Tết nguyên tiêu, thơ nguyên tiêu

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, một năm ngoài Tết Nguyên đán còn có nhiều ngày tết khác, thường vào ngày rằm hoặc vào các ngày rất đặc biệt như mùng 3 tháng Ba, mùng 5 tháng Năm, mùng 10 tháng Mười... Ấy là những thời điểm chuyển giao trong chu kỳ vận hành của thời gian, của vũ trụ cũng gắn với mùa vụ canh tác nông nghiệp. Nguyên tiêu là một trong những ngày tết gắn với thời điểm đặc biệt ấy.

Thăm hoa - thú chơi của nhà vua và các trạng nguyên trong mỗi dịp tết Nguyên tiêu. (Ảnh: Minh Thúy)
Thăm hoa - thú chơi của nhà vua và các trạng nguyên trong mỗi dịp tết Nguyên tiêu. (Ảnh: Minh Thúy)

Truyền thống văn hóa Á Đông rất trọng những đêm rằm. Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên trong năm. Sau mấy tháng, trăng mờ lạnh trong giá rét mùa đông, giờ đây ban ngày ánh thiều quang trong sáng, ban đêm ánh trăng trong trẻo tỏa khắp đất trời. Đêm rằm tháng Giêng được mang tên Nguyên tiêu. Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên.

Từ xa xưa, Tết Nguyên tiêu, nhà vua triệu các trạng nguyên vào vườn thượng uyển thăm hoa, thưởng trăng, ngắm cảnh và làm thơ. Đêm xuân ấm áp, trăng trong, các trạng nguyên thi hứng dạt dào, cùng nhau ngâm vịnh ca ngợi cái đẹp của hóa công và ân đức nhà vua. Bên ngoài, nhà nhà đều sắm bánh trái, hương hoa thờ cúng tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa. Đêm đến, dưới ánh trăng xuân, các văn nhân, các bậc già lão cùng nhau uống rượu thưởng trăng xuân, vịnh thơ phú với sự hưởng ứng mến mộ của mọi người. Tết Nguyên tiêu trở thành một sinh hoạt văn hóa tao nhã.

Nguyên tiêu năm Mậu Tý (1948), quân dân ta đang bước vào cuộc kháng chiến gian nan. Tại một địa điểm nơi sông nước bí mật trong chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Trung ương, bàn việc quân sự. Họp xong, trên thuyền trở về, trước cảnh trăng rằm thơ mộng, Người làm bài thơ “NGUYÊN TIÊU” bằng chữ Hán:

Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên.
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm sứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Dịch ý:

“Đêm nay Rằm tháng Giêng, trăng đúng độ tròn.
Xuân trên sông, xuân trên nước tiếp với trời xuân.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm bàn bạc việc quân sự
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền”.

Đồng chí Xuân Thủy dịch thơ như sau:

RẰM THÁNG GIÊNG
     Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
     Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Đây là một bài thơ đặc sắc, vừa đạt tới giá trị cổ điển, vừa mang giá trị hiện đại sâu sắc. Cổ điển ở thời điểm ra đời trong đêm Nguyên tiêu cổ truyền, ở đề tài đêm trăng, thuyền trên sông nước nơi khói sóng với cuộc đàm luận việc quân cơ quan trọng. Cổ điển ở thể thơ tứ tuyệt chuẩn mực về niêm luật và âm điệu bằng trắc, mang cốt cách của thơ Đường, thơ Tống, nối tiếp các nhà thơ tiền bối Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... Hiện đại ở hiện thực kháng chiến: điều kiện gian nan, cơ quan Trung ương làm việc ở nơi bí mật. Đặc biệt hiện đại ở tầm nhìn thời gian và không gian trong sự vận chuyển, bao quát, khoáng đạt; ở tầm vóc làm chủ thời cuộc, nắm chắc tương lai, dù trong những ngày gian nan nhất, hoạch định, giải quyết những vấn đề hệ trọng trong điều kiện khó khăn gian khổ, vẫn ung dung, tự tại, xong việc quân cơ vẫn dạt dào cảm hứng với đêm trăng, với trời mây sông nước để hồn thơ cất nên lời. Hiện đại còn ở chỗ: thơ chữ Hán nhưng từ ngữ, hình ảnh chân xác, dung dị, hầu hết các từ trong bài đã khá quen thuộc với người Việt Nam. Cả bài thơ mang một tinh thần mới, ấm áp và tươi sáng.

Bác làm thơ bằng chữ Hán, đồng chí Xuân Thủy dịch ra thơ lục bát tiếng Việt, như những cuộc giao lưu xướng họa thơ khác giữa Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, với luật sư Bộ trưởng Phan Anh và với các cán bộ kháng chiến làm việc bên Bác, gợi nhớ đến những hội tao đàn xưa, nhưng những cuộc giao lưu thơ của thời đại mới mang một nội dung mới. Đấy chính là văn hóa kháng chiến, biểu hiện chiều sâu của tư tưởng, của phong cách Hồ Chí Minh.

Từ Mậu Tý 1948 đến Mậu Tý 2008, tròn 60 năm, một hội theo chu kỳ âm lịch, bài thơ “Nguyên tiêu” vẫn giữ nguyên giá trị nội dung và nghệ thuật bởi hiện thực hào hùng và nên thơ, bởi nghệ thuật thi pháp nhuần nhị, càng giúp chúng ta thêm thấm nhuần tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, càng tự hào về truyền thống văn hóa, truyền thống thi ca của dân tộc Việt Nam.

Ngày ra đời bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng được lấy làm Ngày Thơ Việt Nam. Cùng với cả nước, chúng ta tổ chức Ngày Thơ Việt Nam trên quê hương trong cuộc sống đổi mới. Thơ đi vào cuộc sống và cuộc sống, con người, sông núi quê hương đang từng ngày đổi mới, tạo nguồn thi hứng dạt dào chắp cánh cho thơ.                            

Trí Tâm

Các tin khác

Dù Emma Watson hết sức lên tiếng phủ nhận, nhưng bố mẹ cô phù thuỷ nhỏ này vẫn "ra lệnh" cấm cô gặp gỡ với Johnny Borrell - thành viên của ban nhạc rock Razorlight, từng dính vào nghiện ngập từ năm 16 tuổi.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Nùng Dín (Mường Khương).

Trong phong tục Tết Nguyên đán cổ truyền của người Nùng Dín ở Lào Cai, các bậc tổ tiên khi xưa đã hình thành một quan niệm nhằm đền đáp công ơn to lớn của người phụ nữ và sản sinh ra tập quán "cho phụ nữ làm bà hoàng ăn chơi suốt ba ngày Tết Nguyên đán cổ truyền hàng năm".

Diễn viên Javier Bardem trong phim No Country For Old Men

Ứng cử viên sáng giá của tượng vàng Oscar 2008, "No Country For Old Men" tiếp tục làm mưa làm gió trong các giải thưởng "tiền Oscar" khi nhận được thêm hai giải thưởng cuối tuần vừa rồi.

Ban nhạc Teatro (từ trái sang phải): Stephen, Andrew, Jeremiah, Simon

Với phong cách nhẹ nhàng, mượt mà, các chàng trai Teatro đã chinh phục được cả khán giả trung niên lẫn khán giả trẻ... Và Teatro sẽ cùng các ca sĩ Việt Nam biểu diễn trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam 20 - Charming Vietnam Gala in UK (DDVN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục