Đằng sau bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM
Phác thảo bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam vừa được trưng bày tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm) để lấy ý kiến đóng góp.
Một góc phác thảo bức sơn dầu Hà Nội - chiến lũy và hoa
|
Theo tác giả Nguyễn Doãn Sơn, nếu được hoàn tất, Hà Nội - chiến lũy và hoa sẽ là bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam, kích thước 9,4m x 2,1m. Mục đích của tác giả là mượn câu chuyện lịch sử để sáng tác một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng. Tác giả cho biết "đang nỗ lực chứng minh tác phẩm của mình không phải là tranh cổ động", cũng không phải là tranh minh họa lịch sử theo lối tái hiện. Nhưng khi xem phác thảo, nhiều người có cảm giác tác giả đã khá ôm đồm khi tham vọng thể hiện cùng lúc nhiều sự kiện chính trị - xã hội của Hà Nội suốt 10 thế kỷ (từ năm 1010 đến nay). Phác thảo ngổn ngang những chi tiết chẳng mấy ăn nhập với nhau như: đầu rồng điện Kính Thiên, câu đối của các nghĩa sĩ Cần Vương, tượng Phật, 25 đồng tiền xu của 25 triều đại, xe tăng, bom ba càng, gánh hàng hoa, cầu Long Biên, con chó (mà tác giả giải thích là do quá thích con chó trong Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng nên đã đưa vào)... Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp nhận xét: "Đáy tranh hơi bị nặng, không gian tranh chưa rõ lớp xa gần".
Chính vì chạy theo chi tiết một cách thiếu chắt lọc nên tính khái quát nghệ thuật trong phác thảo Hà Nội - chiến lũy và hoa chưa cao. Đã thế, bên cạnh phác thảo, tác giả còn đưa ảnh tư liệu về các hiện vật Hoàng thành Thăng Long để đối chiếu nhằm chứng minh rằng, các chi tiết trong tranh không sai (!). Thế nhưng, về mặt lịch sử, tác giả lại bộc lộ sai sót về tư liệu, ví dụ: các chiến sĩ Vệ quốc năm 1946 lại dùng kiếm Nhật và mặc quần áo bảo hộ lao động (?!).
Để hoàn thành bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn khẳng định "sẽ phải mất 2 năm". Các công đoạn bao gồm: phác thảo nhỏ, ý tưởng tổng quát, xây dựng nhóm cụ thể, phối hợp các lớp không gian, bố cục ánh sáng, phác thảo tổng quát, phác thảo lớn, phóng lớn, thể hiện tranh trên kích thước lớn. Trước mắt, sau thời gian trưng bày lấy ý kiến (từ 29.5 đến 4.6), tác giả sẽ hoàn chỉnh phác thảo tỷ lệ 1:1. Theo dự kiến, tháng 8.2009 sẽ hoàn tất. Tháng 2.2010, tranh sẽ được triển lãm tại Văn Miếu nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Theo họa sĩ, khi thực hiện bức tranh này, cái khó lớn nhất là kinh phí (?!). Hiện tại, công trình đang được Hội Mỹ thuật Việt Nam xin TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí thực hiện. Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cũng kêu gọi thành phố tài trợ 300 triệu đồng. "Nếu không được tài trợ thì tranh khó hoàn thành đúng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long", anh phát biểu. Thế nhưng, khi được đặt câu hỏi: "Nếu không có tiền chẳng lẽ anh không vẽ tranh và không tạo kỷ lục?", thì họa sĩ im lặng. Chúng tôi lại hỏi tiếp: "Thay vì vẽ bức tranh lớn nhất Việt Nam và chờ kinh phí nhà nước thì có lẽ, anh nên vẽ một bức vừa sức mình, không lệ thuộc kinh phí?", họa sĩ lại tiếp tục im lặng!
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trích ngân sách cho mỗi đội văn nghệ nòng cốt xã, phường 3 triệu đồng. Trên địa bàn thị xã hiện có 134 đội văn nghệ quần chúng ở các cơ quan, đơn vị và các tổ dân phố, thôn bản.
Tối 8-6, tại Hà Nội, Liên hoan Ðiện ảnh và Truyền hình Thể thao quốc tế Việt Nam - FICTS 2008 đã kết thúc. Liên hoan lần này có 60 tác phẩm thuộc các thể loại như phim truyện, tài liệu, khoa giáo, quảng cáo của 20 đơn vị thuộc bảy nước.
Sau Việt Nam, một số quốc gia như Ý, Nauy cũng đã tìm ra được gương mặt đại diện tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2008.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Tây Sơn - Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung nhân dịp kỷ niệm 220 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Vua lấy niên hiệu là Quang Trung.