Ấm áp suối nguồn
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tiết trời vừa sang thu, cũng là dịp người dân Yên Bái náo nức hướng về kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2 - 9 và đặc biệt là sự kiện 50 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái (25.9.1958 - 25.9.2008).
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”.
(Ảnh: Thành Trung)
|
Nhân dịp này, Ban Biên tập Báo Yên Bái đã tạo điều kiện cho một đoàn cán bộ hành hương về Pác Bó (Cao Bằng) - quê hương cách mạng. Nơi đây, sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã từ Trung Quốc trở về và chọn nơi này làm căn cứ chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước giành độc lập dân tộc.
Đường lên Cao Bằng tuy xa nhưng giờ thật dễ đi. Đèo Giàng dài hàng chục cây số, xưa kia vốn nơi "lam sơn chướng khí", là chốn hoành hành của "lục lâm thảo khấu" thì nay đường nhựa phẳng lì. Dẫu vậy, nhìn cảnh núi rừng trùng điệp trên đường vào thị xã Cao Bằng vẫn còn nét hoang sơ, những chòm xóm của đồng bào vẫn khiêm nhường ẩn hiện bên lưng núi, mới hiểu thêm nỗi niềm câu ca xưa: "Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng". Ấy vậy mà, mảnh đất biên viễn kiên trung này ngàn đời nay làm nên bao huyền thoại...
Biết chúng tôi vừa trải qua một chặng đường dài còn mệt, các đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng gợi ý, nên đi thăm thú cảnh quan Cao Bằng trước và ngày hôm sau dành trọn chương trình về thăm Pác Bó; trên đường rời Cao Bằng sẽ tiếp tục qua các địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp như: đèo Bông Lau, Đông Khê, Thất Khê trong Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950 để khai thông biên giới Việt - Trung tiếp nhận viện trợ và phá vòng vây của Pháp cô lập căn cứ địa Việt Bắc với bên ngoài. Bác Hồ đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch này và cũng ở nơi đây đã khắc ghi hình ảnh Anh hùng La Văn Cầu chiến đấu anh dũng, cho dù bị địch bắn đứt cả cánh tay vẫn không rời chiến tuyến.
Thật thú vị khi đi theo lịch trình gợi ý của các bạn, chúng tôi đã về thăm huyện Trùng Khánh - nơi có thác Bản Giốc - một thắng cảnh tuyệt mỹ của tạo hóa ban cho nơi này. Và thêm một địa danh nổi tiếng nữa, đó là động Ngườm Ngao. Nhiều du khách nước ngoài phải thốt lên rằng, dù đã đi thăm rất nhiều hang động nổi tiếng ở Việt Nam nhưng chưa thấy hang động nào đẹp như Ngườm Ngao! Còn nói hài hước như nhà văn Hoàng Thế Sinh - Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái thì: "Giời ơi! Chỉ có ông giời mới làm đẹp được như thế này!". Hang động được hai sĩ quan Pháp và hai người Việt phát hiện từ năm 1921. Hang dài 2.144 mét, có suối ngầm chảy qua, lòng hang thoáng rộng với vô vàn nhũ đá muôn hình vạn trạng để con người tha hồ mà tưởng tượng, tha hồ mà đặt tên cho từng phiến nhũ.
Đường vào Pác Bó, đi từ thị xã Cao Bằng qua huyện Hòa An - thủ phủ của nhà Mạc xưa kia. Nơi đây, có cánh đồng rộng, bằng phẳng và dân cư sầm uất tựa Mường Lò - Yên Bái vậy. Rồi chúng tôi lại qua làng Nà Mạ - quê hương của Kim Đồng, mộ anh nằm sát bên đường và cách Pác Bó chỉ vài cây số. Và kia, dòng chữ "Núi Các Mác" được khắc bên vách đá dần hiện ra trước mặt, như mách bảo chúng tôi đã vào đến khu di tích.
Núi Các Mác cao ngất tận chân mây. Suối Lê - nin biếc xanh lượn quanh chân núi. Chúng tôi lên thăm hang Cốc Bó. Hang nằm ở lưng chừng núi Mác. Cô hướng dẫn viên cho biết, trước năm 1979 thì vòm hang còn nguyên, trong nền hang quãng hơn chục mét vuông rất tối vì chỉ có một cửa nhỏ mà người phải cúi mới vào được. Thế mà Bác đã ở trong đó cả tháng trời. Chiếc lán Khuổi Nậm - chỗ ở sau này khi Bác rời hang Cốc Bó cũng nho nhỏ, đơn sơ bên suối; chiếc bàn đá nhỏ chênh vênh mà dân bản kê tạm cho Bác làm việc. Trong Nhà Bảo tàng Khu Di tích Pác Bó vẫn lưu giữ những vật dụng của Bác là chiếc máy chữ thô sơ, đôi dép cao su mòn vẹt, chiếc làn mây cũ kỹ do bà con đan để Bác dùng trong những năm tháng ở đây. Thế mà Bác vẫn lạc quan: "Cuộc đời cách mạng thật là sang". Trong cái sự "sang trọng cách mạng" ấy, trái tim lớn của Người đã dồn tâm dịch và xuất bản nhiều tài liệu cho phong trào cách mạng; mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ cách mạng; tổ chức Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh; đưa ra nhiều chủ trương cho khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945; xây dựng căn cứ địa Việt Bắc... Nhìn cảnh vật còn đây, lòng thầm nghĩ, Bác của chúng ta chịu bao hy sinh, gian khổ để cùng toàn dân xây nên giang sơn gấm vóc. Vậy mà, trong hòa bình và cuộc sống no ấm hôm nay, điều kiện làm việc tốt hơn nhiều, nếu chúng ta không ra sức dựng xây đất nước thì quả thật muôn vàn có lỗi với Người...
Tất cả chúng tôi cùng uống ngụm nước suối mát trong nơi đầu nguồn Pác Bó bằng tất cả sự tri ân. Cô hướng dẫn viên bảo rằng, rất nhiều người đến đây đều đã lấy can đựng nước mang về, cất đi, mỗi khi làm lễ cúng tổ tiên lại lấy một ít nước để thắp hương. Câu chuyện ấy khiến tôi liên tưởng đến một thực tế, khi nói những gì liên quan tới đá, người ta thường nghĩ đến sự khô cằn, là sự sống khó bề sinh sôi... Thế mà nơi đây, cây vẫn bám chặt vào đá, vươn mình xanh tốt và trong lòng đá vẫn mở ra suối nguồn trong mát. Hình ảnh ấy tựa như dòng chảy của cách mạng Việt Nam khơi nguồn từ gian nan, máu lửa mà vẻ vang, chói lọi. Ai đó, lấy nước ở đây về dâng cúng tổ tiên, chắc hẳn trong lòng họ đều mang một tình cảm thiêng liêng, trân trọng quá khứ khi về với suối nguồn cách mạng...
Với chúng tôi, chuyến hành hương này thật ý nghĩa! Trời xanh, non nước Pác Bó - Cao Bằng cho ta soi lại mình để học và làm theo Bác. Chuyến đi lại càng thêm ý nghĩa vì chúng tôi có chung một cảm giác về sự hội tụ thật đầm ấm. Nhiều người bạn đến được nơi đây, khi biết chúng tôi đang về thăm Pác Bó đã gọi điện nhắn gửi rằng: "Nhờ anh thắp giúp em nén tâm nhang kính dâng lên Bác!". Tôi còn gặp lại Dương Minh Đô - người bạn trước đây cùng học Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và hiện anh công tác tại Khu Di tích Pác Bó. Nhà anh ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Bố anh là 1 trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa. Cô hướng dẫn viên người Tày xinh đẹp tên Hoàng Thị Huệ đã thật nhiệt tình hướng dẫn cho đoàn. Huệ trước đây học Khoa Bảo tàng - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Huệ cũng như anh Đô, đều có điều kiện công tác ở thành phố nhưng họ tha thiết về đây phục vụ quê hương. Hơn thế, Huệ "kéo" được cả một chàng trai nơi miền đất Tổ vua Hùng cùng lên đây công tác. Đặc biệt, chúng tôi còn có cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng với cô gái Nùng tên là Hoàng Hồng Xiêm. Xiêm là cháu của bà Nông Thị Trưng - người có nhiệm vụ đưa cơm cho Bác trong những ngày Người ở Pác Bó và Xiêm đang là phóng viên của Báo Cao Bằng. Nhờ có Xiêm trong vai "hướng dẫn viên bất đắc dĩ" mà đoàn chúng tôi được biết những câu chuyện về nhà Mạc cát cứ ở đất Cao Bằng trên tám chục năm; biết về những danh nhân Cao Bằng như: Hoàng Kim Mãn, Nùng Chí Cao và nhà cách mạng Hoàng Đình Dong - một trong những người sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cũng như hiểu thêm bao điều mới lạ, thú vị nữa ở Cao Bằng. Sự gặp gỡ trong tâm khảm lòng kính yêu Bác của những người chưa có dịp đến đây, những người vừa mới đến và những người đang ở đây, có thể ví như một sự tiếp lửa cho nhau nơi suối nguồn cách mạng.
Chia tay Pác Bó - Cao Bằng, nhà văn Hoàng Thế Sinh thay mặt đoàn chép vào Sổ Lưu niệm của Khu Di tích mấy vần thơ của Tố Hữu:
"... Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn"
Và tất cả chúng tôi đều trân trọng ký tên mình dưới dòng lưu bút ấy.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Cô công chúa nhạc pop của làng giải trí Mỹ đang tìm kiếm sự trở lại ngôi vị sau những rắc rối về hành vi và thời gian dài trong bệnh viện do những chẩn đoán tâm thần.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa nhận được lời đề nghị từ kênh truyền hình BBC của Anh về việc quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh này.
YBĐT - Những ngày sôi sục cách mạng năm 1945, bên bờ Ngòi Thia diễn ra sự kiện chưa hề gặp trong lịch sử vùng đất phía tây tỉnh Yên Bái. Viên tri phủ, cùng quan lại dưới quyền áo quần tề chỉnh, tay cầm cờ trắng, đi bộ hơn ba kilômét, từ phố Nghĩa Lộ ra đón quân giải phóng xin hàng. Sự kiện ấy, những người góp sức làm nên kỳ tích ấy còn sống mãi...
Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, chân dung nhà tư tưởng, nhà triết học nổi tiếng người Trung Quốc Khổng Tử sẽ được dựng thành phim, và đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn Hồ Mai.