Chói chang "Ráng đỏ miền Tây"
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Ráng đỏ miền Tây” là tập thơ của Chi hội Yên Bái thuộc Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành quý IV năm 2007. Sách do họa sĩ Nguyễn Đình Thi thiết kế và trình bày, thoạt trông đã thấy bắt mắt về sự hài hòa và có phần độc đáo, ấn tượng.
|
Tập thơ gồm 98 bài của 33 tác giả, được nhã bút của ông Hoàng Thương Lượng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, thay lời tựa, “Trân trọng ghi nhận cống hiến, lao động sáng tạo nghệ thuật của các tác giả”.
Hình như đã có lúc, ở đâu đó, người ta hay dùng cụm từ “Thơ câu lạc bộ” để tỏ một sự coi thường, rẻ rúng đối với những cây bút không chuyên ở trong các... câu lạc bộ! Tác giả bài viết này xin phép nói ngay rằng, nếu loại thơ đó có thực thì “Ráng đỏ miền Tây” mỉm cười: ta ở một tầm cỡ khác! Hơn ba mươi tác giả của tập thơ đã sống và làm việc, đã hấp thụ trong trái tim và khối óc của mình gần như trọn vẹn đất trời quê hương và con người rất đỗi thân thương: gần như Chùa Am, Âu Lâu, Thác Bà, xa hơn chút nữa là Cầu Mây, Thác Bạc, Sa Pa... và vào tận quê Bác làng Sen, qua Đèo Ngang, Đèo Bẳn... đến Nha Trang, Vũng Tàu... Tất cả, tất cả nguồn thơ lai láng đó đã được dồn nén, tích tụ trong những vần thơ chứa chan nhân hậu tình người. Một cán bộ địa chất đã nghỉ hưu mà vẫn như đang bị những vùng đất riêng của đời mình níu kéo: “Nhớ em cô gái đất chè/Có em – xanh lại Ba Khe, Vực Tuần/Gửi quê cái áo tứ thân/Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen/Khoác màu bảo hộ làm duyên/(Vẫn nguyên cái núm đồng tiền chân quê)”. Hỡi ai đã lên miền Tây trong phong trào khai hoang Tây Bắc, có nhớ một thời biết mấy gian khổ và biết mấy hào hùng? Mới ngày nào...!
“Chốc đà mấy chục năm trời
Cập kê xưa - đã da mồi tóc sương
Nên bà - bế cháu yêu thương
Vẫn lời ru của quê hương ngàn đời”.
(Nắng chiều - Mai Long)
Đây là một thứ nắng chiều nặng nghĩa, nặng tình, nặng chân, thiện, mỹ làm ngây ngất người đọc. Anh đúng là người của đất thành Nam.
Dường như các tác giả đều là những người nặng tình và “nhẹ dạ” luôn luôn bị các vùng quê làm cho mê mệt, đắm say. Vừa đặt chân lên bản Dao Châu Quế đã thấy “Chiều Văn Yên” đẹp trong “Nắng vàng ươm tơ”: “Thấp thoáng trong rừng quế/Bóng em lẫn bóng chiều/Ngạt ngào hương quế tỏa/Thơm cay lòng nao nao” (Quang Bách). Không cứ là những vùng đất mới, trở về quê cũ bao đời khi đã qua tuổi thanh xuân mà thơ lại trẻ đến độ ta phải sững sờ: “Hương quê thơm ngát đường về/Bóng ai thấp thoáng sườn đê ráng chiều/Thanh thanh thiếu nữ yêu kiều/Khăn nhung, yếm thắm, áo điều gió bay/Hoa xoan trắng dưới chân giầy/Em đi trẩy hội Phủ Giầy đầu xuân” (Hương quê, Triệu Nhị Nhạn). Có ai đã nói thi sĩ không có tuổi. Thế thật chăng? Trong “Ráng đỏ miền Tây”, người ta thấy nắng chiều mới chói chang, nắng chiều mới làm ráo lúa (phơi)! Đây là một hồn thơ trẻ đẹp ở độ có thể “Tắt nắng đi”, “buộc gió lại” trong một nhà thơ đã xấp xỉ thất tuần:
Khi đến “Biển Nha Trang”: “Biển trời Ngọc Bích Nha Trang/Ngất ngây anh đứng ngỡ ngàng rất lâu/Ước gì anh có phép màu/Để anh lặn xuống đáy sâu biển tình/Ước gì cùng với cá Kình/Đẩy từng con sóng bập bềnh vai êm/Để hôn bờ cát thâu đêm/Lặn tìm hoa để anh đem tặng nàng” (Hoàng Mai Thanh).
Khi đến “Chợ tình Sa Pa” và “Thung lũng tình yêu”: “Ngàn thông vẫn hát nơi đây/Tình yêu lạ thế đã đầy lại vơi/Đến đây hàng triệu con người/Mà sao thung lũng vẫn chưa đầy nàng” (Hoàng Mai Thanh).
Trong “Ráng đỏ miền Tây” có nhiều bài thơ chân chất, ý tứ sâu xa, kết hợp khá chặt chẽ giữa hồn nhiên, nhạy bén với từng trải, sành đời. Đi qua Đầm Gạo, nơi có nước có thuyền, có khe có núi, đặc biệt có những con người “Đơm đó mò trai cắm sào”, tác giả thương và “Trông người lại ngẫm đến ta”:
“Nhấp nhô núi xếp trập trùng
Khe theo khe lượn lách rừng khắp nơi
Chín mươi chín ngách cuộc đời
Chín mươi chín núi một thời nước non”.
(Đầm Gạo – Lê Ngân)
Và đây nữa, những “Điều có thể” trong cuộc đời “Đôi khi khóc lại trở cười/Đôi khi chín đợi đến mười, bỏ đi/Đôi khi dở oẳn tù tì/Được thua còn mất, nhâm nhi... tính rồi/Đôi khi đất chẳng chịu trời/Âm dương sấp ngửa lở bồi dửng dưng... (Lê Văn Lộc).
Trong khuôn khổ có hạn, người viết bài này khó có thể cô đúc cho hết được cái hay cả trăm bài thơ của tập. Một điều có thể dám chắc là ai đã đứng vào trong “Ráng đỏ miền Tây” lộng lẫy kia cũng đều ánh lên sắc đỏ.
Hán Trung Châu
Các tin khác
Ngày 3/7, bộ phim "Huyền thoại bất tử" với kinh phí 10 tỷ đồng sẽ bấm máy. Lần đầu tiên, "khủng long" Siu Black tham gia diễn xuất. Các nhà sản xuất hy vọng đây là "bom tấn" của điện ảnh Việt Nam mùa Tết 2009.
Hôm nay, 2-7, 34 tác phẩm nghệ thuật đương đại tiêu biểu của các nghệ sỹ 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ tham gia vòng sơ loại cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 - do Bảo tàng Mỹ thuật Xin-ga-po (SAM) và Quỹ các nhà máy bia châu Á - Thái Bình Dương phát động.
Tạp chí Forbes vừa đưa ra danh sách 25 ngôi sao quyền lực nhất Trung Quốc. Những sao lớn như nữ diễn viên Củng Lợi, Chương Tử Di, Lý Liên Kiệt… đều có mặt trong danh sách này.
Tính đến sáng 30/6, vịnh Hạ Long của Việt Nam đã tuột khỏi ngôi số 1 trong bảng xếp hạng 77 danh thắng trên toàn thế giới của cuộc bầu chọn 7 kỳ quan tự nhiên thế giới do Tổ chức NewOpenWorld tổ chức.