"Khùi-Xì-Mờ" nét văn hóa truyền thống của người Xá Phó

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trên các sườn núi, báo hiệu một mùa xuân mới đang về với khắp các bản trên, bản dưới, người Xá Phó (hay còn gọi là Phù Lá) ở bản Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên tạm gác lại mọi lo toan. Cả bản làng nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết "Khùi- xì- mờ" - Tết mừng năm mới. Những điệu khèn, tiếng sáo cùng những lời ca tiếng hát của các chàng trai, cô gái vang lên hòa quyện cùng thiên nhiên. Khắp núi rừng cũng như đang vui với đồng bào Xá Phó trong niềm vui đón xuân mới.

Tiếng khèn mùa xuân của các thiếu nữ Xa Phó.
Tiếng khèn mùa xuân của các thiếu nữ Xa Phó.

Người Xá Phó có cách tính lịch riêng nhưng khi khớp lại thì lịch vẫn trùng với ngày tết cổ truyền đầu năm giống như dân tộc Kinh. Tết Khui-xì-mờ diễn ra đúng vào đầu tháng Một (tiếng Xá Phó là Hơngnớbơ), lúc này việc thu hoạch lúa đã xong. Người Xá Phó ăn tết bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp (âm lịch) đến hết rằm tháng Giêng, trong đó có 3 ngày tết chính (mùng 1, mùng 2 và mùng 3), còn lại là tết con, (từ ngày mùng 4 đến ngày 15 tháng Một âm lịch).

Trong dịp tết, bao giờ các gia đình cũng chọn giống gạo thơm ngon nhất làm thức cúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Ngày 30 tết, ngày cuối cùng trong năm, ngày âm dương giao hoà, ngày người đi xa trở về sum họp với gia đình. Lúc này, người Xá Phó bắt đầu nghi lễ đầu tiên, bà chủ nhà cùng con cháu dâng lễ vật cho ma ngoài nhà (ma trời) hay còn gọi là mâm cúng "Ma thia a né pư bá". Địa điểm tiến hành nghi lễ là khu sàn phụ đối diện với cửa chính ra vào. Mâm cúng "Ma thia a né pư bá" gồm có một con gà luộc, một bát cơm, rượu và bạc trắng. Chủ nhà đọc lời cúng mời các ma ngoài nhà, ma đói về uống rượu và cầu cho các ma trời đừng đến quấy rối mâm cúng tổ tiên của gia đình.

Ngày đầu tiên của năm mới, lúc còn tờ mờ sáng, bà chủ gia đình là người dậy thật sớm ra ngọn nước đầu nguồn hứng đầy ống bương đem về nhà. Đây là một tập quán độc đáo của người Xá Phó, bởi họ cho rằng, đầu năm phải có nước mới, tinh khiết về để trong nhà thì cả năm mới gia đình mới khoẻ mạnh, sạch sẽ và thu được nhiều cái mới. Trên đường đi lấy nước về, bà chủ nhà phải nhặt một viên đá cuội màu trắng (lêcơmơ) về nhà ném vào chuồng lợn để cả năm lợn to và nặng như đá. Sau đó, gia đình tiến hành làm lễ cúng tổ tiên. Vị trí cúng là chiếc cửa sổ ma (Dohíanẹ). Cửa ma là nơi thờ tổ tiên của người Xá Phó được làm bằng vách liếp, hai bên có cắm hai chiếc lông gà.

Theo phong tục của người Xá Phó, cửa ma phải đặt ở gian nhà giữa thẳng với bếp nấu ăn và nối với bếp nấu ăn bằng dát sàn liền. Nếu cửa ma đặt lệch thì người trong nhà sẽ bị hồn ma của người đã khuất làm cho ốm đau hoặc của cải trong nhà sẽ bị phát tán hết.

Sau khi mâm cúng chuẩn bị xong, bà chủ nhà đọc lời khấn tổ tiên. Bên cạnh mâm cúng tổ tiên, chủ nhà còn dâng thêm nhiều lễ vật khác gồm bánh và các loại cây trái trồng trong vườn như: mía, chuối, chanh. Bánh cúng tổ tiên của người Xá Phó là bánh tày được phân biệt rõ ràng với bánh ăn ngày tết qua cách buộc bánh. Bánh cúng được buộc theo kiểu cuốn vặn dọc thân bánh, bánh để ăn ngày tết được buộc thành 3 nút xoắn. Số lượng bánh cúng bắt buộc phải đủ chẵn 6, 8 hoặc 10 chiếc.

Trong ngày mùng Một đầu năm, người Xá Phó cho rằng, nếu bản này sang bản khác chơi hay chúc Tết vào đầu năm thì mọi của cải trong làng sẽ đi theo và làm cho bản mình bị đói kém suốt năm đó. Do vậy, họ kiêng đi chúc tết vào ngày mùng một. Sau lễ cúng ngày mùng Một, chủ nhà chọn lấy một ngày tốt để tiến hành nghi lễ vào vụ phát nương và săn bắn của năm nay. Buổi sáng, chủ nhà tập hợp con cháu để dặn dò. Người Xá Phó quan niệm rằng, sự thành bại của ngày đi làm đầu tiên trong năm mới sẽ ảnh hưởng đến công việc của cả năm nên tất cả các thành viên trước khi lên nương đều chuẩn bị rất đầy đủ.

Sang ngày mùng Hai, mùng Ba tết, dân làng bắt đầu đến các bản chúc tết. Sau khi uống với nhau chén rượu, ăn miếng bánh, miếng thịt và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, gia đình sẽ tổ chức múa xoè (Xình xi bá) và mời khách cùng tham dự. Bắt đầu cuộc Xình xi bá, người con trai trưởng mời hai ông bà chủ nhà đứng ra làm chủ đám. Người làm chủ đám sẽ được cắm 1 chiếc lông chim trên đầu. Tiếp theo, chủ nhà sẽ lấy khèn thổi một điệu nhạc để mở đầu cuộc Xình xi bá, lần lượt các thành viên trong gia đình, từ ông bà chủ đám đến các thành viên và khách mời cuốn vào điệu múa. Vừa múa người ta vừa khấn cầu tổ tiên thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới sức khoẻ, mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà đầy chuồng... 

Điệu múa Xình xi bá là hình thức sinh hoạt mang tính tập thể có từ rất lâu đời của đồng bào Xá Phó, thể hiện tâm trạng hân hoan, vui sướng của con người trong ngày lễ lớn, ngày trọng đại. Sau khi điệu múa kết thúc, chủ nhà thực hiện nghi thức cuối cùng là phát lộc cho con cháu và khách mời. Ai càng thu được nhiều cơm gạo của chủ nhà tung ra thì năm đó sẽ được tổ tiên ban phát nhiều lộc.

Tới ngày mùng bốn tết, các bản làng tưng bừng mở hội xuân. Nam thanh nữ tú say sưa ru mình trong tiếng khèn, tiếng sáo, trong các điệu xoè... Cùng với đó là các sinh hoạt văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: hát đối đáp, đánh quay, bắn nỏ, chơi yến, ném còn... Các trò chơi được kéo dài cho tới rằm tháng Giêng mới kết thúc.

Nếu có dịp lên với bản làng của người Xá Phó trong những ngày tết ấy, bạn sẽ được đắm mình trong tiếng sáo "cúc kẹ" (sáo mũi) của nghệ nhân dân gian Việt Nam Đặng Thị Thanh, cùng với các chàng trai, cô gái Xá Phó trẻ trung, duyên dáng trong những điệu xoè Xình xi bá. Tất cả làm nên sự độc đáo, nét nhân văn riêng có trong phong tục tập quán của đồng bào Xa Phó nơi vùng cao xa xôi này.

Thanh Chi

Các tin khác
Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Theo dấu chân Người” là chủ đề chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 5/2024, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024); 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).

16 tiết mục văn nghệ tham gia trong chương trình văn nghệ “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng

Tối 30/4, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca chiến thắng”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Sức sống của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng có được là do chính tình cảm của mình và tình cảm của mọi người. Mọi người dân trong nước có sự đồng cảm với nhau nên có một sự cộng hưởng”.

Đã 49 năm trôi qua, kể từ khi ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" ra đời, nhưng bài hát vẫn sống mãi cùng bao thế hệ người Việt. Cho đến hôm nay, mỗi khi dân tộc đạt được một thành tựu mới thì ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" lại ngân vang. "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là tiếng reo vui của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục