Thành phố tôi yêu ngày ấy, bây giờ

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mới đây thôi mà đã gần 50 năm tôi gắn bó mồ hôi, nước mắt với thị xã Yên Bái tỉnh lỵ này. Khi tôi đặt chân tới, nó đã ra đời được 62 năm. Cho đến hôm nay, sau khi đã kinh qua một trăm năm, thị xã Yên Bái được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh, vừa tròn sáu tuổi, vào loại trẻ, rất trẻ trong 64 tỉnh, thành cả nước.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: M.Q)
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: M.Q)

Thành phố của tôi khó có thể so sánh với những thành phố cùng cấp của nước mình, nói gì đến so sánh với các thành phố của nước ngoài, nhưng nó có một lịch sử, một truyền thống rất đáng tự hào. Từ những ngày xa xôi ấy, nó lớn lên cùng đất nước lớn lên, anh hùng cùng dân tộc anh hùng. Trong đói nghèo lam lũ, nó chịu thương chịu khó, kiên trì nhẫn nại, một nắng hai sương làm ra hạt thóc củ khoai, nhặt từng con cá, lá rau để sống, để dựng xây cuộc sống.

Từ những ngày đầu tiên của thế kỷ XX, cả thị xã mới chỉ vẻn vẹn chưa đầy hai ki lô mét vuông dưới chân Đồn Cao, Đồn Dưới, chưa hết tầm nhìn của những ông đội, ông cai thực dân. Mà nào đâu chỉ có việc làm ăn sinh sống, còn bao nỗi phu phen, tạp dịch, còn hàng trăm thứ sưu thuế bóp cổ, bóp hầu. Không lẽ cam chịu cả đời, những người dân trên dải đất từ Đồn Cao đến Tuần Quán này còn phải rèn dao, rèn súng, vót cung nỏ chống lại kẻ thù thống trị.

Những người dân từ miền xuôi, ngược sông Thao, tha phương cầu thực, hay phải đi xẻ núi, đào sông, làm đường sắt, đường bộ, hết hạn trụ lại đây thì cũng là lúc hệ thống hành chính cai trị đã thiết lập xong. Những ông phủ, ông huyện đã được phong nhậm, những ông chủ đồn điền đã bao chiếm hết núi đồi và sông suối. Vì thế, cây sơn, cây chè trên mảnh đất thượng du vừa khai phá, cũng chẳng làm cho những người trồng nó bớt đói nghèo chút đỉnh. Những người buôn thúng bán mẹt, chợ búa hàng hóa cũng chỉ đủ cung ứng cho các gia đình công nhân, viên chức, thư lại hạng xoàng mà thôi, đâu dám mong dư dật. Phố xá vì vậy, cũng lèo tèo mái tranh, mái lá, đêm đến cũng leo lét củi lửa, dầu đèn.

Dẫu sao, do các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp mà đường sắt được xây dựng, thị xã có nhà ga, bến xe, có sân vận động, có bến sông, thuyền bè..., bộ mặt một thị xã tỉnh lỵ dần dần hiện lên rõ rệt. Nhất là từ sáng 22/8/1945 lịch sử, hàng vạn nhân dân đi mít tinh chứng kiến sự ra mắt của chính quyền cách mạng lâm thời. Thị xã tỉnh lỵ bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập, chính quyền thuộc về tay nhân dân. Và, chỉ sau đó một tuần, thị xã Yên Bái đã phải đương đầu với đội quân Tưởng Giới Thạch ô hợp và bọn Quốc dân đảng phản động. Tiếp theo đó là cuộc kháng chiến 9 năm, kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói, thị xã của chúng ta trong thời gian ấy chưa có lấy một ngày rảnh rang cầm cuốc cầm cày, cầm bay cầm búa, để xây nền đắp móng. Thế nhưng, chỉ mươi năm sau ngày tái lập, kể từ tháng 4/1956, thị xã Yên Bái đã phát triển hoàn chỉnh với những cơ sở kinh tế, văn hóa giáo dục vững chắc, diện tích mở rộng, dân số tăng lên không ngừng. Không ai có thể quên trưa ngày 09/7 mùa hè năm 1965 và những ngày sau đó, thị xã Yên Bái bị không quân Mỹ đánh phá hủy diệt. Suốt một dải từ bến Âu Lâu đến Vực Tuần chỉ còn là một khoảng đất trơ trụi, không nhà cửa, cây xanh, đôi chỗ những thân cây cháy sém đen thui, trơ trỏng.

Tất cả đã sơ tán, cất giấu, hoặc sang sông Bảo Hưng, Phúc Lộc hoặc Tân Thịnh, Văn Tiến với những lán trại, hầm hào dưới tán rừng xanh. Mọi hoạt động ngày đêm vẫn hướng về thị xã thân yêu. Những chiếc xe đẩy, xe đạp thồ, những bến đò ngang Nhị Châu, Tuần Quán vẫn lưu thông như những mạch máu hồng hào trên một cơ thể lao động chắc khỏe, dẻo dai.

Từ một thị xã có gần sáu nghìn ha đất tự nhiên với hơn bảy chục ngàn người, đến năm 2008 này, chúng ta có một thành phố với hơn mười nghìn ha dọc theo hai bên bờ phải, trái sông Hồng và chín mươi lăm nghìn dân có lẻ. Bên này là sân bay, ga tàu đường sắt, bên kia là đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Có một cụ già gần 90 tuổi, đã một thời sông nước, hào hứng nói với tôi như một ý thơ rằng: đứng trên cao nhìn xuống dòng sông Hồng uốn lượn giữa thành phố Yên Bái, dưới sao trời mà liên tưởng tới sông Xen và Pari, sông Vônga với Mạc Tư Khoa, Đêli với sông Hằng...

Tôi nghĩ rằng cụ là người quá lãng mạn nhưng cũng không phải không xuất phát từ một thực tế núi sông bày ra trước mắt. Từ trung tâm thành phố, ngược lên phía bắc, đi xuống phía nam, sang miền Tây "vời vợi nghìn trùng", hướng về đông các vùng Tuyên, Thái là những con đường lớn, hai bên đều có nước hồ soi bóng những nhà cao tầng, siêu thị, những khách sạn, vườn hoa, những công viên, nhà tưởng niệm, những cơ quan công quyền, những quảng trường, nhà văn hóa, những khu trường học... với đủ sắc màu kiến trúc vừa hiện đại vừa truyền thống, lạ mắt mà vẫn ưa nhìn! Trên các con đường nhựa phẳng lì, cây xanh bóng mát, bon bon những chiếc ôtô du lịch mang tên đủ các hãng lớn, tân kỳ của thế giới hiện đại.

Thành phố của tôi, của chúng ta chưa thật giàu, thật đẹp nhưng hình ảnh của nó hôm nay thực sự đã hứa hẹn chắc chắn một ngày mai đàng hoàng, to đẹp - một điểm đến trong ao ước của bao người.

Hán Trung Châu

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục