Nghi lễ cầu tự trong ngày cưới của người Mường
- Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong tâm lý của cộng đồng người Việt trước đây, đều có chung một mong muốn cho con cái sau khi dựng vợ gả chồng là phải sinh được "con đàn cháu đống". Vì vậy, hầu như mỗi dân tộc đều có nghi lễ cầu tự theo cách riêng của mình. Họ có thể tiến hành nghi lễ này khi con cái đến tuổi trưởng thành; tiến hành trong lễ cưới hỏi hoặc khi đã cưới rồi mà bị hiếm muộn con...
Riêng đối với người Mường thì nghi lễ này được tiến hành hầu hết trong ngày cưới hoặc ai rơi vào trường hợp hiếm muộn con thì tổ chức thêm lần nữa.
Để tiến hành nghi lễ này, trước khi tổ chức đám cưới, gia đình nhà trai thường phải tiến hành một công việc có tính chất bắt buộc đó là đi tìm người 'làm phúc". Người làm phúc phải là nữ, phải sinh được đông con và có cả trai cả gái. Người này sống phải có uy trong cộng đồng, lanh lợi và làm ăn phát đạt...Nếu người làm phúc mà là một bà già cao tuổi mà hội tụ được tất cả các yếu tố nêu trên thì càng tốt. Bên cạnh công việc trên, nhà trai phải chuẩn bị chiếu cưới, chăn, gối, đệm và đôi vòng tay bằng bạc để trao cho cô dâu. Trong đó, một chiếc vòng thân được đánh rỗng lõi hoặc đánh thân dẹt hình lòng máng và chiếc kia thân vòng đánh tròn đặc. Theo quan niệm của người Mường thì đôi vòng này tượng trưng cho sự giao hòa âm dương.
Trước khi cô dâu được đón về nhà chồng, giường, chiếu, đệm đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi cô dâu, chú rể bước vào nhà và tiến hành xong nghi lễ thắp hương bái đường, mẹ chồng (nếu còn sống) hoặc chị chồng, cô ruột sẽ dẫn cô dâu, chú rể vào giường cưới. Người làm phúc đã trực sẵn ở đây và trải chiếc chiếu mới lên giường cưới.
Tiếp đó, người làm phúc sẽ mời cô dâu, chú rể ngồi lên giường và chúc phúc cho sinh được "con đàn cháu đống, có nếp có tẻ; nuôi con không đau yếu bệnh tật; làm ăn phát đạt; cuộc sống thuận hòa...".
Sau đó, người làm phúc mời cô dâu, chú rể cùng uống chung một chén rượu, vắt chéo tay đưa trước ngực đưa cho cô dâu, chú rể mỗi người một chiếc đùi gà và một gói xôi. Tiến hành xong nghi lễ này, cô dâu được dẫn ra gian giữa nhà và quỳ xuống chiếc chiếu trước mặt các bậc cao niên cùng anh em họ hàng trong ngày cưới. Bà mẹ chồng bước đến bàn thờ tổ tiên, bưng chiếc mâm có đôi vòng bạc ngâm trong chiếc bát đựng rượu, có cả lễ vật là một chút tiền bạc gói trong vuông vải mới mầu đỏ để làm vốn cho đôi vợ chồng trẻ. Bà mẹ chồng đeo đôi vòng tay cho con dâu và kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất. Nghi lễ cầu tự của đám cưới người Mường đến đây cũng được kết thúc.
Hiện nay, nghi lễ này vẫn được duy trì bền vững trong cộng đồng người Mường. Nó không gây tốn kém tiền của, thời gian, không mang màu sắc mê tín dị đoan. Ngược lại, nó có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm động viên tinh thần cho cô dâu và chú rể cũng như mọi thành viên trong gia đình trong cuộc sống.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 4-6, lễ tế Nam Giao được tỉnh Thừa Thiên - Huế phục dựng bài bản và trang nghiêm dựa trên một phần nguyên bản lễ tế Giao đầu triều nhà Nguyễn ngày xưa.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban tổ chức phòng, chống ma túy tội phạm tỉnh Yên Bái năm 2008, cùng với hoạt động của Đội Thông tin lưu động biểu diễn phục vụ tại các huyện thị trong tỉnh, từ ngày 26/5/2008 đến 31/5/2008, Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh tổ chức Triển lãm tranh cổ động với chủ đề “Phòng, chống ma túy, tội phạm năm 2008”.
YBĐT - Hàng năm, Chi nhánh Bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ thuộc Bảo tàng tỉnh Yên Bái đều đăng ký sưu tầm được từ 50 hiện vật trở lên và từ đầu năm 2007 đến nay đã sưu tầm được 140 hiện vật. Đó là kỷ vật của các đồng chí cán bộ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm: cặp đựng tài liệu, ba lô, đồ dùng cá nhân khác...
Nhân dịp Festival Huế 2008, ngày 3 - 6, Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam đã phát hành bộ tem Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, gồm ba mẫu tem về tiểu nhạc, đại nhạc, lục cúng hoa đăng và một tem khối về đại nhạc trong lễ tế.