 đến 60 cm, chiều rộng 50cm-60cm. Khi áo được khâu lại có dáng hình cổ chữ V.
Tấm choàng (A duông) là loại dùng cho đàn ông Cà Tu mặc vào các lễ hội truyền thống của buôn làng hoặc vào mùa đông. Tấm choàng cũng được dệt trên nền chàm đen có nhiều màu trắng, đỏ vàng. Song nhìn chung trang phục lễ hội của người Cà Tu không vì thế mà kém phần hấp dẫn là nhờ ở lối bố cục các hoạ tiết hoa văn thành từng dải, từng mảng và độ chênh lệch cần thiết giữa các dải hoa văn với các màu tương phản trên nền chàm đen của trang phục khiến màu đỏ, vàng, trắng luôn trầm lắng, không rực rỡ sắc màu và cũng không chói chang mà tạo nên được độ sâu và sự nền nã của trang phục.
Những nét riêng biệt và độc đáo đó đã làm cho trang phục của người Cà Tu vùng Trường Sơn không giống bất kỳ trang phục lễ hội nào của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên dải đất Việt Nam.
(Theo NLĐ)
Các tin khác
Người Pa Dí là một nhóm địa phương của dân tộc Tày. địa bàn cư trú của họ là các xã sát biên giới Việt – Trung thuộc huyện Mường Khương , tỉnh Lào Cai .
YBĐT - Vừa qua, Sở Xây dựng phối hợp với Viện Kiến trúc- Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hội nghị xét duyệt các phương án tham dự cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc công trình Nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Trang phục của thiếu nữ dân tộc Xa Phó được hình thành rất đặc biệt. Đó là sự kết hợp giữa chiếc áo ngắn và chân váy dài. Chiếc áo ngắn chui đầu, cổ khoét hình vuông khoáng đạt, gấu áo chỉ vừa chấm thắt lưng.
YBĐT - Có những người con từ núi ra đi trên bước đường khởi nghiệp, hẳn là nhiều người ra đi để trở về? Xin đừng ngại đất nghèo, quê khó nếu đã mang trong mình một bóng núi - hồn quê.